Những chiếc thiệp giấy vẽ xứ Huế đậm chất kiến trúc
Là một kiến trúc sư trẻ tuổi sinh năm 1989, Lê Ngọc Tuấn Anh đã quyết định chọn văn hóa để khởi nghiệp với mong muốn đóng góp cho việc lưu giữ những sản phẩm văn hóa dân tộc bằng nghệ thuật Kirigami. Sở dĩ, Tuấn Anh lựa chọn khởi nghiệp với những sản phẩm mang đậm tính văn hóa vì nghĩ rằng, đối với mỗi người chúng ta, ai ai cũng yêu mến quê hương của mình và họ muốn đem tình cảm đó sẻ chia tới rất nhiều bạn bè xung quanh.
“Xuất phát từ những suy nghĩ đó, tôi đã mạnh dạn lựa chọn những sản phẩm văn hóa để khởi nghiệp, đem tất cả những nét đẹp tinh hoa trong văn hóa, du lịch, nghệ thuật kiến trúc vào từng sản phẩm thiệp giấy. Qua từng sản phẩm, tôi có thể giúp cho quý khách hàng của mình kể những câu chuyện về quê hương để gửi tới bạn bè ở khắp muôn nơi và chắc chắn đó sẽ là những câu chuyện vô cùng độc đáo, thú vị”, Tuấn Anh chia sẻ.
Nghệ thuật Kirigami đến với Tuấn Anh cũng rất tình cờ. Vào khoảng giữa năm 2015, một người bạn thân của Tuấn Anh phải xa Huế nhưng luôn lưu nhớ về hình ảnh của một nhà thờ - nơi đã gắn bó với bạn nhiều kỉ niệm nên anh đã nảy ra ý tưởng chế tạo một nhà thờ thu nhỏ, có thể gấp gọn lại để bạn mang theo bên mình dù đi bất cứ nơi đâu.
Sản phẩm đầu tiên mà Tuấn Anh làm được mang tên “Dòng chúa cứu thế Huế”. Để hoàn thành được tác phẩm này, anh đã phải mất khoảng 6 tháng nghiên cứu, tạo mẫu và thực hiện. Theo Tuấn Anh, muốn tạo ra được những công trình kiến trúc cổ độc đáo bằng giấy đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mẩn, kiên nhẫn và kỳ công. Mặc dù, trải qua không biết bao gian nan, khó khăn, vất vả nhưng chàng kiến trúc sư trẻ vẫn không hề nản chí với niềm đam mê đó.
Sự ra đời của “Dòng chúa cứu thế Huế” đã giúp Tuấn Anh nhận ra niềm đam mê của mình với nghệ thuật Kirigami. Cùng với tình cảm đặc biệt dành cho Huế và mong muốn quảng bá hình ảnh cố đô đi khắp mọi nơi, anh đã tiếp tục bắt tay vào thực hiện các sản phẩm khác.
Nghệ thuật Kirigami không còn xa lạ vì trước Tuấn Anh đã có rất nhiều người từng theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, những tấm thiệp giấy được cắt ghép theo loại hình nghệ thuật Kirigami dưới bàn tay và khối óc của Tuấn Anh lại có nhiều điểm đặc biệt, lôi cuốn hơn.
Là một kiến trúc sư nhưng Tuấn Anh lại chọn lĩnh vực văn hóa, du lịch để khởi nghiệp. |
Tuấn Anh cho biết, khi bắt gặp những tấm thiệp giấy được bán trên thị trường, anh vô cùng bất ngờ và ấn tượng với những cách sắp xếp cũng như cách bày trí trên đó bởi nó tuy đơn giản nhưng lại rất đẹp. Tuy nhiên, đó chỉ là về mặt hình thức, còn về mặt nội dung thì những tấm thiệp đó lại không có gì nổi bật và đặc sắc. Khi ấy, Tuấn Anh chợt nghĩ “tại sao mình không cải thiện những tấm thiệp này cho mới mẻ hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn và đặc sắc hơn nhỉ?”.
Vốn là một kiến trúc sư, Tuấn Anh đã miệt mài sản xuất từng tấm thiệp giấy mô phỏng những công trình kiến trúc, văn hóa hay những địa điểm du lịch nổi tiếng tại quê hương. Ban đầu, khi mới nảy sinh ý tưởng, Tuấn Anh không nghĩ gì nhiều mà chỉ luôn tin rằng mình có thể tạo ra được nhiều sản phẩm bắt mắt trong thiết kế, hấp dẫn trong ý nghĩa khiến nhiều khách hàng không khỏi ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, chàng trai trẻ đã gặp không ít khó khăn và nhiều lần muốn bỏ cuộc. Bởi làm Kirigami đòi hỏi độ chính xác cao, cứ mỗi một chi tiết sai lệch có thể làm sản phẩm không hoàn chỉnh, vậy là phải bỏ làm tại từ đầu. Và để hoàn thành được sản phẩm đầu tay, tốn bao nhiêu lần giấy Tuấn Anh cũng không nhớ nữa.
Nhờ sự tìm tòi, nghiên cứu về Kirigami và những kiến thức về kiến trúc đã được học trước đó, Tuấn Anh đã không nản chí. Tuấn Anh chia sẻ, mối quan hệ giữa kiến trúc và Kirigami chính là điều kiện cần và đủ để giúp anh có thể tự tin khởi nghiệp.
“Nếu như kiến trúc là nền tảng giúp tôi có kiến thức và trở thành công cụ cần thiết để có thể thiết kế được mô hình thì Kirigami lại giúp tôi tận dụng những kiến thức đó một cách đầy đủ, có ý nghĩa, để tạo nên những công trình 3D vừa tỉ mỉ (chính xác) vừa tiện dụng (dễ dàng gấp lại)”, Tuấn Anh nói.
Sự kết hợp giữa giấy và kiến trúc thông qua nghệ thuật xếp đặt đã tạo nên không gian ba chiều của tác phẩm (khi được mở ra) giúp tác phẩm trở nên tinh xảo và độc đáo. Do vậy, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, người làm phải đảm bảo tất cả các khâu đều được chú trọng, khâu nào cũng quan trọng và đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ, nhất là khâu thiết kế vì nó đóng vai trò quyết định trong cả quá trình tạo phẩm.
Theo Tuấn Anh, trước đây, để thiết kế được một sản phẩm anh phải mất khoảng 3 tháng. Còn bây giờ, khi đã tạo ra bộ tiêu chuẩn thiết kế chuẩn mực hơn thì anh chỉ mất khoảng 3 ngày là có thể thiết kế hoàn chỉnh một công trình mới và sản phẩm mẫu. Có thể nói, nhờ biết cách tận dụng máy móc mà năng suất tạo phẩm hiện tại của anh đã tăng gấp 5 lần so với trước đây.
Mỗi tác phẩm là một câu chuyện riêng
Tính đến nay, đã có khoảng 40 địa danh du lịch trong và ngoài nước đã được Tuấn Anh hiện thực hóa thành phẩm. Một số sản phẩm mang nét đặc trưng của Huế được Tuấn Anh cho sản xuất hàng loạt như Cầu ngói Thanh Toàn, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, chùa Thiên Mụ, các lăng tẩm, đền đài… Tất cả đều được bày bán trên thị trường Việt Nam và một số quốc gia như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Canada… Ngoài ra, còn có rất nhiều đơn hàng đặc biệt khác chuyên thiết kế về các tòa nhà biểu tượng của các công ty bất động sản hoặc trường đại học.
Mỗi tác phẩm đều được làm một cách tỉ mẩn và công phu. |
Mỗi sản phẩm đều ẩn chứa một câu chuyện riêng và mang những nét đẹp, ý nghĩa khác nhau. Bằng việc sử dụng vật liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, Tuấn Anh muốn thông qua những sản phẩm này có thể gửi gắm đến mọi người thông điệp về bảo vệ môi trường. Anh bảo, “thông qua những sản phẩm này, anh muốn bạn bè quốc tế biết rằng việc phát triển văn hóa tại Việt Nam luôn gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường. Sứ mệnh đó sẽ do chính những người Việt trẻ thực hiện. Bởi một món quà sẽ trở nên ý nghĩa và đặc biệt hơn khi ta trao đi những giá trị văn hóa, những thiết kế tinh gọn và vô cùng thân thiện với môi trường” – Vì thế, tất cả mọi sản phẩm làm ra đều được Tuấn Anh “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Được biết, hầu hết các sản phẩm trên đều được làm từ chất liệu giấy Canson vân gỗ. Việc lựa chọn sử dụng loại giấy Canson vân gỗ là vô cùng thích hợp cho những sản phẩm của anh vì đây không chỉ là những tấm thiệp giấy bình thường mà nó còn là cả một công trình nghệ thuật được điêu khắc tỉ mỉ và trang trí lấp lánh với hệ thống ánh sáng đèn LED bên trong.
Mặc dù, theo quan điểm của nhiều người, chất liệu giấy không lưu giữ được bền lâu khi gặp nước hoặc độ ẩm cao nhưng Tuấn Anh vẫn tin dùng, sử dụng chất liệu giấy và không cho rằng đây là quyết định khởi nghiệp mạo hiểm. Bởi trước khi đưa vào thiết kế, giấy Canson vân gỗ đã được anh đưa vào xử lý qua nhiều công đoạn để giấy có độ đàn hồi tốt, bền, dai và đặc biệt là khả năng chống ẩm cao vì môi trường ở Huế thường xuyên ẩm ướt.
Sau hơn một năm nếm trải những thất bại, đến ngày 24/07/2016, Tuấn Anh quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh Tayta (Tayta). Thoạt nghe, Tayta có gì đó rất Tây nhưng thực chất nó lại mang đậm dấu ấn Việt Nam bởi đó chỉ là từ viết tắt của “Đôi bàn tay chúng ta”. Tayta không chỉ là tên công ty, mà nó còn diễn tả được các sản phẩm thủ công mang thương hiệu “Made in Viet Nam”.
Theo đuổi giấc mơ
Tuấn Anh cho biết, thời gian đầu thành lập công ty, anh cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất là nguồn vốn. Vốn để nghiên cứu, thử nghiệm; vốn để nuôi nhân công. Khi mới “chân ướt, chân ráo” bước vào nghề, Tuấn Anh cũng đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xoay sở nguồn vốn. Thậm chí, anh đã bị từ chối rất nhiều mỗi khi đi kêu gọi nguồn vốn.
Thứ hai là vấn đề con người. Để tìm ra một người có chung lý tưởng, sẵn sàng đồng hành với mình giống như “mò kim đáy biển”. Tuấn Anh cũng đã phải cố gắng rất nhiều trong việc “tìm đồng đội” của mình nhưng đến nay vẫn đang trên đường tìm kiếm.
Thứ ba là về kinh nghiệm quản lý thị trường và kinh doanh. Vì là “lính mới” trong môi trường startup nên nhiều lúc Tuấn Anh còn khá bỡ ngỡ khi gặp phải những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực này. Do vậy, để khắc phục những khó khăn trên, anh đang muốn tìm một “Co-founder” có thể giúp đỡ mình tháo gỡ dần dần những vướng mắc đó.
Không chỉ gặp khó khăn trong lĩnh vực chuyên môn, Tuấn Anh còn bị rất nhiều người cười nhạo vì cho rằng công việc của anh là phi thực tế, là ảo tưởng, thậm chí là điên rồ. “Chỉ vì nghe những lời nói đó mà có những lúc mọi người trong công ty bỏ đi hết, còn mỗi mình tôi kiên trì, theo đuổi giấc mơ. Thành công của tôi ngày hôm nay, phần lớn là nhờ vào sự tin tưởng, ủng hộ của gia đình”, Tuấn Anh tâm sự.
Hiện tại, sau hơn 3 năm thành lập, Công ty TNHH MTV Mỹ nghệ Thông minh Tayta (Tayta) có trụ sở chính tại Huế với 2 Showroom ở Huế và TP Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, 20 công nhân của Tayta có thể sản xuất được khoảng 500 sản phẩm. Với sự tiện lợi và độc đáo, các sản phẩm của Tayta được nhiều người đón nhận, nhất là khách phương xa.