Quyền “quyết” ngân sách
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Ngân NSNN, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH bày tỏ quan điểm, vẫn nên giữ nguyên quy định QH quyết định NSNN trong một kỳ họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (UBTC&NS) của QH Phùng Quốc Hiển lý giải: “QH một năm chỉ họp hai kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), QH không quyết định về khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho năm sau. Trường hợp điều chỉnh lại quy định để giao QH quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển KT-XH tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính - NSNN có tính ổn định cao. Vì vậy, xin cho giữ như quy trình hiện hành”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển |
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cho rằng, nên “quyết” NSNN qua hai kỳ họp mới bảo đảm thực quyền của QH và nâng cao trách nhiệm của Chính phủ. ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, quyền quan trọng nhất của QH là quyết định NSNN. Nếu QH thật sự muốn kiểm soát ngân sách thì trong Luật NSNN, kể cả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, QH đặt ra khoản thu chính là thẩm quyền lập pháp nên không có ủy quyền lập pháp. QH nên dành 10% quỹ thời gian của hai kỳ họp để bàn ngân sách, giữa kỳ và cuối kỳ, như vậy mới kiểm soát được.
Thậm chí, để chặt chẽ hơn, ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị, đưa vào luật dự toán ngân sách hằng năm phải được thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị ĐBQH chuyên trách trước kỳ họp cuối năm của QH. Cùng với đó, QH xem xét, báo cáo việc thực hiện dự toán NSNN của năm trước vào kỳ họp đầu năm sau để kịp thời điều chỉnh, xem xét. Chính phủ lỡ kỳ họp của UBTVQH, không báo cáo được thì báo cáo với QH việc thực hiện NSNN để chúng ta khắc phục tình trạng vừa rồi của quyết toán.
Nhấn mạnh, QH có thực quyền hay không, có thật sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất hay không, một phần quan trọng phụ thuộc Luật NSNN sẽ được thông qua tại kỳ họp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị, QH quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách chứ không giao cho Thủ tướng Chính phủ. Bởi thực chất, thực quyền phân bổ ngân sách nằm ở các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách. Tại các kỳ họp QH hầu như không thể quyết định dự toán NSNN và quyết định phân bổ ngân sách T.Ư khác với những điều Chính phủ trình, vì dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư đã được xây dựng theo nguyên tắc, tiêu chí, định mức do Thủ tướng Chính phủ quyết định, mặc dù có xin ý kiến của UBTVQH.
Tăng cường kỷ luật tài chính
Dự thảo Luật quy định, “vay bù đắp bội chi NSNN phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để trả hết nợ lãi khi đến hạn. Đối với chi trả nợ gốc khi đến hạn được bố trí từ các khoản vay mới theo quy định của pháp luật để thực hiện”.
Siết chặt kỷ luật tài chính |
ĐBQH Đồng Hữu Mạo (tỉnh Thừa Thiên - Huế) thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi không đồng ý với quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn. Việc lấy khoản vay mới để trả nợ gốc chỉ để giảm bớt áp lực, giảm bớt lo âu, thực chất chúng ta đã đi vay về để chi thường xuyên, dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên…”.
Còn ĐBQH Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhấn mạnh, trong điều kiện nợ công như hiện nay, nếu cứ đến hạn trả nợ gốc lại đi vay mới để chi trả thì e rằng rất khó khăn, dẫn đến không buộc phải tiết kiệm ngân sách để trả nợ và quy định như vậy cũng không phù hợp Điều 30 của Luật Quản lý nợ công. Chính phủ bố trí NSNN để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ. ĐBQH Lê Đình Khanh (tỉnh Hải Dương) cho rằng: “Nếu thu không đủ chi, trông chờ ở khoản vay để chi thì làm sao kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc? Đề nghị, chỉ vay để chi cho đầu tư phát triển, dứt khoát không thể lấy khoản vay mới để trả nợ cũ”.
Ủy viên Thường trực UBTC&NS Bùi Đức Thụ (ĐBQH tỉnh Lai Châu) đặt vấn đề, trong những năm qua, chi ngân sách thường vượt lớn. Luật NSNN (sửa đổi) lần này có ngăn chặn được tình trạng chi vượt dự toán lớn không? Tôi cho rằng Luật Ngân sách (sửa đổi) lần này chỉ góp phần hạn chế. Và để tăng cường kỷ luật tài chính, ngoài quy định thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức, cá nhân quản lý, điều hành ngân sách thì cần phải chuyển từ nghị quyết QH về dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách hằng năm sang luật ngân sách thường niên và chỉ có trong chừng mực đó kỷ luật tài chính mới được tăng cường.
Riêng về quỹ ngoài ngân sách, nhiều ĐBQH đồng ý, song cho rằng cần thu hẹp các quỹ, quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm sự tập trung của NSNN, tránh sự chồng chéo trong quản lý và cần phải báo cáo QH về tình hình thu, chi của các quỹ.
Bàn về công khai NSNN, theo nhiều ĐBQH, đây là một trong những biện pháp rất quan trọng để tạo ra sự minh bạch trong quản lý tài chính, kinh tế. Nhưng dự thảo mới quy định về nội dung, hình thức, thời hạn công khai mà chưa quy định đối tượng chịu trách nhiệm, việc phải công khai.
Các ĐBQH cũng đề nghị các đơn vị có nguồn thu quỹ cao, nguồn thu lớn, diện rộng hằng năm phải báo cáo QH, HĐND về nguồn thu, tránh tình trạng nhiều nguồn thu quỹ hiện nay công khai còn hạn chế. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng phải quy định nguồn quỹ của các đơn vị sự nghiệp công đều phải thu về NSNN, tránh bỏ qua một phần của nguồn thu NSNN.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Tuyển gần 300 chỉ tiêu du học đại học, thạc sĩ bằng ngân sách nhà nước
- Mỹ: Khoản ngân sách khổng lồ chi cho giáo dục có đáng "đồng tiền bát gạo"?