Gặp cụ bà gần 100 tuổi từng may gối cung đình Huế

[Ngày Nay] - Ở Huế và kể cả Việt Nam hiện có một người làm gối trái dựa cung đình triều Nguyễn còn sót lại. Dù bà tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn miệt mài xâu kim may gối... với mong muốn giữ nghề.
Tuổi cao sức yếu nhưng cụ Huệ vẫn miệt mài may gối.
Tuổi cao sức yếu nhưng cụ Huệ vẫn miệt mài may gối.

Đó là cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ (96 tuổi, ngụ ở thôn Giáp Đông, xã Hương Toàn, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

“Gần đất xa trời” vẫn may gối

Đến thôn Giáp Đông và hỏi cụ Huệ may gối nổi tiếng thì ai ai cũng biết. Lúc được gặp cụ vào một chiều tà, chúng tôi thật sự ấn tượng khi cụ rất minh mẫn, đôi tay cụ thoăn thoắt, nhanh nhẹn; đôi mắt vẫn còn sáng để luồn kim, cắt vải...

Cụ Huệ cho biết cụ sinh ra và lớn lên trong một gia đình danh gia vọng tộc, yêu nước; là cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm (Phụ chánh thân với vua Hàm Nghi và Thành Thái). Thời nhỏ, cụ Huệ ở nhà phụ cha làm nghề thuốc Bắc.

Gặp cụ bà gần 100 tuổi từng may gối cung đình Huế ảnh 1

Trước khi lên Huế cùng cha, vì là con cháu của hoàng tộc nên cụ được cho phép vào trong Đại Nội học may vá, thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác. Công việc cụ yêu thích là dùng chỉ thêu thùa, cắt từng miếng gấm, kết hợp những miếng sốp nhỏ để bọc ngoài vỏ gấm, rồi thêu rồng, phụng làm thành từng chiếc gối dựa phục vụ cho hoàng tộc.

Đến sau năm 1954, cụ Trí Huệ được hoàng tộc triều Nguyễn xin về ở tại Cung An Định để phục vụ Đức Từ Cung (mẹ vua Khải Định). Đây chính là thời gian cụ tích tụ kinh nghiệm về nghề làm gối dựa. Được biết, để hoàn thành một chiếc gối phải trải qua rất nhiều công đoạn như may vỏ, may ruột, nhồi bông, ráp gối, thêu... Các công đoạn từ đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo, nếu thiếu một chi tiết nhỏ thì sản phẩm sẽ khó hoàn thiện.

Việc may gối trái dựa ở chốn cung đình cũng phải tuân thủ những nguyên tắc hết sức chặt chẽ. Theo cụ, gối được may theo mẫu sẵn có; gối của vua thì phải đủ 5 lá, có màu vàng, trên gối có thêu hình rồng tượng trưng cho uy quyền. Gối của Hoàng thái hậu và các quan thì phải đủ 4 lá, tùy theo màu ghế mà có thể chọn những màu sắc và hoa văn khác nhau cho phù hợp nhưng tuyệt đối không được trùng với vua.

“Để gối được thẳng mép, không bị lỗi chỉ hay bông nhồi luôn giữ được độ êm, căng phồng sau nhiều lần giặt thì mỗi người thợ may luôn có mẹo riêng của mình. May được một cái nhiều khi tốn cả vài tuần...”, cụ Huệ cho biết.

Sau Cách mạng tháng Tám, loại gối dựa cực kỳ nổi tiếng cả trong và ngoài nước, mỗi lần có dịp đi công tác tại Huế là các quan chức nước ngoài đều không quên mua một chiếc gối dựa để làm kỷ niệm. Cũng nhờ thế, những chiếc gối dựa cung đình mà cụ thiết kế nên lặng lẽ sang phương Tây theo bước chân của du khách và bà con là người Việt kiều... Còn lúc cụ Huệ ở cung An Định, gối của cụ là “món riêng” của Đức Từ Cung và được lòng cả vua Bảo Đại. Vua Bảo Đại đã nhiều lần đặt cụ may loại gối này để làm quà cho những người bạn Pháp của mình.

Luôn trăn trở về nghề 

Khi không còn Đức Từ Cung cũng như đất nước thời bấy giờ nhiều biến động, cụ Huệ về lại làng Hương Cần sống với tuổi già. Nhưng trong tâm cụ vẫn luôn đau đáu với nghề nên dù đã tuổi cao nhưng hằng ngày cụ vẫn làm gối trái dựa mà mình đã gắn bó.

Gặp cụ bà gần 100 tuổi từng may gối cung đình Huế ảnh 2Những chiếc gối cung đình Huế chỉ có cụ Huệ mới có thể may được.

Theo cụ Huệ, một cái gối như vậy sau khi hoàn thành được bán với giá 1.500.000 đồng; một cái giá không phải là cao nếu so với những gì cụ vất vả làm ra. Tuy nhiên đối với cụ đó không là vấn đề mà mong muốn của cụ là sẽ có người theo nghề mình vì giờ chỉ có cụ là làm được gối mà thôi. “Ở Huế hiện có nhiều nghề truyền thống được chính quyền quan tâm, bảo tồn đó chứ; nhưng riêng nghề làm gối trái dựa mà chỉ có tôi làm thì lại rất ít người biết đến, chẳng ai để ý mà bảo tồn. Nhiều lúc cũng chạnh lòng lắm mà biết làm sao đây, nói cấp trên rồi vẫn vậy...”, cụ tâm sự.

Cụ Huệ cũng chia sẻ hiện trong nhà có con dâu và cháu đang tập làm, cũng như có một số sinh viên đến tìm cụ để học. Ai cũng có năng khiếu để làm gối nhưng để làm ra một cái gối thực sự hoàn chỉnh thì chưa được thành thạo vì có độ khó nhất định. Vả lại hiện thị trường ít người mua gối này, chủ yếu là trưng bày nên đây cũng là lí do khiến lớp trẻ ít quan tâm cái nghề này...

Chị Lê Thị Liền (con dâu cụ Huệ) chia sẻ ngày xưa cụ Huệ rất kín kẽ trong từng lời ăn tiếng nói, bây giờ tuổi cao nên vấn đề này đã bớt đi nhiều, không còn khó tính như trước nữa... “Phải nói mẹ tôi may bằng tay rất tuyệt vời, gọi là “chuyên gia” thì đúng hơn. Giờ già rồi mà vẫn cặm cụi may gối khiến ai ai cũng nể, tôi và gia đình khuyên đừng làm nữa mà mẹ có nghe đâu. Mong sao mẹ sống qua 100 tuổi là quý lắm...”.

Nói về kỉ niệm đáng nhớ, cụ Huệ bộc bạch có lẽ sẽ không bao giờ quên ngày ra Hà Nội và được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây 16 năm.

“Tôi đã chuẩn bị một chiếc gối dựa do tôi ấp ủ làm ra, có 5 lá bọc lớp vải màu vàng. Khi Đại tướng nhận thì tôi rất vui vì đó là tấm lòng của tôi dành tặng cho vị lãnh đạo mà mình hết sức kính mến...”, cụ Huệ tâm sự.

Cụ Trí Huệ cho biết thêm, hiện tại mong muốn lớn nhất của cụ là làm thế nào đó có thể truyền dạy, bảo tồn được nghề làm gối trái dựa của cha ông. Hay chí ít làm sao giới thiệu sản phẩm gối trái dựa cho nhiều người biết đến hơn nữa. Nhưng điều này có lẽ là một cái gì đó thật khó khăn... 

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.