Dự kiến những ngành đào tạo Bộ GD&ĐT xác định "điểm sàn"
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT; đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định: Đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ ĐH, CĐ, trung cấp, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên: Trình độ ĐH xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.
Trình độ CĐ, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất (ngành cao đẳng), Sư phạm Thể dục thể thao (ngành trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
Đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học: tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi đối với các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng hàm mặt; tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá đối với các ngành còn lại.
Yêu cầu chi tiết hơn việc công bố điều kiện đảm bảo chất lượng
Cũng theo dự thảo thông tư, các trường được yêu cầu cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm trong thời gian 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất so với năm tuyển sinh theo khối ngành.
Các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các trường đặc thù): xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng khác về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt và phương thức xét tuyển và thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại khoản 5 Điều 13 của Quy chế.
Trước khi thí sinh làm thủ tục ĐKXT, các trường công bố các thông tin cần thiết lên trang thông tin điện tử của trường để thí sinh ĐKXT: mã số trường, mã số ngành, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, tổ hợp xét tuyển, quy định chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp, các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển và các quy định khác không trái với quy định của Quy chế này; nhập đầy đủ các thông tin về tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong thời hạn quy định.
Riêng ngưỡng điểm nhận ĐKXT có thể quy định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và phù hợp với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Quy chế.
Dự thảo cũng quy định: Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định của trường. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác; thí sinh xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.