Làng giải trí tổn thất vì dịch Covid-19

Dịch bệnh do virus corona lấy đi sinh mạng của không ít nghệ sĩ Trung Quốc, gây tổn thất hàng tỷ USD làng giải trí.
Nhóm BTS hủy buổi họp báo toàn cầu
Nhóm BTS hủy buổi họp báo toàn cầu

Bóng ma virus corona bao trùm toàn cầu, ảnh hướng tới mọi lĩnh vực, làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Việt Nam, Hong Kong, Đài Loan... Dịch cướp đi sinh mạng của đạo diễn người Vũ Hán - Thường Khải. Khi mới phát bệnh, Thường Khải và vợ ông đều không tìm được bệnh viện để chữa trị. Tới khi được thu nhận, tình trạng của ông đã nghiêm trọng. Cùng ngày Thường Khải mất, chị ông - một y tá - qua đời. Trước đó, cha mẹ của đạo diễn cũng mất vì dịch. Gia đình ông còn lại người vợ được chữa trị trong viện cùng con trai du học ở Anh.

Lưu Thọ Tường - họa sĩ tranh màu nước người Vũ Hán nổi tiếng - mất ngày 13/2, cũng vì nhiễm virus corona. Ông là giáo sư Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc. Con gái, con rể ông cũng nhiễm bệnh. Nhà thơ Du Tử Tuyết Tùng, người An Huy, mất ngày 19/1 tại bệnh viện ở Hồ Bắc. Trước khi chết, ông sáng tác một số bài thơ về con người, quê hương trong dịch bệnh. Covid-19 còn khiến diễn viên Đỗ Vũ Lộ khốn đốn những ngày cuối đời. Tài tử Vương triều Ung Chính mắc bệnh ung thư phổi song không dám đến bệnh viện vì tình hình dịch nghiêm trọng. Diễn viên qua đời hôm 21/2.

Làng giải trí tổn thất vì dịch Covid-19 ảnh 1

Cố đạo diễn Thường Khải (trái) và nhà thơ Du Tử Tuyết Tùng. Ảnh: The Paper.

Dịch bệnh vẫn chưa được khống chế, ngày càng lan rộng ở các nước Âu Mỹ, châu Á và châu Phi. Ngành phim ảnh, thời trang, âm nhạc, mỹ thuật... chịu chung tổn thất nặng nề như nhiều ngành nghề trong xã hội. 

Ở lĩnh vực phim ảnh, từ trước Tết Nguyên Đán, gần 70.000 rạp chiếu ở Trung Quốc đóng cửa, từ đó đến nay không có phim mới nào ra rạp. Theo Finance, nếu các rạp mở cửa trở lại vào tháng 5, thiệt hại doanh thu phòng vé vào khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (2,9 tỷ USD, tương đương 31% tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc 2019). Khoảng một tháng qua, nhiều người của ngành phim kêu gọi "giải cứu rạp chiếu" trong bối cảnh các hệ thống rạp không có thu nhập song vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, chi phí cho nhân viên... Trên Appledaily, ông Trương - chủ một rạp chiếu ở Bắc Kinh - nhận định ít nhất 100 rạp phá sản vì không thể cầm cự sau dịch viêm phổi, hàng nghìn nhân viên trong ngành thất nghiệp vì lượng phim bấm máy ít ỏi.

Tại Italy, cuối tuần trước, doanh thu phòng vé giảm 44%, nước này đã đóng cửa 850 rạp chiếu. Bom tấn Mission: Impossible 7 do Tom Cruise đóng chính phải hủy quay ở Venice, Rome vì các thành phố yêu cầu không tụ tập công cộng. Nhiều sao Hàn ngừng các dự án phim, trong đó, Hyun Bin hoãn quay Bargaining ở Jordan vì nước này cấm công dân Hàn nhập cảnh do sợ dịch bùng phát.

Làng giải trí tổn thất vì dịch Covid-19 ảnh 2

Phim mới của nam diễn viên Hyun Bin đã không thể ghi hình

Tại Hàn Quốc, tình hình kinh doanh rạp chiếu ảm đạm. Theo thống kê của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council), hôm 24/2, lượng khán giả tới rạp đạt khoảng 70.000 người một ngày - thấp nhất trong vòng 16 năm qua. Trước tình hình này, hàng loạt tác phẩm hủy ra mắt. Một người làm việc tại hệ thống Lotte Cinema cho biết công ty khuyến khích nhân viên nghỉ không lương.

Ngành thời trang vào giai đoạn u ám. Theo Careerengine, cổ phiếu của hàng loạt ông lớn thời trang Italy như Moncler, Tod's, Salvatore Ferragamo đồng loạt rớt giá, tổn thất hàng tỷ USD. Hiện phần lớn cửa hàng của ba tập đoàn trên đều đóng cửa ở Trung Quốc đại lục. Kinh đô thời trang Milan vắng lặng vì nCoV. Tại Tuần thời trang Milan vừa kết thúc, show của Giorgio Armani đóng cửa với người xem, phải phát trực tiếp trên mạng, một số nhà thiết kế hủy show.

Ở mảng âm nhạc, hàng loạt ca sĩ trong và ngoài nước hủy liveshow. Theo trang 163 ngày 20/2, khoảng 20.000 show của giới sao Hoa ngữ bị hủy, trong đó có liveshow của Lưu Đức Hoa, Lê Minh, Châu Kiệt Luân... Lưu Đức Hoa thiệt hại hơn 100 triệu nhân dân tệ (14,2 triệu USD).

Nhóm nhạc hàng đầu thế giới - BTS - phải hủy bốn đêm nhạc tại sân vận động ở Seoul do chính phủ nước này đóng cửa sân vận động. Các buổi quảng bá album chuyển sang hình thức livestream do không có sự tham gia của truyền thông, người hâm mộ. Hàng loạt sự kiện âm nhạc như lễ trao giải The Fact Music Awards, đêm nhạc SBS Inkigayo Super Concert, liveshow của nhóm Twice bị hủy.

Làng giải trí tổn thất vì dịch Covid-19 ảnh 3

Đan Trường phải hủy show vì đại dịch Covid-19

Ca sĩ Đan Trường hủy 12 show vào tháng 2. "Chúng tôi đã mua vé 38 vé máy bay cho ê-kíp sang Đài Loan làm show nhưng rốt cuộc phải hủy", ca sĩ cho biết. Quản lý ca sĩ Erik cho biết bị hủy gần 30 show vì dịch bệnh. Dù có thể tiếp tục không có show vào tháng 3, anh nói vẫn lạc quan, dùng thời gian trống đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc mới. Loạt nhà hát ở Italy như Pavia, Bergamo, Brescia... đều  ngưng hoạt động từ ngày 23/2.

Thất nghiệp vì Covid-19, không ít nghệ sĩ chung tay cổ vũ tinh thần, ủng hộ vật chất để cùng cộng đồng dập tắt dịch. Các sao Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Hong Kong như Cổ Thiên Lạc, Huỳnh Hiểu Minh, Lee Young Ae, Yoon Se Ah, Shin Min Ah... quyên góp tiền, khẩu trang giúp đỡ y bác sĩ, người dân ở tâm dịch.

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).