Lời đầu tiên xin được gửi tới PGS.TS nói riêng và toàn thể đội ngũ y bác sĩ nói chung những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.
Xin PGS.TS cho biết vì sao các nước có hạ tầng y tế chưa được đánh gia cao như Việt Nam lại làm tốt công tác phòng dịch tốt hơn các nước khác?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: “ Tôi cũng phải nói ngay rằng là Việt Nam chúng ta có một hệ thống dự phòng tốt, và kiểm soát dịch thì không phải chỉ có y tế làm được. Vừa rồi, bây giờ cũng có thể nói là hơi quá sớm để nói rằng thành công, vì chúng ta còn rất nhiều những cái nguy cơ. Nhưng mà cũng có thể nói rằng so với các nước trên Thế giới ví dụ như Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí là Ý ở khu vực Châu Âu, hay Canada, v.v thì có thể nói chúng ta bước đầu đã thu được những thành tựu tốt. Đây có thể nói là nhờ một hệ thống dự phòng, cũng có thể nói là chưa được đầu tư thoả đáng trong thời gian vừa qua, nhưng chúng ta đã có một nền tảng dự phòng, và nhiều người nói rằng đấy cũng là một định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta có từ trên xuống dưới, cả một hệ thống.
Đặc biệt, nguyên nhân thành công vừa rồi chính là do hệ thống chính trị vào cuộc rất sớm với sự chỉ đạo quyết liệt, và điều đó thì đương nhiên đã có những hệ quả như anh vừa trao đổi, một số những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng, du lịch, xuất khẩu, v.v Tôi cũng vẫn tâm đắc một câu nói của thủ tướng rằng chúng ta không phải đóng tất cả. Đây là câu nói tôi cho rằng hết sức quan trọng, mang tính định hướng. Thế nhưng chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng phải có một sự hiểu biết, cần phải có một thái độ, một sự thực hành chuẩn, chuẩn cả về mặt khoa học dựa trên những bằng chứng, và chuẩn cả về mặt thực hành trong quá trình thực hiện. Ví dụ, chúng ta không phải đóng tất cả, thì mở cái gì, và mở như thế nào để an toàn? Bởi hiện nay nguy cơ chúng ta đang bị rình rập rất lớn. Không thể nói rằng nếu như những chuyến bay từ Hàn Quốc sang đây chúng ta có thể kiểm soát được.
Nguyên tắc của dịch là chúng ta phải cách ly, và cách ly đúng người cần phải cách ly, đó là những người có thể đã nhiễm, những người nghi nhiễm và những nguy cơ. Thì vừa rồi chúng ta có thể nói là làm rất tốt điều đó. Trong khi những hệ thống dự phòng khác, có thể vì những nguyên nhân chủ quan, chứ không phải vì những tính chất hiện đại, và điều đó càng minh chứng rằng nếu chỉ có hệ thống y tế sẽ không thành công, mà chúng ta phải cần toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội. Còn tất nhiên, chúng ta có thể có những phần này hơi thái quá, từ sợ hãi đến kỳ thị, mặc cảm, và bây giờ nếu như chúng ta không cân bằng được việc đó lại dẫn đến chủ quan thì hậu quả sẽ hết sức khôn lường.”
PGS.TS đánh giá thế nào về nguy cơ lây nhiễm, truyền nhiễm dịch khi người dân sử dụng các dịch vụ công cộng như (máy bay, tàu hỏa, xe hơi...) so với việc giao tiếp thông thường như là đi siêu thị, văn phòng...?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: “Hiện nay, có thể nói ở nước ta là một môi trường tương đối an toàn bởi chúng ta đã kiểm soát được khá tốt những trường hợp bùng nổ của dịch. Chúng ta có 16 trường hợp, tất cả những trường hợp có nguy cơ đều được cách ly và chúng ta đã có một hệ thống hỗ trợ hết sức tốt, từ quân đội cho đến công an, hệ thống y tế và các cơ sở hạ tầng chúng ta chuẩn bị. Tôi cũng phải nhấn mạnh một lần nữa là khâu chuẩn bị của chúng ta, nhiều người nói rằng chuẩn bị như thế có quá không? Thì tôi đánh giá là với nguy cơ như thế này, việc chuẩn bị là không hề quá một chút nào. Hệ thống y tế đã chuẩn bị một cách hết sức tốt để nếu như giả sử mức độ cao nhất chúng ta có thể ứng phó. Tôi lấy ví dụ bệnh viện Phổi TƯ chuẩn bị đến 40 giường. Bệnh viện Phổi TƯ không phải tuyến đầu, chỉ khi nào rất nặng, có bệnh phổi nền thì chúng ta mới tới thôi. Thế còn bây giờ dối với môi trường xung quanh, môi trường du lịch, môi trường công cộng thì nguy cơ nó như thế nào thì có thể nói chúng ta đều nên tuân theo những khuyến cáo của bộ Y tế.
Tất cả những trường hợp đi máy bay, đi từ những vùng có dịch, như thế nào là có tiếp xúc, tiếp xúc gần, thế nào là có những nguy cơ thì chúng ta đã đều được phổ biến. Tôi lấy ví dụ những người đi từ Hàn Quốc về bây giờ rõ ràng là không an toàn. Những người ấy sẽ phải sử dụng như thế nào? Tới đây với số lượng lớn như thế chúng ta làm thế nào để đón những công dân của chúng ta từ Hàn Quốc ở những vùng dịch như thành phố Daegu? Đó là những câu hỏi hết sức lớn cho những nhà hoạch định chính sách để giải quyết những vấn đề, nguy cơ từ phía ngoài vào. Còn từ phía trong thì tôi vẫn nhắc lại một lần nữa là còn tương đối an toàn.
Nếu chúng ta đi nội địa từ Hà Nội so với Vĩnh Phúc chỉ khoảng 40-50km, tuy nhiên chúng ta đã cách lý một cách tốt rồi. Xã Sơn Lôi đã được tổ chức đến hôm nay là ngày thứ mười mấy rồi, chúng ta chỉ còn mấy ngày nữa là chúng ta có thể nói là không có ca mới nào mắc cả. Và nguyên tắc là sau 30 ngày không có ca nào mới thì chúng ta có thể tuyên bố dịch đã được khống chế. Thế nhưng tôi vẫn nhắc lại một lần nữa vì cái nguồn của nó là ở trên toàn Thế giới, không ai chấm dứt được một bệnh mà chỉ có trong một nước. Chúng ta vẫn có nguy cơ từ Hàn Quốc, nguy cơ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore. Đấy là một thực tại không ai có thể chối cãi được. Vì vậy cái nguy cơ để trả lời chúng ta có nên đi du lịch hay không là một câu hỏi rất lớn, chúng ta có nên xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hoá từ những nước đó hay không.
Chúng ta được biết là tiền của Trung Quốc còn phải giữ lại trong 14 ngày, chiếu tia cực tím, bởi virus này nó có nguy cơ lây nhiễm qua giọt bắn và những hàng hoá chứa virus chính là một con đường truyền tải gây lây nhiễm. Vậy thì việc không đóng tất cả thì mở cái gì và mở như thế nào đều phải theo những hướng dẫn mà chúng ta đã có, bộ Y tế đã khuyến cáo. Thế còn việc nguy cơ ở cộng đồng lớn như thế nào thì rõ ràng chúng ta phải phân biệt được. Ví dụ như chợ của Hà Nội thì vẫn đang là an toàn, chợ của tất cả những thành phố khác, trừ những vùng như ở Vĩnh Phúc chỉ có Sơn Lôi hay Bình Xuyên thôi, chứ những xã khác, những huyện khác của Vĩnh Phúc thì vẫn là an toàn. Chứ chúng ta không nên kỳ thị như một số chỗ có địa chỉ Vĩnh Phúc là thậm chí thuê khách sạn không được, vào nhà hàng không được. Điều đó là một quan niệm hết sức sai lầm, và điều đó dẫn đến tình trạng những người đang giữ gìn bình an cho cả nước lại đang bị kỳ thị. Điều đó rất không nên.
Chúng ta vẫn phải trở lại sinh hoạt bình thường, chúng ta vẫn phải sản xuất vẫn phải đi làm. Tất nhiên những cái quyết định học sinh có đi học hay không, đấy là một môi trường rất tập trung và các cháu thực hành thì không thể kiểm soát được. Nếu giả sử cân nhắc việc mình chậm lại một tháng hay một tuần, so với nguy cơ một cháu bị bệnh mà lây truyền thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ khống chế như thế nào? Chúng ta cân nhắc những việc chúng ta không sản sinh ra giá trị kinh tế bây giờ so với ví dụ như Hàn Quốc, cái sự thiệt hại khi dịch bùng lên thì nó tốn kém hơn rất rất nhiều so với việc chúng ta tổn hại hiện nay. Tôi không nói rằng những tổn hại hiện nay chúng ta đang có là cũng rất lớn, có những người đánh giá là lên tới 10 tỷ, 100 tỷ hay 1000 tỷ, thế nhưng những cơ hội nếu như chúng ta còn có một sự bình an chúng ta có thể làm lại được, chỉ chậm lại một chút thôi. Nhưng tôi vẫn nhắc lại là những nguy cơ phải được đánh giá, phải tuân thủ theo cái đó, chúng ta vẫn phải trở lại một cuộc sống thường nhật một cách thông minh và an toàn.”
Về mặt y học thì sau bao lâu khu vực hay một quốc gia có dịch được coi là an toàn để người dân trở lại cuộc sống bình thường?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: “Một khu vực không có ca nào mắc mới trong vòng 30 ngày thì có thể coi là một khu vực an toàn. Nhưng với COVID-19 thì có thể nói chúng ta còn hiểu quá ít về con virus này. Do vậy những cái chỗ đó chúng ta phải hết sức thận trọng, đấy là chúng ta mới nói là trong khu vực của chúng ta. Mặt khác, còn những nguy cơ rình rập bên ngoài biên giới của chúng ta, tiếp tục vào trong đất nước của chúng ta mà nếu chúng ta kiểm soát không tốt thì nguy cơ đó cũng cần phải hết sức thận trọng. Như vậy điểm mốc ví dụ như 14 ngày thời gian lây, 20 ngày như Sơn Lôi đã được quyết định là cách ly với xung quanh thì 30 ngày là một cái quy định, nếu như không có một ca nào mới. Chúng tôi cũng hi vọng rằng chúng ta có thể có được điều đó, nhưng tiếp tục như thế nào để khống chế những nguy cơ tiếp theo đi vào trong đất nước chúng ta là luôn luôn phải được chú ý.”
Xin cám ơn PGS.TS!