Phát biểu họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis thừa nhận đây có thể là một thách thức. Tuy nhiên Tây Ban Nha - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã nhất trí với khung thời gian này, và các bộ trưởng đã xác định cách thức thực hiện lộ trình. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha cho biết có thể cần đàm phán thêm tại hội nghị bộ trưởng tài chính tiếp theo vào tháng 10.
Trước đó, các quy định tài chính của EU được đặt ra để đảm bảo giá trị của đồng euro, với mức giới hạn thâm hụt ngân sách là 3% GDP và giới hạn nợ công là 60% GDP. Tuy nhiên, hầu hết các nước thành viên EU đều vượt quá giới hạn này trong bối cảnh hai năm đại dịch COVID-19 và khủng hoảng giá năng lượng đã buộc các chính phủ phải chi tiêu rất lớn.
Chính vì thế, EC và các chính phủ EU đang thảo luận về những thay đổi trong khuôn khổ có tính đến sự khác biệt lớn về mức nợ và tăng trưởng kinh tế giữa các nước EU trong khi vẫn đảm bảo đối xử bình đẳng. Bất đồng lớn nhất hiện nay là Đức muốn áp dụng các tiêu chuẩn giảm nợ hàng năm giống nhau với tất cả các nước thành viên, trong khi Pháp lại cho rằng các giải pháp giảm nợ cần được đàm phán riêng rẽ là tốt nhất, do chính sách chung áp dụng với tất cả các nước đã không còn hiệu quả.