Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành mẫu giấy đi đường chung trên toàn địa bàn. Cách hiểu và cách áp dụng tại mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng như tại các chốt kiểm soát không đồng nhất, có nơi rất nguyên tắc, cũng có nơi “sáng tạo” hoặc buông lỏng.
Việc cấp giấy đi đường chặt hay lỏng phụ thuộc vào quan niệm, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Có ý kiến đề xuất giải pháp là mỗi cơ quan, đơn vị cần có bản báo cáo về tổng số cán bộ, nhân viên và lên phương án làm việc ở những vị trí thiết yếu, cấp bách, từ đó lập danh sách đi làm theo ngày, theo ca.
Dựa trên danh sách này, cơ quan, đơn vị sẽ cấp giấy đi đường theo nhiệm vụ được phân công. Danh sách cũng được gửi cho chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất tại các phòng, ban để rà soát đối tượng theo danh sách.
Ngày 7/8, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành văn bản về việc tăng cường kiểm soát người tham gia giao thông trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó, quận này đề xuất phương án cấp bách là giấy đi đường cần có sự xác nhận của chính quyền phường sở tại.
Cách làm của quận Hai Bà Trưng gây nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ phía các doanh nghiệp.
Ngày 8/8, nhằm siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường để phục vụ công tác phòng, chống dịch, UBND thành phố đề nghị:
Giữ nguyên mẫu giấy đi đường do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 29/7, người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân/chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố, người đứng đầu có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, nhân viên, cam kết về việc bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động; phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.