Thảo luận dự án Luật đường sắt (sửa đổi) ngày 18/11, một số đại biểu băn khoăn về công nghệ đường sắt đô thị. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Phi Thường cho rằng, ùn tắc giao thông ở Hà Nội, TP HCM ngày càng trầm trọng, một trong những giải pháp căn cơ là xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, theo đại biểu Thường, do ràng buộc nguồn vốn vay nên các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP HCM đang sử dụng các công nghệ khác nhau.
“Ở Hà Nội, tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh là công nghệ Trung Quốc; tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội công nghệ Pháp và sắp tới là của Nhật; ở TP HCM cũng tương tự là công nghệ Đức và công nghệ Nhật”, Chủ tịch Transerco nêu.
Đại biểu Thường cho rằng, các dự án công nghệ khác nhau nên việc khai thác, vận hành, kết nối hệ thống, duy tu bảo trì, đào tạo nhân lực gặp khó khăn và nhiều phí tổn hơn. Trong khi đó, đường sắt đô thị đòi hỏi mức độ an toàn vận hành rất cao, để tránh sai sót cần nhanh chóng ban hành các tài liệu về quy chuẩn, tiêu chuẩn của hệ thống đường sắt đô thị.
“Khi Quảng Châu, Trung Quốc triển khai dự án Metro đầu tiên với nhà thầu Đức, mức chuyển giao công nghệ khoảng 50% và bắt đầu từ tuyến thứ 2 họ tự làm. So sánh thì rất khập khiễng, nhưng với tình hình hiện nay, có lẽ sau khi xong dự án, công nghiệp đường sắt chúng ta chẳng có gì, nhập khẩu vẫn hoàn nhập khẩu”, đại biểu Hà Nội nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng cho rằng hệ thống đường sắt đô thị ở Việt Nam được đầu tư bởi nhiều nước, nhiều trình độ công nghệ, sau này sẽ rất khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị cũng như đào tạo nhân lực để làm chủ công nghệ.
Ông Cảnh đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định: Trong một hệ thống đường sắt đô thị chỉ được chọn tối đa 3 trình độ công nghệ, hoặc từ 3 quốc gia khác nhau.
Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).