Ngộ độc tăng
Những ngày giáp Tết, Trung tâm Chống độc Bệnh viện (BV) Bạch Mai có nhiều người nhập viện cấp cứu và điều trị. Đơn cử trường hợp của anh NTS (ở Nho Quan, Ninh Bình) bị ngộ độc rượu sau cuộc liên hoan cuối năm. Sau hơn một tuần điều trị, anh S vẫn mê sảng và có dấu hiệu bị nhiễm độc gan vì uống quá nhiều rượu có pha cồn công nghiệp (methanol). Các bác sĩ cho biết, vào thời điểm Tết, số ca ngộ độc rượu phải vào trung tâm thường tăng từ 30% - 40%.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, các trường hợp ngộ độc rượu có pha cồn công nghiệp thường để lại hậu quả rất nặng nề, nếu nhẹ cũng suy gan, thận, mù mắt; nặng có thể tử vong. Nhiều chuyên gia thần kinh cảnh báo, khoảng 20% số ca nhập viện bị loạn thần hay tổn thương thần kinh cũng có nguyên nhân liên quan rượu. Trường hợp ngộ độc mạn tính sẽ gây bệnh hoảng loạn tinh thần do rượu.
Cùng với số bệnh nhân ngộ độc rượu thì bệnh nhân ngộ độc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh cũng có chiều hướng tăng. Có nhiều nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm dịp Tết, trong đó đáng lưu ý là việc mua và dự trữ dài ngày các loại thực phẩm dẫn tới nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây hại, nấm mốc khi việc bảo quản, sử dụng không bảo đảm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đáng lưu ý, thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật như E.Coli, staphylococcus aureus, bacilus cereus, salmonella... chiếm tới 50% các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và thường gây ra những vụ ngộ độc tập thể. Bên cạnh đó, việc ăn uống bất hợp lý trong những ngày Tết, ăn quá nhiều loại thực phẩm và lạm dụng rượu, bia không chỉ làm mất cân bằng các chất dinh dưỡng mà còn tăng nguy cơ ngộ độc.
Chủ động đề phòng
Các bác sĩ cho biết, người bị ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng cấp tính xảy ra ngay sau khi ăn khoảng 30 phút hoặc chậm hơn từ 6 - 10 giờ, thậm chí cũng có thể hai - ba ngày sau mới xuất hiện triệu chứng. Nếu thực phẩm có chứa độc tố thì thường ngộ độc nhanh hơn so vi khuẩn. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, bệnh nhân ngộ độc đều thường gặp các triệu chứng chung như: nôn, buồn nôn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy, mệt lả, sốt, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, lơ mơ, vàng da, rối loạn chức năng gan…
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm vào dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên chọn mua và sử dụng thực phẩm tươi, sạch có nguồn gốc, nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng. Thực hiện ăn chín, uống chín và không để thức ăn sống lẫn thức ăn chín. Thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay trong hai giờ đầu, nếu để lâu phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại. Phải rửa sạch tay trước khi chế biến, cũng như giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm.
Khi bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần loại bỏ nhanh hết các chất độc trong cơ thể bằng cách cho bệnh nhân uống nước, tiếp theo là kích thích cơ học vào cổ họng bằng ngón tay chặn xuống lưỡi cho đến khi nôn được. Trong trường hợp không nôn được, cho người bệnh uống than hoạt tính. Tác dụng của than hoạt tính là hút các chất độc, ngăn không cho chất độc thấm vào máu. Sau khi nôn hoặc đi tiêu nên cho bệnh nhân uống hết một lít nước pha với một gói orezol.
Nếu không có sẵn orezol thì có thể pha nửa thìa (cà-phê) muối với bốn thìa đường trong một lít nước. Đối với bệnh nhân ngộ độc nhẹ, sau khi nôn hết chất độc sẽ bình phục, sau đó nên cho ăn cháo nhẹ. Đối với trường hợp sơ cứu nhưng có hiện tượng tím tái, khó thở… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để rửa ruột và có những điều trị cần thiết.
Để phòng ngộ độc rượu, bia, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu, bia đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Không nên lạm dụng uống quá nhiều rượu, bia trong những ngày Tết, nhất là đối với người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp. Không uống quá nhiều rượu (dưới 30ml một ngày nếu rượu có nồng độ từ 30% trở lên).
Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Khi có dấu hiệu say rượu, bia, cần phải tìm cách cho người say nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má, tiếp đó cho uống một cốc sữa nóng hay trà đặc. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… cần nhanh chóng đưa đến BV cấp cứu.