Với việc trường Đại học Tôn Đức Thắng tự phong Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo như lý giải của ban lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc tự phong GS, PGS của trường không đánh đồng với giáo sư, phó giáo sư của nhà nước mà chỉ là giáo sư của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Trao đổi với Ngày Nay Online, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho bày tỏ: "Theo quy định thì giáo sư, phó giáo sư phải được Hội đồng Giáo sư của nhà nước xét duyệt.
Mỗi một nước có quy định riêng về việc phong giáo sư, có nước do hội đồng GS, PGS của nhà nước xét, có nước để cho trường tự quyết định việc phong này. Tuy nhiên, kể cả việc để các trường tự chủ phong GS, PGS như một số nước khác cũng phải theo một quy định hay một chuẩn chung của nhà nước chứ không phải phong tùy tiện được.
Theo giáo sư Lân Dũng ai cũng tự phong giáo sư như trường Tôn Đức Thắng sẽ “loạn” mất |
Ở nước ta, nhà nước cũng có dự định để cho các trường tự chủ nhưng chưa có quy định nào về việc tự phong GS, PGS cả. Vì vậy nếu muốn tự phong phải đợi quy định cụ thể của nhà nước chứ không thể tùy tiện phong không theo chuẩn nào để một học hàm được xã hội coi trọng trở nên tạp nham."
“Như vậy theo tôi có thể nói việc trường Đại học Tôn Đức Thắng tự phong GS, PGS là hoàn toàn không được. Tôi có nghe trường này có bảo là “Vì việc tự phong không cấm thì được phép” là hoàn toàn vô lý. Không phải cái gì không cấm thì mình có thể làm ngược lại, hơn nữa nhà việc phong giáo sư, nước có quy định rõ ràng thì các trường phải tuân thủ.
Với những quy định về việc GS, PGS thì thuật ngữ GS, PGS là tên gọi quy định chung của nhà nước. Nếu muốn sử dụng thuật ngữ này phải theo quy định của nhà nước, còn nếu anh muốn phong một cái gì đó cho các giáo viên của riêng trường phải dùng một thuật ngữ khác ví như: “Trưởng phòng, Giáo viên giỏi, giáo viên cao cấp…”. Chứ trường nào cũng tự phong giáo sư như trường Tôn Đức Thắng thì sẽ loạn mất”, Giáo sư Lân Dũng khẳng khái.
Việc phong giáo sư của Đại học Tôn Đức Thắng gây nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa) |
Đồng quan điểm với giáo sư Lân Dũng, giáo sư Văn Như Cương cũng chia sẻ: “Tôi nhớ năm 1976 tôi vào thỉnh giảng ở trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh một học kì Ở Sài Gòn tất cả các thầy giáo từ cấp 1 đều được gọi là Giáo sư Ở miền Bắc chức danh ấy còn rất ít vì phải được Nhà nước phong… Một lần người bạn của tôi là Phó Giáo sư cũng đang thỉnh giảng tại ĐHSP TP HCM cần phải về công tác ở Hà nội, cùng đi với anh là một người bà con là giáo viên tiểu học. Không may là máy bay chỉ còn 1 vé duy nhất nên phải chọn một trong 2 người. Thế là căn cứ vào giấy giới thiệu của cơ quan, ông GS tiểu học được mua vé, còn ông PGS Đại học phải “thông cảm” bay vào ngày mai.
Nghe nói trường ĐH Tôn Đức Thắng sẽ tự mình phong PGS, GS cho thầy giáo của trường (hoặc ngoài trường nếu họ muốn)… Đó là điều phù hợp với quyền tự chủ của mỗi trường và gần với thế giới. Tuy nhiên, để trường tự phong giáo sư như nước ngoài thì cũng phải có quy định chung, còn nước mình thì chưa có quy định như thế. Vì vậy các trường muốn có giáo sư hay phó giáo sư thì vẫn phải qua hội đồng xét duyệt.
Trường Tôn Đức Thắng nếu tự phong giáo sư sẽ có một sự nhầm lẫn giống như câu chuyện tôi kể ở trên. Những người bình thường khi nghe đến giáo sư thì họ không phân biệt là giáo sư của trường nào vì vậy sẽ đánh đồng với thuật ngữ chung. Chẳng lẽ lại gọi là giáo sư nhà nước và ngoài nhà nước, như vậy buồn cười quá. Vì vậy muốn phong gì thì phong cũng không được trùng với cụm từ PGS và GS đã quy định. Trường Tôn Đức Thắng có thể phong cho các giáo viên của mình một chức danh khác với những ưu đãi riêng của mình thế là ổn".
Xem thêm: