Bài điếu Bác Hồ viết cho người chiến sĩ cách mạng hi sinh khi vượt ngục
Tại cuộc trưng bày “Khát vọng tự do” đang được tổ chức tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), công chúng được đọc lại những vần thơ xúc động Bác Hồ đã viết cho chiến sĩ cách mạng Quý Quân, người bị kẻ thù giết hại khi tổ chức vượt ngục tại nhà tù Sơn La năm 1940.
Hình ảnh các chiến sỹ bị giam cầm được tái hiện trong trưng bày “Khát vọng tự do” |
Đồng chí Quý Quân tên thật là Đàm Văn Lý (1915 - 1940), quê ở xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Ông từng là Châu ủy viên Châu Hà Quảng (1936 - 1938), Phó bí thư Châu ủy Hà Quảng (1939 - 1940), có nhiều đóng góp trong phong trào cách mạng của tỉnh Cao Bằng và đất nước.
Đầu năm 1940, do hoạt động ráo riết của mật thám, ông Quý Quân bị thực dân Pháp bắt, giam và đày đi nhà tù Sơn La. Năm 1942, ông đã tổ chức vượt ngục nhưng bị bắt lại, bị chặt đầu bêu trước cổng nhà tù Sơn La ba ngày để uy hiếp tinh thần tù nhân.
Cảm phục trước tấm gương chiến đấu dũng cảm và sự hi sinh anh dũng của chiến sĩ cách mạng Quý Quân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết bài Điếu đồng chí Quý Quân đăng trên báo Việt Nam Độc Lập, số 116 ngày 21/1/1942:
Vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất, người tù có thể bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc; làm mồi cho thú dữ hay bị nhấn chìm giữa mênh mông biển cả. Nhưng những khó khăn đó chẳng thể ngăn nổi những trái tim khát khao tìm đến tự do. Trong chốn “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam tù binh Phú Quốc, kẻ thù cho thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Không hề nao núng, buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng vẫn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo, như những cánh chim khao khát tự do, bay đến vùng ánh sáng cách mạng. Câu chuyện về đồng chí Quý Quân là một trong nhiều câu chuyện cảm động về những chiến sĩ cách mạng không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, khao khát trở về với cách mạng, với nhân dân và quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục đầy táo bạo và quả cảm.
Ký ức của người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại trại giam tù binh Phú Quốc
Ông Nguyễn Hà Long là người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, trại giam tù binh Phú Quốc đêm 19/1/1969. Với ông, những tháng ngày gian khổ mà thiêng liêng ấy mãi không thể nào quên.
Tháng 11/1967, gần 40.000 tù binh bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. “Tại đây, chúng tôi cũng kỷ niệm ngày thành lập Đảng, tự nhiên và thật tự hào. Gần một năm sau, tháng 8/1968, sau nhiều vụ vượt ngục “lành ít, dữ nhiều”, mọi người nhất trí cùng nhau tổ chức cuộc vượt ngục bài bản. Đồng chí Nguyễn Trọng Dư vốn có nghề cơ khí, được giao nhiệm vụ làm xẻng đào sâu vào lòng đất để vượt ngục. Từ cà mèn, ca uống nước, anh làm ra những chiếc xẻng bé xíu. Từ dây thép gai, anh đem về nắn thẳng, đan thành nắp hầm. Đêm đêm, anh em chia nhau, người chui xuống đào, người đứng canh kẻo địch phát hiện, những đường hầm ngày càng vươn ra, như những cánh tay đang vươn tới tự do. Cách đào hầm cũng phải tổ chức, phân công kỹ lưỡng: Cứ 3 người 1 ca, người thứ nhất đào, người thứ hai chuyển đất vào túi làm bằng ống quần xé ra, người thứ ba dùng dây kéo ra ngoài. Cứ 15 – 20m, chúng tôi đào thêm một hàm ếch rộng làm nơi trung chuyển đất và để chỗ cho người ngồi kéo. Đường hầm dài 120m, số đất mang lên khoảng 20m3. Mở màn vào ngày 2/9/1968, sau hơn 150 ngày, đến đêm 19/1/1969 thì chúng tôi đào hầm thành công (đường hầm nhà tù Phú Quốc ngày nay), đã được tính toán kỹ lưỡng, không để xảy ra ngạt khí. Tôi trườn ra khỏi đường hầm thành công cũng là lúc địch hò hét vì đã phát hiện ra. Trời khi ấy vừa hửng sáng, có 21 người lên khỏi hầm trọn vẹn”, ông Nguyễn Hà Long nhớ lại.
Một trong những Pano tại trưng bày “Khát vọng tự do” |
Được tự do, Nguyễn Hà Long cùng các đồng đội thành lập Đơn vị Biệt động Phú Quốc trừ gian, đánh địch. Tháng 9/1969, nghe tin Bác mất, họ cồn cào ruột gan vì tiếc nhớ. Anh em quyết đánh địch lập công dâng Bác. Đêm 14/9/1969, trung đội tổ chức 2 mũi đánh trận cao điểm 176, chỉ trong 10 phút đã làm chủ trận địa. Tháng 12/1971, đánh quận Dương Đông. Địch bị tiêu diệt chỉ sau 15 phút, tạo nên một làn sóng tin tưởng trong quân và dân Phú Quốc.
Tháng 7/1972, ông Nguyễn Hà Long được Bộ Chỉ huy miền Nam điều về đoàn 182, Bộ Chỉ huy miền. Trước đó, năm 1971, mẹ ông đã nhận được giấy báo tử của con trai mình. Ngày ông trở về quê nhà, bà con làng xóm không dám tin, họ kéo đến rất đông để được thấy ông “bằng da bằng thịt”. “Ngày đất nước toàn thắng, tôi đứng ở quê mình và khóc. Bao nỗi nhớ anh em, những ngày khổ cực, gian lao dội về. Máu xương của đồng đội tôi đã trở thành bất tử!”.
Các cuộc vượt ngục của những người con ưu tú yêu nước năm xưa được chuyển tải sinh động qua trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” do Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, đang được tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).