Cuộc tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp hữu hiệu đẩy mạnh hoạt động thư viện phục vụ nhân dân, đưa hệ thống thư viện công cộng phát huy hết giá trị và sức truyền tải thông tin, tri thức đến người dân, góp phần phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc.
Theo Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh, mặc dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động, nhưng những năm qua, thư viện công cộng đã có những bước phát triển nhất định và ngày càng khẳng định tầm quan trọng trong xã hội.
Nhiều mô hình thư viện công cộng đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm. Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Ba Vì Bùi Trần Hà cho biết, xác định rõ tầm quan trọng của Văn hóa đọc với tư cách một bộ phận của văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy việc hình thành những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại, xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức.
Năm 2020,Thư viện huyện Ba Vì được di chuyển sang vị trí Nhà văn hóa trung tâm huyện mới có diện tích 150m2, được trang bị trang thiết bị, bố trí 01 phòng đọc và kho sách; chỉ đạo sắp xếp sách trên giá theo 2 phương thức xen kẽ: Đó là xếp theo đăng ký cá biệt cộng khổ cỡ, xếp theo cách này rất thuận tiện cho việc kiểm kê cũng như xếp giá và phục vụ độc giả, rất nhanh thuận tiện cho thủ thư cũng như cho bạn đọc đến mượn sách; mở cửa thường xuyên phục vụ và đáp ứng tối đa nhu cầu của độc giả trong huyện.
Thư viện quận Tây Hồ có diện tích 200m2, hiện tại có 25.000 cuốn sách nhiều thể loại, trong đó có trên 5.000 sách dành cho thiếu nhi. Để khuyến đọc trên địa bàn, Thư viện quận Tây Hồ đã tổ chức góc đọc sách thiếu nhi trang trí đẹp mắt; phối hợp với quận Đoàn tổ chức các sự kiện hội sách, giao lưu đoàn viên thanh niên với biển, đảo quê hương; tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc, thi xếp sách nghệ thuật, viết cảm nhận về sách, tuyên truyền giới thiệu sách… Thư viện quận cũng thành lập 4 câu lạc bộ bạn đọc theo từng khối học sinh và thường xuyên mời diễn giả trao đổi về sách…
Ông Dương Văn Phi, Chủ nhiệm Thư viện làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) chia sẻ, Thư viện làng Bình Vọng đã thành lập và hoạt động từ năm 1999, do Chi hội Người cao tuổi quản lý và người dân trong thôn Bình Vọng đóng góp. Thư viện hình thành "mạng lưới viên" gồm những người cao tuổi và người quan tâm đến sách để quản lý, sắp xếp và vận động đóng góp sách. Từ đây, có nhiều sách, báo tài trợ của người dân thôn Bình Vọng đang sinh sống, học tập và làm việc ở các địa phương gửi về, tạo nên lượng sách phong phú với hơn 15.000 bản sách, hàng nghìn tạp chí, cấp gần 700 thẻ độc giả cho người dân trong thôn…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, các cách làm và kinh nghiệm xây dựng thư viện công cộng tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố rất hay, thiết thực, cần được nhân rộng, lan tỏa. Cùng với sự chủ động của các địa phương, cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Thư viện Hà Nội sẽ hỗ trợ phát triển hệ thống thư viện công cộng; đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các thủ thư, trao giải thưởng cho các cá nhân, tổ chức tích cực trong hoạt động thư viện cơ sở…
Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng thành phố Hà Nội gồm có Thư viện thành phố, 29/30 thư viện cấp huyện, (quận Nam Từ Liêm chưa thành lập thư viện), 54 thư viện cấp xã hơn 1.000 thư viện phòng đọc cơ sở đã góp phần không nhỏ trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.