1. Theo văn bản kiến nghị mà ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Ban chấp hành VBA ký ngày 27/2 để trình lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan, thì ngay từ đầu năm 2020, ngành này bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100 nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Trích dẫn những báo cáo và cho thấy ngành bia rượu sẽ giảm 10 - 20% sản lượng tiêu thụ trong năm 2020, cùng với khẳng định ngành này đóng góp cho ngân sách 60.000 tỉ đồng mỗi năm, VBA dự báo năm nay, với việc giảm sản lượng tiêu thụ sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng.
Đọc kỹ bản kiến nghị của VBA rất nhiều lần, tôi vẫn không hiểu sao VBA đưa ra dự báo giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng, tức là giảm 50%, trong khi sản lượng tiêu thụ chỉ giảm khoảng 10 - 20% trong năm 2020? Vì theo logic thông thường, nguồn thu sẽ tăng - giảm theo sản lượng tiêu thụ, số tiền nộp thuế cũng vì thế mà đồng bộ theo. Hay VBA áp dụng nguyên lí tính toán nào khác?
2. Đọc kỹ bản kiến nghị của VBA thêm nhiều lần nữa, mới thấy rằng hiệp hội này lo cho sự khó khăn của bia và rượu nhiều hơn là nước giải khát. Chính vì vậy mà VBA “kể khổ” thay cho doanh nghiệp bia rượu kể từ ngày có Nghị định 100, mà quên mất rằng từ ngày có Nghị định 100, TNGT đã giảm mạnh cả số vụ lẫn người chết.
Nhiều năm qua, bia rượu được xem là tác nhân lớn dẫn đến các vụ TNGT, chiếm luôn phần lớn trường hợp nghiêm trọng. Năm ngoái, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết Việt Nam có khoảng 8.248 người chết vì TNGT. Còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự tính TNGT gây thiệt hại 2,5% GDP mỗi năm cho Việt Nam.
Theo WHO, 2,5% GDP này tương ứng với 300 - 500 tỉ đồng mỗi ngày. Lấy mức thấp nhất là 300 tỉ đồng, thì mỗi tháng sẽ là 9.000 tỉ đồng, vị chi cả năm tối thiểu sẽ thiệt hại là 109.500 tỉ đồng vì TNGT. Tức thiệt hại gấp tối thiểu 3,6 lần, so với con số 30.000 tỉ đồng mà VBA lo ngại ngành này sẽ giảm đóng cho ngân sách nhà nước.
3. Trong 4 đề nghị Chính phủ gỡ khó cho ngành này, VBA có 1 đề nghị đi ngược lại so với thế giới, thậm chí là khu vực Đông Nam Á, đó là “giảm một số loại thuế, phí”. Trong khi nhiều quốc gia khác mức thuế đang dao động từ 40 - 85%. WHO chỉ ra rằng thuế đối với bia rượu ở Việt Nam còn khá thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ. Và đó là nguyên do chính làm cho mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam nằm trong Top 5 thế giới, tất nhiên, là tỉ lệ thuận với một loạt hệ lụy.
Chưa hết, trong lúc Chính phủ đang phải gồng mình và nỗ lực chống dịch Covid-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng, thì VBA lại đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ngành bia rượu.
Tôi tin Chính phủ không bao giờ bỏ rơi các doanh nghiệp trong bất kỳ lĩnh vực nào. Nhưng đây là lúc cần chung tay chống dịch Covid-19, nên không thể nào vì chăm chuốt riêng cho bộ lông của ngành bia rượu, mà VBA đưa ra những đề nghị đó. Cung cấp sản phẩm phục vụ nhu cầu say sưa, phải chăng VBA cũng đã tự “say” với những tính toán của mình?
Thật sự vô cảm!