Tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam đã ghi nhận trên 410.000 ca mắc, trên 10.000 ca tử vong (chiếm 2,45%), gần 50% số ca đã được điều trị khỏi, 50% số ca đang điều trị tại 62/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tình hình dịch COVID-19 rất khác nhau ở các tỉnh, thành, với sự gia tăng mạnh mẽ số ca mắc và tử vong, quá tải các bệnh viện và khả năng đáp ứng ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam...
Để đáp ứng tình hình điều trị, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương tháp điều trị 3 tầng, trong đó tầng 1 có 80% là bệnh nhân nhẹ, ít triệu chứng, vì vậy phải hạn chế tối đa, không để bệnh nhân ở tầng 1 lên các tầng 2 và 3.
Bên cạnh đó, việc tổ chức cấp cứu ban đầu có ý nghĩa quan trọng, không để bệnh nhân diễn biến quá nặng và nguy cơ tử vong khi đến bệnh viện. Với việc triển khai các Trạm y tế lưu động như hiện nay, việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc người mắc COVID-19 đang có những chuyển biến tích cực.
Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Y tế đã thiết lập một mô hình hoàn toàn mới, đó là thành lập Trung tâm Hồi sức điều trị COVID-19 trên toàn quốc, cho phép Giám đốc các bệnh viện Trung ương kiêm Giám đốc các Trung tâm hồi sức tích cực tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Theo báo cáo ban đầu, đã có 10 Trung tâm hồi sức tích cực tại các tỉnh phía Nam được thành lập, tiếp nhận trên 6.000 lượt người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch, kịp thời cứu sống và chuyển tầng dưới điều trị tiếp cho trên 2.300 ca bệnh.
Các chuyên gia cũng nhận định, tỷ lệ tử vong đang có chiều hướng giảm, vì vậy cần thực hiện tốt việc tổ chức, quản lý điều hành, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay từ ban đầu.Bộ Y tế đã tiếp nhận vật tư y tế do Tổ chức Y tế thế giới tặng Việt Nam, gồm 36.000 khẩu trang phẫu thuật, 70.000 khẩu trang hô hấp độ lọc cao, 50 bộ hệ thống thở oxy dòng cao qua gọng mũi.
Số trang thiết bị này sẽ được chuyển giao gấp vào Thành phố Hồ Chí Minh để phục vụ chống dịch khẩn cấp cho các tỉnh miền Nam. Việt Nam cũng mong đợi sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO, đặc biệt trong nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị và vaccine.
Chiều 28/8, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm này, ứng viên vaccine Nanocovax (Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen) đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của pha 3 và đã hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho 13.000 người tình nguyện của giai đoạn 3, dự kiến đến ngày 10/9/2021 sẽ hoàn thành các xét nghiệm đánh giá tính sinh miễn dịch sau 42 ngày tiêm vaccine mũi 1 của giai đoạn 3a.
Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện vaccine Nanocovax theo quy định.