Phóng viên (PV): Thưa chị, những cảm xúc như chán nản, hoang mang, muốn bỏ cuộc mà một số sinh viên gặp phải là do chuyển sang môi trường đại học khiến các bạn cảm thấy có nhiều áp lực hay việc hướng nghiệp khi còn học phổ thông chưa tốt?
Phoenix Hồ: Tôi làm công việc tư vấn hướng nghiệp tại Việt Nam đã hơn sáu năm và suốt thời gian ấy tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như bạn nói. Nói về nguyên do, tôi nghĩ cả hai ý đều đúng.
Theo tôi, phần lớn sự hoang mang của các sinh viên mới đến từ lý do chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng dẫn đến việc chọn ngành học và trường thi không phù hợp. Giáo dục hướng nghiệp hiện rất thiếu thốn từ tài liệu cho đến nhân lực. Việc thay đổi môi trường học cũng là một nguyên nhân. Các em học sinh phải theo một hệ thống đã được sắp xếp rõ ràng, vì vậy các em ít có dịp tự quyết định trong việc học hay tự chủ trong việc học. Khi vào đại học, các em bước vào một môi trường hoàn toàn mới, khuyến khích việc tự học. Cha mẹ phần lớn thả lỏng sự kiểm soát khi con vào giảng đường đại học, mà nếu có muốn kiểm soát cũng rất khó. Các em học hay không cũng chẳng ai ép. Điều này sẽ làm cho những sinh viên chưa quen với môi trường và cách học mới dễ bị chán nản, thiếu động lực, dễ theo bè bạn đi chơi nhiều hơn đi học, và dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực khác.
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Phoenix Ho (Phoenix Hồ). |
PV: Khi đó chị gỡ rối thế nào cho các bạn?
Phoenix Hồ: Đầu tiên tôi sẽ trò chuyện với các sinh viên để hiểu hoàn cảnh gia đình, học lực, những hoạt động họ đã tham gia nếu có trước đây, những người ảnh hưởng đến các bạn ấy nhất hiện tại, quá trình quyết định chọn ngành học… Theo kinh nghiệm của tôi, các bạn thường thiếu hiểu biết về bản thân, cụ thể là nhận thức về sở thích và khả năng. Sau đó, các bạn phải hiểu rõ thị trường đào tạo, thị trường tuyển dụng và biết ai là người ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định nghề nghiệp của mình.
Điều các bạn không nên làm là quyết định theo cảm tính, không nên nhảy qua một ngành khác để chạy trốn ngành hiện tại. Thay vào đó, phải hiểu vấn đề xuất phát từ đâu, hiểu bản thân, rồi lúc ấy mới có thể lên kế hoạch hiệu quả. Cách thức giải quyết này cũng có thể thực hiện ngay bởi người thân trong gia đình để hiểu rõ hơn về tâm sự của các em và cùng tìm ra hướng đi đúng đắn.
PV: Nhiều bạn đi học theo những định hướng từ phía gia đình mà không bao giờ tự hỏi mình muốn làm gì. Gia đình nên đóng vai trò thế nào trong quyết định của sinh viên?
Phoenix Hồ: Tôi chưa bao giờ khuyên các em làm trái lại ý cha mẹ hay nói dối họ. Tôi thường cố gắng mời cha mẹ cùng được tư vấn, để họ hiểu rõ vấn đề và hỗ trợ con tốt hơn. Có những ca phải mất thời gian lâu dài, nhưng kết quả thường rất khả quan. Nhưng cũng có một số ca mà tôi biết được các em làm theo ý mình, giấu cha mẹ, và trong những trường hợp đó, thường các em phải chịu gánh nặng tâm lý rất nặng nề vì các em luôn tự trách mình khi không làm theo lời cha mẹ.
PV: Là một chuyên gia hướng nghiệp và luôn gần gũi với sinh viên, chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ về việc định hướng nghề nghiệp và vượt lên được khủng hoảng tâm lý khi mới vào ĐH?
Phoenix Hồ: Tôi thường hay nói với các bạn những điều sau. Thứ nhất, sau 18 tuổi, mình phải bắt đầu chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Do đó, bất cứ quyết định nào, cũng phải suy xét cho thật kỹ, tìm hiểu và nghiên cứu thật sâu và khách quan. Khi đã quyết định rồi, thì sẵn sàng chấp nhận, vì đó là điều tất yếu của cuộc sống.
Thứ hai, phải cẩn trọng cân nhắc, suy xét trước lời khuyên, gợi ý cho dù đó là từ cha mẹ, anh chị, hay bạn bè thân của mình. Vì bản thân các bạn mới là người phải sống với của những quyết định của bản thân. Do đó, hãy can đảm tự quyết định và sẵn sàng đối mặt những hậu quả có thể không tốt lắm. Từ đó mình có thể rút ra những điều cần học hỏi và như vậy, càng ngày mình sẽ có quyết định chuẩn xác hơn. Thứ ba, hãy chịu khó đầu tư thời gian vào đọc sách, nghe và xem những video có chất lượng tốt về giáo dục, để lấy thêm kiến thức. Hãy chịu khó tham gia các hoạt động bên ngoài lớp học, để được trải nghiệm nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Hãy chịu khó tập “cho” và “xây dựng cộng đồng” chung quanh mình, vì khi làm vậy các em sẽ được gặp gỡ nhiều người khác, học hỏi từ kinh nghiệm của họ và kiến thức họ. Những lợi ích các em thu được từ những trải nghiệm ấy rất quý giá trong việc giúp các em định hướng nghề nghiệp sau này.
Hợp tác cùng Thời Nay
Xem thêm:
Nữ sinh đam mê Vật lý giành học bổng ĐH kỹ thuật danh tiếng Mỹ