Đầu năm 2017, Công ty Cổ phần nông sản sạch Việt Nam (địa chỉ đóng tại 27 Phan Đăng Lưu, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) do ông Lê Văn Lưỡng làm Tổng Giám đốc đã tìm đến một số huyện của tỉnh Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa để đề nghị liên kết với nông dân các huyện này trồng gừng sạch.
Hợp đồng liên kết nêu rõ, nông dân sẽ được công ty hỗ trợ cung cấp giống, phân bón vi sinh, bao bì và kỹ thuật chăm sóc. Nông dân chỉ phải trả trước 50% số tiền đầu tư, 50% còn lại thanh toán khi gừng được thu hoạch. Dĩ nhiên, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá thu mua cao gấp 3 lần thị trường và hứa hẹn trợ giá nếu năng suất gừng không đạt như tiêu chuẩn.
Cứ như hợp đồng này thì sau 9 tháng trồng, chăm sóc, nông dân sẽ thu hoạch gừng có lãi gấp đôi so với số tiền đầu tư ban đầu. Nhận thấy việc liên kết trồng gừng này rất có lợi nên nhiều nông dân đã quyết tâm ký hợp đồng. Trong số đó, không ít người đã cầm cố sổ đỏ nhà đất, vay tiền ngân hàng, để lấy tiền đầu tư trồng gừng.
Điển hình như hộ ông Phùng Tất Thắng – Giám đốc Hợp tác xã Phú Thiện (huyện Phú Thiện) đã mang bìa đỏ nhà ở đi thế chấp tại ngân hàng để vay 300 triệu đồng đầu tư cho vườn gừng 12.000 bì. Hai tháng sau khi trồng gừng và chuyển hơn 50 triệu đồng vào tài khoản của ông Lê Văn Lưỡng thì mọi liên lạc với công ty này cũng chấm dứt.
“Ngoài giống, phân vi sinh do công ty nông sản sạch Việt Nam cung cấp, tôi còn đầu tư mua đất, trấu để bỏ vào bì. Cộng thêm cột, lưới che, hệ thống phun tưới tự động là mất hơn 300 triệu cho vườn gừng. Hiện tại, cả vườn có gần 20 tấn gừng chưa được thu hoạch, trong đó, nhiều bì gừng bắt đầu bị thối do đã quá thời gian thu hoạch”.
50 kg gừng ông Thắng tự thu hoạch để bán lẻ ngoài chợ |
Xót ruột vì mất tiền mà gừng thì chất đống ngoài vườn nên ông Thắng đành tự thu hoạch rồi đem bán lẻ ở chợ với giá 6000 đồng/kg. Đó cũng là hoàn cảnh tương tự của hộ ông Hoàng Duy Hoàn (thôn Yên Phú 1B, xã Chrôh Pnan) – Giám đốc Hợp tác xã Tân Tiến (huyện Phú Thiện). Được công ty Nông sản sạch Việt Nam mời đi tham dự hội thảo ở Đăk Lăk và giới thiệu về việc liên kết trồng gừng với người dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, ra mắt hàng chục kỹ sư nông nghiệp có trình độ nên ông Hoàn hoàn toàn tin vào năng lực của công ty này.
Do đó, ông đã đầu tư hơn 300 triệu đồng trồng 15.000 bì gừng. “Ban đầu, công ty có cho 1 kỹ sư nông nghiệp về tận nhà hướng dẫn cách trồng, chăm sóc gừng. Sau khi trồng gừng được 2 tháng và chuyển hơn 50 triệu đồng vào tài khoản của ông Lưỡng thì vườn gừng bắt đầu đổ bệnh. Tôi có gọi điện để hỏi thì ông Lưỡng hứa sẽ cho kỹ sư nông nghiệp sang. Chờ mãi không thấy, khi gọi điện lại thì không liên lạc được nữa. Cả số điện thoại của những nhân viên từng làm việc về ký kết hợp đồng cũng không số nào gọi được”.
Trường hợp của anh Nguyễn Xuân Sử (thôn Yên Phú 2B, xã Chrôh Pnan), vì tin vào lợi nhuận thu được sau khi liên kết trồng gừng với công ty này, anh Sử đã vay ngân hàng 70 triệu đồng đầu tư trồng 5.000 bì gừng. Chỉ khác, khi vườn gừng đổ bệnh, anh không biết tự mua thuốc bảo vệ thực vật để phun trị bệnh cho gừng như hộ ông Hoàn, nên toàn bộ 5.000 bì gừng đều bị chết, không được thu hoạch. Món nợ ngân hàng chưa biết lúc nào mới trả được, anh Sử còn phải dành tiền để trả lãi hàng tháng cho ngân hàng.
Theo ông Mai Ngọc Quý – Phó phòng Nông nghiệp huyện Phú Thiện, trên địa bàn huyện có hàng chục hộ dân bị công ty Nông sản sạch Việt Nam lừa trồng gừng với số lượng khoảng 150.000 bì (khoảng 5ha). “Việc các công ty, doanh nghiệp về địa phương ký kết hợp đồng với nông dân để trồng các loại nông sản đều không thông qua chính quyền hay cơ quan chuyên môn, cho nên Phòng Nông nghiệp rất khó để quản lý. Phòng đã khuyến cáo người dân không nên tin vào lợi nhuận do các công ty, doanh nghiệp đề ra mà chỉ nên trồng những nông sản đã được địa phương quy hoạch để đảm bảo đầu ra.”, ông Quý cho biết.
Ông Hoàng Duy Hoàn xót xa trong vườn gừng năng suất cao nhưng đã có dấu hiệu bị thối và lên mầm do không được thu hoạch đúng thời gian |
Làm việc về vấn đề trên, ông Hà Ngọc Uyển – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện tại gừng chỉ là cây trồng phụ, chưa là cây trồng chính được đưa vào quy hoạch phát triển. Ông Uyển khuyến cáo: “Người dân không nên tin vào những lợi nhuận do các công ty, doanh nghiệp không có uy tín giới thiệu mà tự ý ký kết hợp đồng với doanh nghiệp này để trồng loại nông sản không nằm trong quy hoạch, độ rủi ro cao, gây thiệt hại cho nông dân. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương cảnh báo đến người dân và giới thiệu những công ty có năng lực thật sự để người dân chủ động liên kết có hiệu quả”.
Việc người dân tỉnh Gia Lai bị lừa trồng gừng không phải chuyện xảy ra lần đầu, trước đó, rất nhiều nông dân lâm vào cảnh lao đao vì bị lừa trồng bí xanh, chanh dây… Đây là bài học để người dân phải tỉnh táo hơn nữa trong việc lựa chọn công ty để liên kết, tránh thiệt hại về mình. Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh cần phải tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, cảnh báo đến người dân. Đồng thời, kết nối người dân với doanh nghiệp có uy tín, ổn định nền nông nghiệp trong tỉnh.
Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường