Hàng loạt các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh gây chấn động dư luận cả nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lên kế hoạch điều tra nghiên cứu căn cơ về nguyên nhân của tình trạng trên để tìm ra các giải pháp hợp lý.
Giáo viên chịu quá nhiều áp lực
Giáo viên ở Trường THCS Duy Ninh cho biết phạt học sinh 231 cái tát vì chịu nhiều áp lực về thành tích thi đua, khi lớp lúc nào cũng đứng cuối bảng xếp hạng của trường. Giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ chịu áp lực khi kỳ kiểm tra học kỳ đã gần kề.
Nhiều ý kiến cho rằng các giáo viên đã phải chịu quá nhiều áp lực, và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Những áp lực đó đến từ rất nhiều phía: từ phụ huynh, từ nhà trường, từ xã hội, từ học sinh, và từ chính bản thân các giáo viên.
Cô Phan Thị Hồ Điệp, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng phụ huynh với những kỳ vọng điểm số rất lớn ở con đã đè lên vai giáo viên trách nhiệm rất lớn.
“Phụ huynh luôn muốn con mình đạt điểm cao. Nhiều phụ huynh mang cả mơ ước, khát vọng của mình, nhất là những ước mơ mà mình chưa đạt được, để đặt lên vai con. Người giáo viên vì thế phải chịu áp lực rất lớn là làm sao để có thể đáp ứng được những kỳ vọng đó của phụ huynh”, cô Điệp chia sẻ.
Cũng theo giảng viên này, việc phụ huynh thường vẽ nên bức tranh u ám trong đời sống nhà trường với học sinh, khiến các em đón nhận nhà trường với tâm lý sợ hãi, cũng gây khó khăn cho giáo viên vì khi đó, trẻ sẽ lo lắng, thiếu tự tin, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận của trẻ.
Với hàng chục năm trong nghề, cô Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dịch vọng B cho biết, đằng sau mỗi học sinh không phải chỉ là hai mà có đến 6 phụ huynh, gồm bố mẹ, ông bà nội ngoại. Vì thế, giáo viên luôn phải hết sức cẩn trọng vì nếu lỡ xảy ra chuyện gì với trẻ thì áp lực với thầy cô là rất lớn.
Theo cô Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, những yêu cầu của phụ huynh là rất nhiều và nhà trường phải đáp ứng các nhu cầu hợp lý.
Bên cạnh những áp lực đó, theo cô Ngọc, giáo viên còn phải chịu nhiều áp lực khác từ dư luận xã hội, từ chính nhà trường với những chỉ tiêu thi đua, từ cơ chế với những sổ sách nhiêu khê mệt mỏi, từ mục tiêu giáo dục nặng về thi cử và điểm số.
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), giáo viên còn chịu áp lực lớn do chính mình tạo ra, khi luôn nghĩ mình phải giỏi hơn học sinh, mình luôn đúng, mình là người truyền thụ kiến thức cho các em nên phải cao hơn các em. Vì nhận thức như vậy nên thầy cô cảm thấy khó chịu khi học sinh có ý kiến khác mình, từ đó có những hành động chưa đúng.
Còn bất cập trong tuyển dụng và đào tạo sư phạm
Nhìn ở góc độ khác, PGS Nguyễn Đức Sơn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, không chỉ nghề giáo mà bất kỳ nghề nào cũng có những áp lực riêng. Bản thân người làm nghề phải biết cách vượt qua các áp lực, biến áp lực thành động lực.
Cũng theo PGS Sơn, một khảo sát được thực hiện trên 1.500 giáo viên cho thấy, những người thực sự yêu nghề thì hài lòng với công việc hơn những người không yêu nghề. Những người yêu nghề sẽ biết cách vượt qua các áp lực.
Vì thế, ông Sơn cho rằng còn nguyên nhân sâu xa hơn, gốc rễ hơn cho những vụ việc giáo viên bạo hành học sinh là chính bản thân người giáo viên chưa có đủ tố chất để làm nghề, chưa có đạo đức nghề nghiệp.
“Người học khi chọn ngành sư phạm có tư chất làm giáo viên không? Có yêu nghề, yêu trẻ không? Có định hướng đúng về nghề không? Khảo sát cho thấy có khoảng 70% người chọn sư phạm là yêu sư phạm, định hướng đúng, 30% chọn vì hoàn cảnh. Với cách nhìn đó phải có giải pháp để khi tuyển sinh viên sư phạm phải xem họ có tố chất phù hợp với nghề hay không thay vì chỉ dựa vào điểm số như hiện nay. Các trường sư phạm nên có thêm kênh nào đó, công cụ nào đó, để có thể tìm kiếm thêm người có tư chất phù hợp, có định hướng phù hợp với nghề”, ông Sơn kiến nghị.
Theo ông Sơn, phẩm chất, đạo đức, kỹ năng thực hành sư phạm không phải chỉ là học thuộc lý thuyết mà phải được đào tạo qua trải nghiệm. Vì thế, các trường sư phạm phải tìm cách để sinh viên được trải nghiệm càng nhiều càng tốt.
“Hiện các trường sư phạm có đào tạo kỹ năng mềm nhưng còn lẻ tẻ. Tôi nghĩ nên có chương trình để giúp giáo viên biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực sang tích cực”, ông Sơn chia sẻ.
Không chỉ ở khâu tuyển chọn đầu vào, PGS Nguyễn Văn Sơn cho rằng trong cả quá trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, thậm chí bồi dưỡng giáo viên khi họ đang dạy ở các trường phổ thông, cũng phải có thay đổi theo hướng tăng cường kỹ năng sư phạm.
Không để giáo viên phải chịu áp lực không đáng có
Trước những vụ việc giáo viên giáo dục bạo lực với học sinh liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong dư luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã đến lúc phải có chính sách rất cụ thể với tính khả thi cao liên quan đến nhiều bộ phận, phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, để giải quyết vấn đề trên.
Có hình thức kiểm tra năng khiếu, phẩm chất nghề giáo
Đồng tình với quan điểm của PGS Nguyễn Văn Sơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đối với nghề giáo cần yêu cầu cao về đạo đức, yêu nghề mến trẻ.
“Đề nghị trường sư phạm thời gian tới có hình thức kiểm tra năng khiếu, phẩm chất nghề nghiệp. Ví dụ, giáo viên mầm non không cần điểm cao nhưng cần ca múa tốt, có sự kiên trì, yêu nghề, giáo dục bằng tình yêu thương với trẻ con mới hình thành nhân cách tốt”, ông Nhạ nói.
Tuyển đầu vào có chất lượng phù hợp, trong quá trình đào tạo, các trường sư phạm cũng phải đổi mới theo hương tăng cường giáo dục con người vì giáo viên được đào tạo thế nào, sau này sẽ giáo dục học sinh như thế.
“Rèn người không chỉ một vài chuyên đề mà phải trong suốt 4 năm đại học. Tôi chú trọng đào tạo lòng nhân ái, tình yêu thương vì hình mẫu cô giáo như thế nào thì trẻ sẽ học theo, đặc biệt là học sinh tiểu học”, ông Nhạ phân tích.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh việc bồi dưỡng giáo viên trong quá trình giảng dạy tại trường phổ thông cần phải thiết thực và chất lượng hơn thay vì hình thức như hiện nay. Cần đổi mới bồi dưỡng, kiên quyết hạn chế tập huấn bồi dưỡng theo cách truyền thống, bồi dưỡng đúng cái giáo viên cần, tăng cường bồi dưỡng trải nghiệm để thầy cô chia sẻ. Khi giáo viên thấy thiết thực thì họ sẽ có động lực học hỏi. Đặc biệt, phải quan tâm đến bồi dưỡng hiệu trưởng. Người hiệu trưởng là đầu tàu trong nhà trường nên phải thực sự là người thầy của giáo viên.