Các nhà lập pháp và giới truyền thông ở Vương quốc Anh, Canada, Đức và Mỹ đã chỉ trích các hành động của Facebook tại Australia.
Julian Knight, nhà lập pháp chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao tại Quốc hội Anh, phát biểu trên kênh Sky News: “Đó là một trong những động thái ngu ngốc nhất nhưng cũng đáng lo ngại nhất của công ty này".
“Hành động bắt nạt mà Facebook đã thực hiện với Australia sẽ khơi dậy mong muốn tiến xa hơn của các nhà lập pháp trên toàn thế giới", ông Knight nói.
David Cicilline, người chủ trì Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện Mỹ, đăng trên Twitter rằng hành vi "đe dọa khiến cả một quốc gia phải quỳ gối đồng ý với các điều khoản của Facebook là sự thừa nhận cuối cùng của quyền lực độc quyền".
Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault cũng cho rằng "hành động của Facebook là vô trách nhiệm và đã gây nguy hiểm cho sự an toàn của người dân Australia".
Các hãng truyền thông đã nắm bắt cơ hội này để chỉ trích Facebook, nền tảng thống trị ngành kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số cùng với Google. Tại Đức, Liên đoàn các nhà xuất bản báo Đức đã kêu gọi các chính phủ hạn chế ảnh hưởng của Facebook.
"Đã đến lúc các chính phủ trên thế giới hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng mạng xã hội", ông Dietmar Wolff, tổng giám đốc của BDZV cho biết.
Hôm thứ Tư, Facebook đã cấm người dùng tại Australia tìm kiếm hoặc chia sẻ tin tức từ các hãng tin địa phương và quốc tế trên nền tảng của mạng xã hội này nhằm phản đối dự luật buộc các "đại gia" công nghệ trả tiền cho các hãng tin nhằm đổi lấy nội dung tin tức.
Nhiều năm qua, Facebook và Google đã tranh cãi với các hãng tin về cách họ hiển thị nội dung của mình. Các công ty truyền thông, vốn đã mất hàng tỷ đô la doanh thu quảng cáo cho các nền tảng trực tuyến, cho rằng những "gã khổng lồ" công nghệ nên trả tiền để hiển thị nội dung của họ. Những người bảo vệ nền tảng này cho biết họ thu hút lượng lớn khán giả đến các trang tin mà không mất phí.
Trong khi đó, các nhà làm luật đang thực hiện các động thái để hạn chế sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ: luật bản quyền mới ở Liên minh Châu Âu đã khiến Google đồng ý trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức Pháp.
Động thái của Facebook được đưa ra sau nhiều tháng căng thẳng với chính phủ Australia. Công ty này tin rằng dự luật trao cho chính phủ quá nhiều quyền để quyết định mức giá mà các nền tảng mạng xã hội phải trả cho tin tức và hãng tin nào được trả thù lao. Facebook cũng cho rằng luật được đề xuất đã bỏ qua giá trị mà dịch vụ của họ mang lại cho các hãng tin.
Mức độ ảnh hưởng của Facebook đã được thể hiện rõ ràng khi cùng với việc chặn nội dung tin tức, nó còn vô tình đóng băng các tài khoản của các dịch vụ cứu hỏa và cấp cứu, các tổ chức từ thiện chống bạo lực gia đình và các cơ quan y tế của chính phủ. Facebook đang khôi phục các trang mà họ không có ý định chặn.
Rasmus Nielsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Báo chí của hãng tin Reuters cho biết: “Đó là một minh họa về sức mạnh phi thường mà một công ty tư nhân có được trong không gian công cộng. Nhiều chính phủ và chính trị gia trên khắp thế giới lo ngại về điều đó và muốn có sự giám sát trực tiếp hơn về chính trị và quy định đối với cách họ sử dụng quyền lực đó".
“Cá nhân tôi nghĩ rằng khá có vấn đề khi Facebook đưa ra quyết định đơn phương này mà không có cảnh báo hoặc thời gian chuyển tiếp, nhưng đó là một công ty tư nhân vì lợi nhuận và họ đang làm những gì họ tin là vì lợi ích của mình", ông Nielsen nói thêm.
Ông Henry Faure Walker, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh, nói rằng hành động của Facebook cho thấy lý do tại sao các cơ quan quản lý cần phối hợp trên toàn cầu để tạo ra một "sân chơi thực sự bình đẳng giữa những gã khổng lồ công nghệ và các nhà xuất bản tin tức".
"Những gì Facebook đã làm là một ví dụ kinh điển về một thế lực độc quyền đang cố gắng bảo vệ vị trí thống trị của mình", ông Walker nhận định.