Quyết định của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia đăng cai tổ chức Ngày Tự do Báo chí Thế giới được công bố sau cuộc họp giữa ông Markos Tekle, Bộ trưởng Ngoại giao của Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia và bà Ana Elisa Santana Afonso, Giám đốc Văn phòng Liên lạc UNESCO vào tháng 11/2018. Ủy ban Liên minh châu Phi thông qua Phó Chủ tịch Quartey Thomas Kwesi, cũng đã xác nhận sẵn sàng hợp tác với UNESCO trong việc tổ chức sự kiện toàn cầu này. Trước đó, UNESCO và Ủy ban Liên minh châu Phi cũng đã duy trì được mối quan hệ đối tác tốt đẹp và hiệu quả thông qua Cơ chế phối hợp khu vực, trong việc thúc đẩy tự do ngôn luận và vai trò của truyền thông châu Phi trong việc thực thi các mục tiêu đề ra tại Chương trình nghị sự 2063.
Trợ lý cho Tổng giám đốc UNESCO về lĩnh vực Truyền thông và Thông tin, ông Moez Chakchouk bày tỏ sự hoan nghênh quyết định của Ethiopia khi đứng lên tổ chức sự kiện này, cho rằng điều này minh họa cam kết của Chính phủ Ethiopia đối với cải cách dân chủ, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông, đã mở ra không gian cho tự do truyền thông và tăng cường sự tôn trọng nhân quyền trong nước bao gồm cả tự do ngôn luận trực tuyến.
Khoảng 1000 người tham gia và các diễn giả cao cấp dự kiến sẽ tham dự sự kiện này, bao gồm đại diện của các tổ chức Chính phủ và quốc tế, các cơ quan truyền thông.
Từ năm 1993, khi Đại hội đồng LHQ tuyên bố Ngày Tự do báo chí thế giới chính thức là ngày 3 tháng 5, dịp này đã trở thành cơ hội để kỷ niệm và nhắc lại các nguyên tắc cơ bản của tự do báo chí và phát triển các sáng kiến chung trong lĩnh vực này.
Trong sự kiện này, UNESCO sẽ trao giải thưởng Tự do báo chí của UNESCO / Guillermo Cano cho một cá nhân hoặc tổ chức xứng đáng đã có những đóng góp nổi bật cho việc bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí.