Những năm gần đây, các bảo tàng đang đẩy mạnh hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho các đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên. Hiện nay, hoạt động trải nghiệm giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục mới, giúp học sinh vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục, trải nghiệm tốt sẽ góp phần quan trọng tạo nên thành công cho các cuộc trưng bày.
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết: Khách tham quan, trải nghiệm đến với bảo tàng rất đa dạng, với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích khác nhau. Vì vậy bảo tàng luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình giáo dục phù hợp cho các đối tượng.
Trong năm 2023 đến tháng 4/2024, Bảo tàng Hà Nội tổ chức cho khoảng 17.000 khách tham gia các hoạt động giáo dục di sản trải nghiệm tại bảo tàng. Với lợi thế lưu giữ một kho tàng quý giá trên 73.000 tài liệu, hiện vật gốc về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của Hà Nội, khuôn viên rộng, hiện đại, Bảo tàng Hà Nội đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm giáo dục như: Các trò chơi dân gian, chợ Tết, rước trăng chơi phố dịp Trung thu… Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội còn nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, các hoạt động giáo dục văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, nhiều chương trình giáo dục có sự tham gia trực tiếp của những người khuyết tật với vai trò người hướng dẫn giáo dục trải nghiệm hoặc người hưởng thụ các hoạt động giáo dục của bảo tàng.
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ. |
Tại tọa đàm, các tổ chức đã từng phối hợp hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Hà Nội chia sẻ về ý tưởng, hành trình khi xây dựng chương trình giáo dục, các hoạt động giáo dục đã thực hiện; năng lực và mong muốn khi hợp tác với Bảo tàng Hà Nội tổ chức các hoạt động giáo dục. Các tổ chức, cá nhân, nhà khoa học đang là nhà tổ chức hoạt động giáo dục, nghiên cứu về giáo dục tại bảo tàng chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức các hoạt động giáo dục và gợi ý các hoạt động giáo dục trong tương lai của Bảo tàng Hà Nội.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể (VICH) Nguyễn Thị Lệ Quyên chia sẻ: Khi có điểm chạm với di sản thì người ta sẽ mở ra nhu cầu kết nối với di sản đó. Trung tâm đạt được nhiều thành công khi triển khai sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống cho đối tượng học sinh và gia đình, khi đưa yếu tố về giáo dục, trải nghiệm vào chương trình. Hơn nữa, Trung tâm thiết kế chương trình biểu diễn không chỉ là phục vụ mục tiêu biểu diễn, mà còn phục vụ mục tiêu truyền tải được kiến thức, hiểu biết, cảm quan, công thức của di sản văn hóa đó đến với công chúng. Trung tâm coi khán giả không chỉ là người nghe thụ động mà là một phần trong sản phẩm. Bởi vậy, để kết nối giáo dục tại bảo tàng tới công chúng cũng cần tìm ra những hướng đi hiệu quả.
Tại sự kiện, các đại biểu còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như: Đánh trống đồng, chơi cờ Mặt trời, làm móc khóa hình thú nhồi bông, làm tranh ghép vải... Đây được xem là cách thức hiệu quả để thu hút sự tham gia và gắn kết công chúng với bảo tàng cũng như các giá trị văn hóa truyền thống.