Hạn hán là “bài toán” căng thẳng nhất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hơn 70% dân số Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai liên quan đến nước. Những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu khiến cho vấn đề về an ninh nguồn nước trở nên phức tạp hơn. Đó là chia sẻ của PGS.TS Hoàng Thái Đại, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường.
Tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Thái Đại xoay quanh vấn đề an ninh nguồn nước, về thực trạng hạn hạn diễn ra khá phổ biến hiện nay.

An ninh nguồn nước quyết định an ninh quốc gia

Thưa PGS.TS Hoàng Thái Đại, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia?

- Theo số liệu thống kê từ Liên minh Tài nguyên Nước (WRG), hiện nay tại Việt Nam 81% nước được dùng cho nông nghiệp, 11% cho nuôi trồng thuỷ sản, 5% cho công nghiệp và 3% sử dụng tại đô thị. Như vậy có thể thấy, nước đóng vai trò hết sức quan trọng ở hầu hết các lĩnh vực, mỗi một vấn đề liên quan đến nước đều có tác động rất lớn đến đời sống xã hội.

Thế nhưng, trong nhiều vấn đề liên quan đến ngành nước, an ninh nguồn nước hiện được xem là ưu tiên số một, là vấn đề mang tính sống còn cho an ninh quốc gia. Nói như vậy hoàn toàn không quá, bởi an ninh nguồn nước sẽ quyết định đến an ninh lương thực, an ninh môi trường - những nội dung gắn liền với an ninh quốc gia.

Hơn thế, đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam theo đuổi đến năm 2030, trong đó mục tiêu số 06 hướng đến đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người.

Có ba yếu tố cấu thành nên sự phát triển bền vững, bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường. Nếu không có nước, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ bị đình đốn, tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá sẽ gặp rất nhiều cản trở, kéo theo đó nền kinh tế cũng sẽ chậm phát triển. Nếu không có nước phục vụ dân sinh, vấn đề an sinh xã hội sẽ bị đảo lộn, và nếu như nguồn nước bị ô nhiễm, chúng ta cũng sẽ không thể đảm bảo được một môi trường chất lượng. Nói như vậy để thấy được rằng, nước chính là thành tố đầu vào quyết định cho mọi hoạt động ở cả ba trụ cột trên. Vì vậy, để đạt được sự phát triển một cách bền vững, trước tiên chúng ta cần đảm bảo được an ninh nguồn nước quốc gia một cách bền vững.

Hạn hán là “bài toán” căng thẳng nhất ảnh 1

Hệ thống kênh dẫn nước thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (Hà Tĩnh).

Theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nào trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước?

- Mặc dù là quốc gia ven biển, có hơn 3.400 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, thế nhưng chỉ có khoảng 37% nguồn nước mặt tại Việt Nam hình thành trong nội địa, còn lại 63% là ngoại sinh, được tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Tình trạng phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài đặt ra những hệ luỵ rất khó lường như thiếu chủ động trong quản lý nguồn nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, cũng như nhiều những vấn đề khác liên quan đến an ninh nước.

Bên cạnh đó, việc các quốc gia ở thượng nguồn sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tại nước ta. Dòng chảy của hầu hết các con sông như sông Mekong, sông Salween, sông Đồng Nai hiện đều đã bị biến đổi, gây ra những tác động mạnh mẽ đến lưu lượng và chu kỳ nước chảy về Việt Nam.

Vấn đề an ninh nguồn nước tại Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với một thách thức lớn mang tên biến đổi khí hậu. Đây là một vấn đề toàn cầu, không riêng gì của nước ta, thế nhưng, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam lại là một trong 6 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Trên thực tế, hơn 70% dân số nước ta có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai liên quan đến nước. Chính vì vậy, những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu cũng là một trở ngại lớn, khiến cho vấn đề về an ninh nguồn nước ở Việt Nam trở nên phức tạp hơn.

Hạn hán là “bài toán” căng thẳng nhất ảnh 2

PGS.TS Hoàng Thái Đại.

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể giải quyết được bài toán về an ninh nguồn nước khi nhận định đúng được vấn đề cần tháo gỡ. Vậy câu hỏi đặt ra là giữa hai thách thức trên, đâu là vấn đề nghiêm trọng hơn?

- Một bộ phận có lẽ tin rằng biến đổi khí hậu chính là trở ngại lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Thế nhưng cần nhớ rằng, xét về bản chất, biến đổi khí hậu chính là hệ quả từ những việc làm, hành động của con người đến môi trường tự nhiên. Đa số các nhà khoa học, chuyên gia, học giả đều nghiêng về nhận định cho rằng dòng chảy từ thượng nguồn mới chính là bài toán lớn cho việc đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam

Hạn hán là “bài toán” căng thẳng nhất ảnh 3

Lưu vực sông Đồng Nai.

Suy thoái nguồn nước ngày càng trầm trọng

Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng an ninh nguồn nước tại Việt Nam hiện nay?

- Dù xác định đảm bảo an ninh nguồn nước là một nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, song việc triển khai trên thực tế của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Theo đánh giá của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) trong các năm 2013, 2016 và 2020, an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam chỉ đạt mức bảo đảm 2/5, vẫn còn ở ngưỡng khá thấp, trong khi đó, con số này ở Indonesia là 3/5, còn ở Hàn Quốc và Australia là 4/5.

Xét về chất lượng nước, cả nước mặt và nước ngầm, cũng như hệ thống thuỷ lợi trên toàn quốc đều đã có dấu hiệu bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, và đời sống sinh hoạt của người dân. Chưa kể đến, ở nhiều đô thị lớn, tình trạng khai thác vượt mức nguồn nước dưới đất cũng khiến cho mực nước ngầm bị suy giảm liên tục và chưa có biểu hiện phục hồi.

Vấn đề suy thoái nguồn nước diễn ra ngày càng trầm trọng tại một số đoạn sông trên lưu vực sông Cầu (sông Ngũ Huyện Khê), sông Nhuệ - Đáy, sông Hồng (hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải), sông Vu Gia - Thu Bồn,... Những năm gần đây, mức độ hạ thấp lòng dẫn sông Hồng đã đạt ngưỡng cảnh báo, có nơi từ 4-6m (tại Sơn Tây) khiến nhiều công trình lấy nước của Hà Nội không thể vận hành. Trước đây, cần duy trì dòng chảy về hạ du khoảng 1.200m3/s - 1.500m3/s, thế nhưng giờ đây, phải duy trì lưu lượng khoảng trên 3.000m3/s mới đủ đầu nước để lấy vào các hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước.

Bên cạnh đó, do phụ thuộc vào nguồn nước từ các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ, Việt Nam vẫn ở vào tình thế bị động trong công tác giữ nước, quản lý nước, phân phối và điều tiết nước. Nguồn nước nội sinh của chúng ta hiện chỉ đạt khoảng 4.200m3/người/năm, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là 4.900m3/người/năm. Trong khi đó, nguồn nước sản sinh từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mekong đã chiếm đến 90,1% và sông Hồng chiếm 38,5% tổng lượng nước chảy trên các con sông này.

Bởi vậy, trong rất nhiều vấn đề cấp bách hiện nay, hạn hán, thiếu nước có lẽ đang được xem là câu chuyện căng thẳng nhất, khi mà lượng nước từ thượng nguồn chảy về ngày càng hạn chế và rất thất thường.

Đơn cử như tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời cũng nguồn cung cấp trái cây, thủy sản, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực. Hiện đồng bằng này có gần 2 triệu ha đất phèn, cần sử dụng nước để ém phèn, chống xâm nhập mặn. Nếu không có nước, không loại cây hay hạt giống nào có thể sống được ở đất này, và khi đó Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ là đồng bằng “chết”.

Kết quả nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế đã chỉ rõ, khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành ở các quốc gia phía trên thượng nguồn, Việt Nam sẽ phải chịu nhiều bất lợi kéo theo. Đến năm 2040, cơ quan này dự báo lượng phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ sụt giảm 97%.

Hạn hán là “bài toán” căng thẳng nhất ảnh 4

Tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước tình hình trên, đâu là những giải pháp hiệu quả để Việt Nam sớm đảm bảo được an ninh nguồn nước một cách bền vững, thưa ông?

- Khi tính đến các giải pháp, ưu tiên hàng đầu bao giờ cũng cần tập trung nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản về tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đập, hồ chứa nước. Đây sẽ là bước đi tiền đề nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đặc biệt này.

Ngoài ra, cần bổ sung các cơ chế, chính sách, kế hoạch, quy hoạch về tài nguyên nước, đồng thời tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp nhằm sớm đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc trữ nước như thế nào, bảo vệ rừng đầu nguồn, tạo nguồn sinh thủy ra sao phải được nghiên cứu cụ thể, tất cả các ngành, bộ phận trong xã hội cần có sự đồng tâm hiệp lực triển khai.

Tuy nhiên, không chỉ chú trọng đến việc bảo đảm, dự trữ nguồn nước và cải thiện chất lượng nguồn nước, mà chúng ta cũng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác quản lý phía trên. Đây là một giải pháp vô cùng quan trọng trong bức tranh tổng thế, khi mà quản lý nhà nước về ngành nước hiện vẫn còn chồng chéo giữa các bộ ngành và chưa được quy về một mối.

Bên cạnh đó, là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn nước ngoại sinh, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia láng giềng và trong khu vực nhằm đảm bảo được an ninh nguồn nước nội địa. Trong đó, chúng ta cần đặc biệt thúc đẩy hợp tác với các quốc gia nằm ở thượng nguồn các con sông gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Xin cảm ơn ông!

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).