Sau đó, Adams biết được rằng những bong bóng đó là do dầu rò rỉ từ thùng nhiên liệu bị ăn mòn của những con tàu bị chìm tại vùng biển này từ hồi Thế chiến II.
Nằm dưới đáy biển Thái Bình Dương là các tàu chở dầu, máy bay chiến đấu, tàu chiến của Nhật Bản và các cường quốc đồng minh đã chìm trong trận chiến ác liệt cách đây 80 năm.
Các chuyên gia ước tính có hơn 3.000 tàu bị đắm nằm rải rác trên Thái Bình Dương, trong đó có khoảng 1.000 tàu ở vùng biển Melanesian và Micronesian, gần các quốc đảo như Quần đảo Solomon, Papua New Guinea, Palau và Liên bang Micronesia.
Vấn đề này đã được nhấn mạnh tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 10 (PALM10) được tổ chức vào tuần trước tại Tokyo.
Kế hoạch hành động chung được công bố hôm thứ Năm, trong đó tuyên bố rằng Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề "rò rỉ dầu từ các tàu Nhật Bản bị đắm" như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy quan hệ hướng tới tương lai.
Phá Chuuk ở Liên bang Micronesia, nơi Paul Adams lặn, thường được coi là nghĩa địa tàu lớn nhất thế giới. Là căn cứ chính của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh, nơi đây đã bị lực lượng Mỹ nhắm tới và đánh chìm hàng trăm tàu chiến, tàu buôn và máy bay Nhật Bản trong 3 ngày vào năm 1944.
Xa hơn về phía nam, đảo Guadalcanal thuộc Quần đảo Solomon cũng chứng kiến cuộc giao tranh gay gắt giữa quân đội Nhật và Mỹ. Hàng trăm tàu thuyền và máy bay của Nhật Bản cùng quân đồng minh đã đến nằm mãi dưới đáy biển gần Guadalcanal.
Quá trình phân hủy qua nhiều năm đã khiến một số thùng nhiên liệu và thân tàu bị vỡ, làm tràn hàng nghìn tấn dầu và nhiên liệu ra biển. Điều này đặt ra mối đe dọa môi trường đáng kể và có khả năng tàn phá sinh kế của cộng đồng đảo Thái Bình Dương, vốn phụ thuộc nhiều vào đánh bắt cá và du lịch.
Dầu thoát ra từ những thân tàu này có thể giết chết các rạn san hô và làm ngạt thở rừng ngập mặn, gây cạn kiệt nơi sinh sản và nguyên liệu cho cá.
Ông Mark Brown, chủ tịch Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, tổ chức liên chính phủ chính của khu vực, cho biết: “Những quốc gia sơ hữu xác tàu có trách nhiệm hỗ trợ dọn dẹp trước khi chúng gây ra bất kỳ thảm họa sinh thái nào".
Thủ tướng Papua New Guinea James Marape cho rằng các quốc gia chịu trách nhiệm về "tàn tích của Thế chiến II" này có "nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ hỗ trợ việc dọn dẹp".
Ông Paul Adams, hiện là giám đốc của Quỹ Dự án lớn có trụ sở tại Australia, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên xác định và dọn dẹp xác tàu trên khắp Thái Bình Dương, mô tả đây là "vấn đề lớn nhất mà chưa ai từng nghe đến". Tổ chức này làm việc với một nhóm kỹ sư dưới biển, nhà khảo cổ học biển, nhà sử học và chuyên gia xử lý sinh học.
Dựa trên hồ sơ lịch sử về tình trạng của các con tàu và lời kể của các nhân chứng, nhóm của Adams ước tính hiện có khoảng 60 xác tàu dưới lòng Thái Bình Dương cần được quan tâm khẩn cấp.
Điều khiến những xác tàu này trở nên đặc biệt nguy hiểm là do chúng ở gần cộng đồng địa phương và tình trạng thùng nhiên liệu tồi tàn, làm ảnh hưởng đến khả năng chứa dầu của chúng.
Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu gây ra làm trầm trọng thêm nguy cơ rò rỉ dầu từ xác tàu.
Ông Adams cho biết: “Mỗi khi một hiện tượng thời tiết đi qua những nơi này, các xác tàu đều bị xáo trộn”. Thủy triều dâng làm tăng tốc độ ăn mòn của tàu bị chìm, làm mỏng các tấm thân tàu và cuối cùng làm thủng thép.
Adams cho biết ông "dự đoán sẽ có khá nhiều vụ tràn dầu vừa và nhỏ trong những năm tới", nhưng do mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các quốc đảo Thái Bình Dương không đủ khả năng tài chính để xử lý. Các quốc gia như Quần đảo Solomon thiếu nguồn lực, nhân lực, bí quyết và thiết bị để tiến hành nghiên cứu thực địa và loại bỏ rủi ro.
Một vụ tràn dầu lớn tiêu tốn hàng chục triệu đô la để khắc phục, trong khi chi phí thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ chỉ bằng khoảng 1/10 số tiền đó.
Cơ quan Hành động Bom mìn Nhật Bản, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo chuyên rà phá bom mìn và xử lý vật liệu chưa nổ, đã cử các thợ lặn tình nguyện đến phá Chuuk để làm sạch dầu rò rỉ từ các tàu xuống cấp của Nhật Bản. Nó cũng hỗ trợ sửa chữa các đường ống bị rò rỉ dầu từ tàu chở dầu Amatsu Maru của Nhật Bản bị chìm ở vùng biển Palau.
“Chúng tôi đánh giá cao điều đó và chúng tôi muốn điều đó tiếp tục”, Tổng thống quốc đảo Palau Surangel Whipps Jr. cho biết. “Tôi chắc chắn còn rất nhiều xác tàu ngoài kia mà chúng ta không biết".