_______________
1. Theo Viện An toàn Thực phẩm Australia (AIFS), an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đặc biệt quan trọng trong các trường học, bởi trẻ em có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe cao hơn người lớn. Lý do là trẻ em chưa nhận thức đầy đủ và ít tự nguyện giữ vệ sinh như người lớn, hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển nên sức đề kháng yếu, cơ thể dễ bị dị ứng.
Mặc dù nhiều nước đã luật hóa các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm học đường và ban hành cẩm nang hướng dẫn thực hiện, song một số trường học vẫn chưa triển khai nghiêm túc. Tháng 9/2018, ba trường mầm non ở thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc đã bị điều tra, hiệu trưởng bị bắt giữ sau khi phụ huynh tố cáo nhà trường cho trẻ ăn thực phẩm chế biến từ gạo mốc, đùi gà thiu, xúc xích hỏng, giấm quá hạn sử dụng. Hơn 760 trẻ đã được kiểm tra y tế, trong đó có 38 trẻ (chiếm 5%) gặp vấn đề về sức khỏe.
Theo tờ The Herald (Scotland), gần ¾ các hội đồng địa phương Scotland đang cung cấp cho học sinh các bữa ăn ở trường có loại thịt chế biến sẵn (processed meat) như: thịt xông khói, xúc xích, dăm bông, thịt bò muối... chứa chất bảo quản nitrite. Các chuyên gia y tế cho biết, nitrite giúp ức chế vi khuẩn, giúp thịt chậm ôi thiu, lâu mất mùi; song hấp thụ quá hàm lượng chất bảo quản nitrite có nguy cơ bị ung thư, đặc biệt với trẻ em.
Năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) kết luận rằng việc tiêu thụ thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư ruột. Nghiên cứu của Trường y tế công Harvard cũng cho thấy, ăn thịt chế biến sẵn chứa nhiều nitrite làm tăng nguy cơ bệnh tim lên 42%, nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 là 19%. Chính vì những tác hại này, nghị sỹ Scotland Monica Lennong tuyên bố :” Không thể do dự trước vấn đề nitrite. Chất bảo quản này phải bị đưa ra khỏi các bữa ăn học đường ngay lập tức”.
Dựa trên số liệu của Cơ quan Y tế thành phố New York, Mỹ, một phân tích của Trường Báo chí, ĐH New York (Mỹ) năm 2018 đã chỉ ra khoảng 1.150 lỗi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm trọng, có thể dẫn tới ngộ độc thực phẩm, tại gần 695 trường học công (chiếm gần 50% tổng số trường học công) ở thành phố New York. Các vi phạm (dụng cụ làm bếp bẩn, xuất hiện chuột, gián, ruồi)... có thể thấy trong căng-tin, nhà bếp hoặc phòng ăn.
Pauliina Siniauer – một trong số các sinh viên báo chí thực hiện phân tích trên – cho biết : “Đây là mối nguy hại cho sức khỏe, là sự cảnh báo cho các phụ huynh. Chúng tôi có thể khẳng định những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng đã khiến một số học sinh nôn mửa, ốm”.
Tờ The New York Daily News cho biết, vi phạm nghiêm trọng nhất là việc phát hiện 1.500 con ruồi trong căng-tin trường Middle School 137 tại quận Queens, New York. Solomon Ramdas – phụ huynh có con trai 14 tuổi và con gái 11 tuổi học tại trường Middle School 137 – bức xúc: “Con trai tôi đã kể những câu chuyện kinh khủng về ruồi và chuột ở căng -tin trường. Con gái tôi cũng kể chuyện tương tự và cháu không ăn ở đây nữa. Bọn trẻ thường xuyên ốm. Hệ thống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần thay đổi”.
Tại một trường công ở quận Brooklyn, New York, phụ huynh thậm chí không được nhà trường thông báo về việc phát hiện thấy chuột trong căng-tin và nhà bếp. Michelle Machado - 38 tuổi, phụ huynh của 2 trẻ - nói: “Trẻ có thể bị bệnh khi sống gần môi trường như thế. Liệu nhà trường có thể trung thực và nói cho phụ huynh biết về những vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của mình? Tôi không nghĩ như vậy”.
Năm 2017, thị trưởng New York Bill de Blasio đã thông báo về chương trình “Bữa trưa miễn phí cho tất cả”, nhằm cung cấp bữa trưa miễn phí cho mọi học sinh có nhu cầu tại tất cả trường học ở New York. Đáng lưu ý, hàng chục căng-tin trường học mắc những lỗi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng nhất đang phục vụ cho những học sinh nghèo nhất New York.
Các cuộc thanh tra đầu năm 2019 cho thấy, căng-tin ở 12 trường tiểu học tại thành phố Seattle (Mỹ) cũng vi phạm hàng loạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm như: bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ không an toàn, thiếu dụng cụ tại các khu rửa tay, nhân viên chế biến thức ăn không qua đào tạo…
Thực phẩm “bẩn” không chỉ khiến học sinh bị ảnh hưởng sức khỏe mà thậm chí còn phải trả bằng tính mạng. Năm 2013, 23 trẻ em tại trường tiểu học công lập Navsrijit thuộc làng Masrakh, quận Saran, bang Bihar, miền đông Ấn Độ đã thiệt mạng do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bữa trưa miễn phí tại trường. Đối với các em, bữa ăn miễn phí tại trường là bữa ăn duy nhất trong ngày. Điều tra của cơ quan y tế cho biết trong dầu dùng để chế biến thức nấu, có một loại thuốc trừ sâu rất độc.
Thảm họa này làm dấy lên những mối lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với “Chương trình bữa ăn giữa ngày của Ấn Độ” - một chương trình cung cấp bữa ăn học đường lớn nhất thế giới, liên quan tới 120 triệu học sinh tiểu học thuộc các gia đình nghèo khó. Thực tế ở Ấn Độ, một số trường học không có nhà bếp được trang bị đủ dụng cụ, tiện nghi, nhà ăn không bảo đảm vệ sinh. Nhiều trường còn không có đầu bếp, do vậy, các thầy cô phải thay nhau đi chợ và làm bếp. Có nơi, học sinh phải tự rửa thìa bát sau khi ăn.
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, một số vụ ngộ độc thực phẩm học đường đã được ghi nhận tại các nước như: 204 học sinh trường nội trú thành phố Esfarayen, tỉnh Bắc Khorasan ở Iran nhập viện vì ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn tối; hơn 70 học sinh trường Jian Hua ở tỉnh Nakhon Pathom (Thái Lan) bị ngộ độc và 25 em phải nhập viện sau bữa ăn trưa ở trường; 67 nữ sinh trường Kasturba thuộc huyện Rangareddi, bang Telangana, Ấn Độ nhập viện vì ngộ độc; 49 học sinh ở một trường học tại bang Selangor (Malaysia) bị đau bụng, nôn, tiêu chảy sau khi ăn tại căng-tin...
2. Trước tình trạng đáng báo động về mất vệ sinh an toàn thực phẩm học đường, gần đây chính quyền một số nước đã nỗ lực tìm biện pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà trường, các bậc phụ huynh và chính học sinh. Đầu tháng 3/2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo sẽ mở cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm tại tất cả trường học trên cả nước.
Theo đó, các cơ quan giám sát thị trường và các sở giáo dục địa phương phải rà soát những lỗ hổng về kiểm soát an toàn thực phẩm tại trường học và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan chức năng địa phương sẽ kiểm tra đột xuất tại các trường học và các nhà cung cấp thực phẩm, hay bếp ăn. Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Ủy ban quản lý y tế quốc gia Trung Quốc, từ tháng 4/2019, hiệu trưởng và những người quản lý các trường mầm non, tiểu học, trung học tại Trung Quốc sẽ phải ăn cùng học sinh tại các căng – tin của trường, nhằm nâng cao trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm học đường.
Những người quản lý trường học có trách nhiệm ghi chép lại khẩu phần từng bữa ăn, đồng thời phải lập tức giải quyết các vấn đề đe dọa an toàn vệ sinh thực phẩm. Các bậc phụ huynh có quyền tham gia việc quản lý, giám sát quá trình xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm trường học; tham dự bữa ăn ở trường cùng con cái; đề xuất với nhà trường về dinh dưỡng bữa ăn cũng như các biện pháp đảm bảo vệ sinh thực phẩm trường học.
Các trường phải công khai về nguồn gốc thực phẩm, giữ mẫu thức ăn để cơ quan chức năng kiểm tra. Các quầy bán đồ ăn trong ký túc xá trường học được yêu cầu tránh bán các loại quà vặt có nhiều đường và muối. Hàng năm, nhân viên căng – tin phải trải qua kiểm tra sức khỏe, phải duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh. Các căng – tin không giữ mẫu thức ăn, bán đồ ăn gây nguy cơ cao cho sức khỏe có thể bị phạt từ 5.000 – 30.000 nhân dân tệ (hơn 17 triệu đồng – 103 triệu đồng).
Những người có trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học sẽ bị cảnh cáo, đuổi việc hoặc đưa ra trước pháp luật nếu kiếm lợi từ việc mua thực phẩm dưới tiêu chuẩn, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, thể chất của giáo viên và học sinh. Những người che giấu các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm học đường, không hợp tác với cơ quan chức năng điều tra các vụ học sinh ngộ độc thực phẩm cũng sẽ bị xử lý nghiêm.
Để đảm bảo chất lượng thực phẩm cho trẻ em, Cơ quan tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đưa ra sáng kiến “dán nhãn màu” cho các loại thức ăn ở trường học. Theo đó, khuyến khích học sinh ăn thực phẩm dán nhãn “xanh” là loại tốt cho sức khỏe như: hoa quả tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, cá…; tránh ăn thực phẩm dán nhãn “đỏ” là loại có hàm lượng chất béo, đường, muối cao không tốt cho sức khỏe như: đồ uống ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, kẹo…; ăn vừa đủ và dần hạn chế thực phẩm dán nhãn “vàng” như: kem, bánh mì, cháo đóng gói và chế biến sẵn, đồ uống có mạch nha…
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, một trong những điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn thực phẩm trường học là tạo ra “văn hóa an toàn thực phẩm”, nghĩa là khuyến khích việc giáo dục cho mọi đối tượng tham gia vào các chương trình dinh dưỡng học đường. Tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Sở cung ứng thực phẩm đã ban hành “Yellow Book” (Sách Vàng) để giáo dục học sinh về tầm quan trọng của thực phẩm vệ sinh và bổ dưỡng. Sở này cũng thiết kế một đường link trực tuyến có mọi thông tin về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, giáo viên các trường học tư và công ở New Delhi sẽ giảng dạy, thảo luận với các phụ huynh về vấn đề an toàn thực phẩm trong các buổi họp phụ huynh.