“Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết.
Hiện nay, 95% số bệnh nhân ở thể nhẹ và không triệu chứng của Hà Nội chủ yếu điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động. Tuy nhiên, thời gian qua, không ít ca F0 điều trị tại nhà phản ánh chậm được đáp ứng y tế, thiếu sự quan tâm, chậm được xét nghiệm, phát thuốc, tư vấn chưa đầy đủ.
Tại cuộc giao ban, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải cài đặt phần mềm quản lý bệnh nhân COVID-19 vào smart phone tương tác liên tục để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; giao các bộ phận chuyên môn thường xuyên tương tác để nắm bắt, hướng dẫn kịp thời cho các F0, chủ động kiểm tra không để người dân bức xúc.
Việc quản lý bệnh nhân mắc COVID-19 phải được thực hiện đúng quy trình, có mạng lưới đầy đủ, không được để xảy ra sai sót trong các tình huống.
Để bệnh nhân mắc COVID-19 được tiếp cận kịp thời, chăm sóc y tế đầy đủ, không gây bức xúc, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị phải điều chỉnh lại cách điều hành, phân bổ lại nhân lực, không để quá tải. Các đơn vị phải rà soát, thực hiện ngay các chỉ đạo của thành phố; giao ban thường xuyên để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở…
Nhận định dịch COVID-19 tại Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trung bình tăng hơn 600 ca/ngày so với tuần trước mà nguyên nhân quan trọng là do sự chủ quan của người dân, Phó Chủ tịch UBND Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục kiên định các giải pháp phòng chống dịch mà thành phố đã đặt ra; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch dịp Tết 2022 theo Chỉ thị và nhắc nhở của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt chú ý người từ 50 tuổi trở lên có bệnh nền; cập nhập kịp thời dữ liệu người mắc COVID-19 mới vào phần mềm quản lý của thành phố; rà soát sẵn sàng chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-12 tuổi.
Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, để thực hiện hiệu quả công thức “5K+ vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân" thì ý thức người dân là quan trọng nhất.
Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, hiện nay, Hà Nội cần tập trung quản lý tốt bệnh nhân mắc COVID-19, hạn chế để bệnh nhân chuyển nặng phải chuyển tầng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, quan tâm đến các đối tượng phải tiêm tại nhà và tiếp cận tích cực hơn nữa bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với Trung tâm y tế các quận, huyện và đề nghị các địa bàn như: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai có giải pháp cụ thể như mở thêm nhiều cách tiếp cận: bổ sung thêm số điện thoại, các nhóm zalo để người dân liên hệ dễ dàng hơn…
Sở cũng đề nghị các quận, huyện tăng cường kiểm tra việc kinh doanh các vật tư phòng dịch như bộ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc kháng virus để đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng…