Nỗ lực phục hồi
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chỉ sau 3 quý, du lịch nước ta đã vượt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế của cả năm 2023. Ngành đã nhanh chóng thay đổi mục tiêu đón khách quốc tế lên 12,5 - 13 triệu lượt (gấp 1,5 lần mục tiêu ban đầu).
Đến hết năm 2023, ngành du lịch đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so với mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023.
Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) năm 2023. Nổi bật là giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới lần thứ 4. Điều này đã tiếp tục khẳng định tiềm năng, sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa lâu đời của nước ta trong phát triển du lịch. Giải thưởng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của cộng đồng người dân.
Các trọng điểm du lịch trên toàn quốc gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ.
Năm 2023, khách quốc tế tới Thủ đô đạt 4 triệu lượt, khách nội địa đạt 20 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87.650 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022. Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang chia sẻ: Việc phát triển du lịch được triển khai đồng bộ với nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thành phố tập trung phát triển các điểm đến, xây dựng tour, nhóm sản phẩm mới hấp dẫn, tổ chức đa dạng các hoạt động, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hà Nội cho ra mắt 15 sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn, tạo ấn tượng tốt với du khách.
Khu du lịch Mộc Châu Island thu hút đông đảo khách du lịch. |
Năm 2023, khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 5 triệu lượt, nội địa khoảng 35 triệu lượt, tổng thu 160.000 tỷ đồng… Đây vẫn là một trọng điểm du lịch chính của cả nước; điểm xuất phát hành trình khám phá cụm miền Tây Nam Bộ, Phan Thiết, Đà Lạt..., mở rộng ra Campuchia, Lào, Thái Lan. Sang năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 190.000 tỉ đồng; đón lượng khách lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...
Đà Nẵng đón hơn 7,39 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 1,99 triệu. Doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành là gần 28.000 tỷ đồng; trong đó riêng lưu trú, lữ hành đạt gần 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, lượng du khách đến bằng đường biển tăng mạnh với 22 chuyến tàu, hơn 18.000 lượt khách. Cùng với đó, MICE là sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông du khách.
Bình Thuận đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh". Chuỗi sự kiện trong năm mang tính đặc sắc, mới lạ, mang thế mạnh đặc trưng đã tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đến tỉnh đạt 8,5 triệu lượt (gấp hơn 2 lần năm 2022), tổng thu từ khách du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào thành công chung của du lịch Việt Nam. Bình Thuận đã về đích các chỉ tiêu phát triển du lịch trước 1 tháng và là một trong số những tỉnh, thành phố có tổng lượt du khách, doanh thu du lịch cao nhất cả nước.
Năm 2023, du lịch Lào Cai bứt phá. Lượng khách đến đạt hơn 7 triệu lượt, trong đó hơn 500.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Tỉnh đề ra mục tiêu năm 2024 phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách, doanh thu trên 27.000 tỷ đồng; tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng thêm các sản phẩm mới đặc sắc. Lễ hội sông Hồng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn trong chuỗi sự kiện văn hóa - du lịch năm 2024 và các năm tiếp theo…
Các điểm đến địa phương được vinh danh ở Giải thưởng Du lịch thế giới. Hà Nội vinh dự với danh hiệu "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023". Đảo ngọc Phú Quốc là "Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023". Mộc Châu được tôn vinh là "Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023". Hà Nam giành giải thưởng "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023". Tam Đảo đạt danh hiệu "Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023.
Một số doanh nghiệp được vinh danh, trong đó Vietravel lần thứ 7 liên tiếp nhận giải "Nhà điều hành tour hàng đầu thế giới"; The Empyrean Cam Ranh Beach Resort (Khánh Hòa) nhận giải "Khu nghỉ dưỡng giải trí hàng đầu thế giới"; Khu Du lịch Sun World Fansipan Legend Lào Cai nhận 2 giải "Khu Du lịch văn hóa và Khu Du lịch có phong cảnh thiên nhiên hàng đầu thế giới".
Tháo gỡ rào cản, thúc đẩy du lịch phát triển
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định: Năm 2023, bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của Bộ, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Một số chính sách đã được ban hành, góp phần tháo gỡ rào cản, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch. Theo đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, doanh nghiệp tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Các vấn đề tạo thuận lợi cho du khách quốc tế chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực. Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện.
Du lịch được đặt trong tổng thể phát triển với văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, xúc tiến đầu tư thương mại. Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, đóng góp của du lịch đã chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách quốc tế đến phục hồi tương đối chậm so với các nước trong khu vực. Chỉ sau 11 tháng, Malaysia đã đạt 26 triệu lượt khách. Thái Lan đặt mục tiêu đón 18 - 20 triệu du khách quốc tế trong năm 2023 và đã nâng mục tiêu lên 25 triệu từ đầu tháng 5, với 39,8 triệu du khách. Singapore mục tiêu 12-14 triệu lượt khách, doanh thu từ 14-16 tỷ USD...
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chia sẻ: Việc kết nối, khai thác thị trường mới, tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Kết nối, khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước COVID-19 vẫn chậm. Quản lý điểm đến tại một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách…, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam. Việc truyền thông, cập nhật, quảng bá thông tin về quy định mới còn hạn chế, thiếu kịp thời tại thị trường nguồn quốc tế do thiếu văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện tại nước ngoài...
Cảnh quan thiên nhiên thơ mộng với những núi đá vôi rất phù hợp khai thác loại hình du lịch leo núi thể thao mạo hiểm ở xã Yên Thịnh. |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong phục hồi, phát triển du lịch thời gian tới. Bộ cho rằng cần tiếp tục phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch. Cụ thể là nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho du khách từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm; mở rộng miễn thị thực đơn phương cho các nước có chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu.
Bộ nêu rõ cần tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, hãng hàng không quốc tế để xúc tiến mở thêm đường bay mới, tăng tần suất những chuyến bay thẳng hiện có giữa địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và thành phố cấp 1, cấp 2 của thị trường khách du lịch mục tiêu. Bộ đề xuất sửa đổi Luật Cơ quan đại điện Việt Nam ở nước ngoài, cho phép lập văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Toàn ngành triển khai xúc tiến, quảng bá, đẩy nhanh tốc độ phục hồi khách du lịch quốc tế. Cụ thể là tận dụng hiệu quả các chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh mới nhằm thu hút khách quốc tế vào mùa cao điểm cuối năm 2023, đầu năm 2024. Việc quảng bá, xúc tiến cần tăng cường làm trực tiếp tại các thị trường quốc tế trọng điểm, truyền thống và thị trường mới, tiềm năng gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông...
Cùng với đó là phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch có thương hiệu, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp thúc đẩy liên kết hợp tác, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch.
Năm 2024, toàn ngành kỳ vọng du lịch sẽ tiếp tục bứt phá, hướng tới phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch như năm 2019. Mục tiêu đặt ra là quyết tâm phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, đưa Việt Nam trở thành quốc gia du lịch phát triển cao trong khu vực./.