Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo trong nước tiếp tục đà tăng mạnh so với đầu tháng Tám, với mức tăng dao động từ 10%. So với thời điểm tháng trước, giá gạo trong nước đã tăng ở mức rất cao từ 27%-30%.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus trong ngày 16/8 tại một số đại lý, cơ sở bán gạo và tại một số chợ dân sinh truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Vĩnh Tuy, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), chợ Thành Công (quận Ba Đình)…, hầu hết các loại gạo đều tăng giá khoảng 10%. Bên cạnh đó, giá gạo tăng cũng đã tác động trực tiếp đến các sản phẩm được chế biến từ gạo như bún, phở, mì,...
Cụ thể, gạo ST25 tăng giá từ 25.000 đồng/kg lên 28.000-30.000 đồng/kg; gạo tám Điện Biên tăng giá từ 16.000 đồng/kg lên 18.000-20.000 đồng/kg; gạo tám Hải Hậu tăng giá từ 15.000-16.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; gạo tám xoan Hải Hậu tăng giá từ 17.000 đồng/kg lên 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Bắc Thơm tăng giá từ 15.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg...
Theo chị Thìn, chủ cơ sở bán gạo trên phố Lê Văn Hưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá gạo nhập từ các đầu mối bị đẩy lên cao nên các đại lý kinh doanh chỉ nhập cầm chừng và phải điều chỉnh giá hợp lý để giữ chân khách hàng.
"Tuy giá nhập tăng khiến giá gạo tại các đại lý cũng phải tăng theo, nhưng tôi chỉ tăng từ 500-1.000 đồng/kg tùy loại, bởi khách hàng đa phần là khách quen. Hiện tại, hầu hết các đại lý đều không dám nhập số lượng lớn vì chưa ước tính được trong thời gian tới giá gạo có tiếp tục tăng hay không," chị Thìn cho biết.
Bên cạnh gạo, giá các mặt hàng được chế biến từ gạo như bún, phở, miến, mì... tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đồng loạt tăng khoảng từ 10%.
Theo khảo sát, bánh phở tươi tăng giá từ 11.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; miến tăng giá thêm 2.000 đồng/kg, lên 25.000 đồng/kg với sợi nhỏ và 26.000 đồng/kg với sợi lớn; bún tươi tăng giá từ 10.000 đồng/kg lên 13.000-14.000 đồng/kg; bún khô tăng giá từ 30.000 đồng/kg lên 33.000 đồng/kg; bánh cuốn tăng giá từ 17.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg...
Theo anh Quốc Dũng, chủ cửa hàng tạp hóa trên phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trên thực tế mức giá các mặt hàng được chế biến từ gạo đã tăng sau kỳ điều chỉnh giá gạo từ đầu tháng Tám.
Dù giá gạo tăng cao nhưng nhiều chủ hàng quán trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chấp nhận kìm giá, không tăng thêm để giữ chân khách hàng. Chị Nguyễn Thị Oanh, chủ kinh doanh quán bún địa chỉ 333 phố Vọng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết dù chi phí nguyên liệu đang tăng cao, nhưng hiện tại cơ sở vẫn duy trì mức có lãi nên chưa tăng giá.
"Dù giá bún tươi tăng nhưng quán tôi vẫn duy trì mức giá từ 35.000-45.000 đồng/bát, tránh tăng giá quá đột ngột để giữ chân khách hàng quen. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới giá gạo tăng cao hơn nữa thì cửa hàng sẽ cân nhắc đến việc tăng giá sản phẩm," chị Oanh chia sẻ.
So với giá bán tại các chợ dân sinh truyền thống, giá gạo tại các hệ thống siêu thị như WinMart, Co.opMart, BigC... vẫn được duy trì ở mức ổn định, một số mặt hàng còn được áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
Cụ thể, tại hệ thống siêu thị WinMart, thương hiệu gạo Ngọc Nương ST25 túi 3kg được bán với giá 99.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng so với giá niêm yết là 119.000 đồng/kg; hay như gạo lúa tôm Ngọc Nương ST25 túi 5kg giảm từ 190.000 đồng/kg còn 159.000 đồng/kg...