Ùn tắc giao thông tác động lớn tới kinh tế xã hội
Ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) nhận định, dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu cho cho thấy, tác động của ùn tắc giao thông tới phát triển Kinh tế-xã hội rất lớn. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí IQI gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm 2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Về thời gian đi lại của người dân thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm. Ngoài ra, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Giao thông đô thị và nông thôn, nguyên nhân ùn tắc giao thông ở Hà Nội do một số nguyên nhân. Trước hết, Hà Nội đã đi vào ngưỡng siêu đô thị.
Theo dự báo của một số tổ chức uy tín trên thế giới, vào năm 2030 Hà Nội sẽ có trên 10 triệu dân. Mật độ dân số phân bố không đồng đều tập trung quá đông ở nội đô. Vì thế cần giải pháp căn cơ thành lập đô thị vệ tinh, di chuyển các bệnh viện trường học theo đúng tiến độ…
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang không cân xứng. Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu xe máy gần 500 nghìn ô tô, trong đó trên 327 nghìn ô tô con. Giai đoạn 2010-2017, tốc độ phát triển 10% với ô tô và 8% xe máy. Trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%/năm; chiều dài 1,3 %.
Thứ ba, vận tải hành khách công cộng vẫn đang kém phát triển, với tỷ lệ đáp ứng khoảng 8-9%. Tuy nhiên, cơ hội phát triển phương tiện này rất khó khăn, chất lượng dịch vụ không đạt như kỳ vọng, khó thu hút được người dân tham gia.
Thứ tư, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông so với quy chuẩn mới đạt 8,65% trên tổng diện tích đất dành cho đô thị trong khi theo quy chuẩn phải đạt từ hơn 16-26%...
Đặt mục tiêu xóa ùn tắc vào năm 2030
Về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn cũng như giải pháp, mục tiêu trong thời gian tới, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, Hà Nội đã có quy hoạch cụ thể phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2010-2020.
Thời gian qua, thành phố đã triển khai rất nhiều dự án giao thông, đồng thời cũng đã và đang triển khai các dự án đường vành đai 1, 2, 3 cả trên cao và dưới thấp, đầu tư xây dựng các tuyến đường xuyên tâm để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô, kéo giảm ùn tắc và TNGT.
Bên cạnh giải pháp hạ tầng thì theo lãnh đạo Sở GTVT, Hà Nội đã và đang triển khai thêm một số giải pháp như, tính toán tổng thể lại vận tải hành khách công cộng, tăng cường phương tiện và chất lượng vận tải công cộng để thu hút người tham gia giao thông; rà soát, bổ sung, điều chỉnh tổ chức giao thông lại những vị trí, đoạn đường thường xuyên ùn tắc; tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
“Chúng tôi xác định cần chú trọng phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông và vận tải khách công cộng; dồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Đó là những giải pháp trọng tâm nhất để kéo giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô”- ông Tuấn nhận định.
Sở GTVT cũng được giao xây dựng Đề án từ năm 2017 đến năm 2020, tầm nhìn 2030 về việc giảm ùn tắc giao thông. Đề án được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp vào tháng 7-2017 tại Nghị quyết 04.
Việc triển khai Nghị quyết này phù hợp với các nội dung, chương trình của thành phố đưa ra nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển cơ sở hạ tầng. Mục tiêu và chủ trương của thành phố là đến năm 2030 phải xây dựng được thành phố văn minh, hiện đại, không còn ùn tắc giao thông.