Quỹ sẽ được thành lập dưới sự quản lý của một tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, với sự đóng góp dưới hình thức các khoản vay "Tăng tốc doanh thu đặc biệt" (ERA).
Các nhà lãnh đạo G7 dự định công bố kế hoạch này trong một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Ý, bắt đầu vào thứ Năm.
Chính phủ Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp 50 tỷ USD và Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản cũng sẽ xem xét đóng góp. Nhật Bản có thể cung cấp kinh phí thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, nhưng chỉ giới hạn ở hỗ trợ phi quân sự.
Quỹ này sẽ cung cấp viện trợ cho Ukraine dưới hình thức quyên góp nên chính quyền Kyiv sẽ không cần phải hoàn trả số tiền này. Lợi nhuận từ việc đầu tư tài sản bị phong tỏa ở Nga sẽ được sử dụng để trả các khoản vay.
Mặc dù các nước phương Tây đã phong tỏa 300 tỷ USD tài sản của Nga, nhưng họ chỉ có thể khai thác thu nhập do các quỹ đó tạo ra, khoảng 3 tỷ euro (3,22 tỷ USD) mỗi năm.
Việc thành lập một quỹ với các khoản vay sẽ được hoàn trả bằng số tiền đó cho phép các quốc gia cung cấp hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine ngoài con số hạn chế này. Đối với Mỹ, quỹ viện trợ cũng giúp giải quyết những lo ngại về tài chính từ phía các đảng viên Cộng hòa đã cản trở viện trợ của Ukraine tại Quốc hội.
Hai phần ba số tài sản bị phong tỏa của Nga nằm ở Liên minh châu Âu, phần lớn do cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ nắm giữ. EU đã thiết lập một khuôn khổ để gửi thu nhập đầu tư từ những tài sản đó đến Ukraine và các thành viên G7 châu Âu không có kế hoạch tham gia chương trình mới vào thời điểm hiện tại.
Ban đầu, Mỹ đề xuất sử dụng tài sản bị phong tỏa trực tiếp để thanh toán viện trợ cho Ukraine, nhưng EU miễn cưỡng thực hiện vì lo ngại về luật pháp quốc tế. G7 quyết định chỉ sử dụng lợi nhuận đầu tư như một sự thỏa hiệp.
Có nguy cơ khối tài sản 300 tỷ USD sẽ được gỡ bỏ phong tỏa nếu Moscow và Kyiv đạt được lệnh ngừng bắn hoặc chiến tranh kết thúc. Các thành viên G7 đang thảo luận cách hợp tác để đảm bảo việc trả nợ.