Ganh đua địa chính trị sẽ định hình thế giới năm 2018

(Ngày Nay) - Các cuộc khủng hoảng và cạnh tranh quyền lực toàn cầu sẽ có tác động lớn đến diện mạo địa chính trị của thế giới trong năm 2018.
 
Ganh đua địa chính trị sẽ định hình thế giới năm 2018

Thế giới vừa trải qua năm 2017 nhiều biến động, nhưng sẽ đón chào một số tin tốt trong năm 2018, theo bản dự đoán thường niên được tổ chức nghiên cứu tình báo toàn cầu Stratfor công bố hôm 27/12.

Sau một thập kỷ rung chuyển bởi khủng hoảng tài chính, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu bắt đầu phục hồi. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trên 3,5% trong năm 2018, mức tăng nhanh nhất trong 8 năm qua.

Tuy nhiên, một số vấn đề phức tạp tồn tại dai dẳng vẫn sẽ khiến nhiều quốc gia tiếp tục đau đầu trong năm 2018, đồng thời những tranh chấp, mâu thuẫn mới nảy sinh có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, an ninh và ổn định của thế giới trong năm sau.

Ganh đua thế lực

Giới quan sát nhận định rằng năm 2018 sẽ chứng kiến các cuộc ganh đua quyết liệt về quyền lực và tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và khu vực. Năm 2017, nhiều quyết định kiểu "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump đã khiến cả thế giới hoang mang và làm gia tăng nhận định rằng Mỹ đang ngày càng thoái lui trên trường quốc tế, nhường lại sân chơi toàn cầu cho các cường quốc khác.

Đây được coi là bối cảnh thích hợp để Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác với nhau nhằm cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Mỹ. Cả Moscow và Bắc Kinh đều nhận thấy nhiều lợi ích trong việc hợp tác thay vì ganh đua với nhau để giảm bớt sức ép từ Washington, cũng như hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở các điểm nóng chiến lược trên toàn cầu.

Trong mô hình hợp tác kiểu mới này, Nga sẽ đảm nhiệm các vấn đề về an ninh mà họ coi là phù hợp, trong khi Trung Quốc xử lý các vấn đề kinh tế để làm đối trọng với Mỹ. Moscow và Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, thương mại, năng lượng, an ninh mạng và quốc phòng.

Hợp tác Nga – Trung ngày càng chặt chẽ sẽ tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ, nhưng cũng là cơ hội để Washington củng cố các quan hệ đồng minh, đối tác với các nước gần hai cường quốc này.

Tuy nhiên, thế giới sẽ không chứng kiến bầu không khí đối đầu như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bởi những ràng buộc về kinh tế, sự không tin tưởng lẫn nhau và các cam kết an ninh lỏng lẻo có thể khiến các quốc gia linh hoạt hơn trong quan hệ đồng minh để bảo vệ lợi ích của mình.

Nga và Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác, nhưng vẫn có sự đề phòng và cân bằng quyền lực lẫn nhau, hay các đồng minh truyền thống của Mỹ như Philippines vẫn có thể "chuyển hướng" để tăng cường lợi ích của mình. Hình thức quan hệ linh hoạt kiểu này sẽ góp phần định hình trật tự thế giới trong năm 2018 và sau đó.

Ganh đua địa chính trị sẽ định hình thế giới năm 2018 ảnh 1Nga và Trung có thể sẽ tăng cường hợp tác để đối phó Mỹ

Ở Trung Đông, khi tiếng súng vừa ngớt với sự lụi tàn của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một thời kỳ ganh đua mới cũng mở ra giữa Iran và Arab Saudi, hai cường quốc ở Trung Đông, theo bình luận viên Barnaby Phillips của Aljazeera.

Sự kình địch gia tăng giữa Ryadh và Tehran nhiều khả năng sẽ không dẫn tới một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông, nhưng người dân ở các quốc gia như Yemen, Syria và Lebannon sẽ phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực của những xung đột bắt nguồn từ mối ganh đua này.

Tình hình Trung Đông cũng có thể trở nên khó lường hơn sau khi Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, mở ra thời kỳ bùng phát mới trong mối quan hệ đối địch giữa người Israel và khối Arab, nhưng khó có thể có sự thay đổi nào mang tính đột phá cho người Palestine trong năm 2018.

Khủng hoảng Triều Tiên

Các chuyên gia dự đoán rằng vấn đề nóng bỏng nhất của năm 2018 vẫn sẽ là cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng này nhiều khả năng sẽ tăng cấp, khi Triều Tiên có thể hoàn thiện khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy của mình vào năm sau.

Bởi vậy, quyết định hệ trọng nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2018 sẽ là xử lý chương trình hạt nhân đang tăng tốc nhanh chóng của Triều Tiên bằng vũ lực hay bằng đối sách ngoại giao và các biện pháp răn đe, trừng phạt.

Ganh đua địa chính trị sẽ định hình thế giới năm 2018 ảnh 2Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên có thể gia tăng trong năm 2018

Nếu Mỹ quyết định tung đòn tấn công phủ đầu trước khi Triều Tiên hoàn thiện công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ đáp trả tổng lực, gây thiệt hại nặng nề cho các đồng minh của Washington ở Đông Bắc Á. Hành động quân sự của Mỹ cũng có thể châm ngòi cho sự can thiệp của Trung Quốc vào nước láng giềng Triều Tiên, gây nguy cơ đối đầu trực diện giữa Washington và Bắc Kinh.

Thực tế đó có thể khiến Mỹ phải miễn cưỡng chấp nhận một thực tế rằng Triều Tiên là một quốc gia sở hữu năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Điều này sẽ đánh dấu một thời kỳ mới đầy bất ổn của biện pháp răn đe hạt nhân khi Mỹ phải triển khai thêm các hệ thống đánh chặn tới các đồng minh châu Á để đề phòng Triều Tiên. Nga và Trung Quốc cũng có thể sẽ tăng cường kho vũ khí của mình để đối trọng với mạng lưới phòng thủ tên lửa ngày càng mở rộng của Mỹ trong khu vực.

Bầu cử

Năm 2018 cũng sẽ diễn ra nhiều cuộc bầu cử lớn trên khắp thế giới. Đầu tiên là cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3, trong đó ông Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ tái đắc cử với tỷ lệ ủng hộ rất cao hiện nay. Với đắc cử và cầm quyền đến năm 2024, ông Putin sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục các chính sách hiện nay, chú trọng vào xây dựng lực lượng quân đội mạnh và mở rộng ảnh hưởng của Nga ở nước ngoài.

Sau đó là cuộc bầu cử Thủ tướng Anh, quốc gia vừa trải qua quá trình đàm phán Brexit đầy khó khăn với Liên minh châu Âu (EU). Đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng Theresa May nhiều khả năng sẽ tiếp tục đánh bại Công đảng, giúp bà May tái đắc cử và tiếp tục quá trình đàm phán về quan hệ tương lai giữa Anh với EU sau Brexit.

Nước Mỹ cũng chứng kiến cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, được coi là bài sát hạch quan trọng đối với quyền lực của Tổng thống Trump trong năm 2018. Với những rắc rối mà ông Trump gây ra cho đảng Cộng hòa trong năm qua, đảng Dân chủ rất có thể sẽ vươn lên trong cuộc bầu cử và giành lại quyền kiểm soát thượng viện hoặc hạ viện. Điều này có thể gây trở ngại đáng kể cho Tổng thống Trump khi đưa các đề xuất của mình để xin phê chuẩn tại quốc hội.

Nguy cơ khủng bố, xung đột

IS trong năm 2017 đã bị đánh bật khỏi những cứ điểm quan trọng nhất ở Iraq và Syria, nhưng tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới này vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn. Các tay súng IS đã rút lui vào sa mạc và có thể phát động chiến tranh du kích, tiếp tục gieo bất ổn cho khu vực.

"IS vẫn duy trì được khả năng tiếp tục một làn sóng nổi dậy. Phiến quân al-Qaeda vẫn giữ được một lực lượng đáng kể ở phía tây Syria, có thể tấn công chiếm lại các thành phố ở đây bất cứ lúc nào", Jennifer Cafarella, chuyên gia phân tích tình báo tại Viện nghiên cứu Chiến tranh, cho biết.

Với việc đánh mất nhiều vùng đất kiểm soát, IS có thể hướng làn sóng tấn công ra bên ngoài, kích động các cuộc khủng bố dạng "sói đơn độc" ở phương Tây, với những hình thức tấn công như đâm xe. Đây sẽ là bài toán an ninh hóc búa khiến các quốc gia phương Tây đau đầu đối phó trong năm 2018, theo Forbes.

Ở châu Âu, cuộc xung đột tại miền đông Ukraine, vốn bị che phủ bởi các cuộc khủng hoảng toàn cầu khác trong năm qua, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng. Cuộc chiến bắt đầu từ năm 2014 giữa quân chính phủ Ukraine với phe ly khai thân Nga đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 10.000 người, khiến khoảng 1,6 triệu người mất nhà cửa.

Theo John E. Herbst, giám đốc Trung tâm Dinu Patriciu Eurasia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cuộc xung đột này đang rơi vào trạng thái bế tắc hoàn toàn và có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là một hoặc hai thập kỷ.

Các chuyên gia dự đoán rằng 2018 sẽ là một năm đầy thách thức với cả thế giới, khi môi trường cạnh tranh quốc tế căng thẳng sẽ tạo ra những rủi ro địa chính trị rất lớn, dù khó châm ngòi cho những cuộc xung đột quy mô toàn cầu. "Ganh đua địa chính trị sẽ quay trở lại vào năm sau, với những hệ lụy mà chúng ta từng thấy trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nhận định.

Theo vnexpress

Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.
Ảnh minh hoạ.
Tạo dấu ấn từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
(Ngày Nay) -  Là khu vực gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, vùng trung du và miền núi phía Bắc có liên kết vùng yếu, chưa mang dấu ấn riêng, chưa phát huy hết tiềm năng của vùng và lợi thế kinh tế cửa khẩu với nước bạn Lào và Trung Quốc.
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
Cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tăng cường các giải pháp chống thi thay, thi hộ
(Ngày Nay) - Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường các giải pháp để chống thi thay, thi hộ như bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp ảnh chụp của thí sinh trong quá trình làm bài thi trên hệ thống tra cứu và xác minh chứng chỉ.
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới
(Ngày Nay) - Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sự "đảo chiều" trong quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ
(Ngày Nay) - Quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ đang trải qua một sự đảo chiều mạnh mẽ, chuyển từ hợp tác quân sự sang tập trung vào thương mại dầu mỏ và hàng hóa. Với kim ngạch thương mại tăng đột biến lên 65 tỷ USD vào năm 2023, Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga.