Hòa bình - điểm tựa bảo tồn di sản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Thị trấn Mrauk U nằm ở phía bắc bang Rakhine của Myanmar từng được mệnh danh là “thành phố vàng” vang tiếng đến tận châu Âu. Dấu ấn của thời gian cùng với xung đột khu vực đang biến Mrauk U trở thành “thành phố ma” hay “thành phố bị lãng quên”. Hành trình nhọc nhằn của Myanmar đưa di sản này có tên trong Danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO cũng đang bị đe dọa bởi xung đột và bất ổn khu vực.
Hòa bình - điểm tựa bảo tồn di sản

Thành phố bị lãng quên

Từng là thủ đô của đế chế Arakan hùng mạnh, sự nổi tiểng của Mrauk U lan truyền tới tận châu Âu và trở một thành phố phương Đông tráng lệ dưới mắt nhìn của người phương Tây. Khi thành phố Mrauk U phát triển, nhà vua cùng những cư dân giàu có đã xây dựng nhiều ngôi đền và chùa đạo Phật. Đến thế kỷ thứ 18, nơi đây đã trở thành một trong những địa điểm giao thương sầm uất nhất về các mặt hàng như gạo, ngà voi, nhựa cây, ngựa, gia vị, vải vóc. Các thương gia hầu hết đến từ Ấn Độ, Ba Tư và cả Ả Rập.

Tuy nhiên, trải qua nhiều năm biến cố lịch sử, giờ đây Mrauk U không còn sự sầm uất của một thủ phủ như trước đây. Thế nhưng từng con người, ngôi đền, bức tường, viên gạch tại Mrauk U vẫn quyến rũ du khách một cách kỳ lạ. Theo những dữ liệu cổ, thành phố Mrauk U có khoảng 6.342 ngôi đền lớn nhỏ khác nhau, nhưng do điều kiện thời tiết nên hầu hết các ngồi đền đã hư hỏng nặng và biến mất. Những gì còn sót lại của thành phố là những công trình được làm từ gạch đá.

Một số chuyên gia tin rằng Mrauk U là biểu tượng của thành tựu nghệ thuật và kiến trúc, chỉ đứng sau Bagan (kinh đô cổ của Myanmar nằm dọc theo dòng sông Irrawaddy) nơi đang có nhiều đền, chùa, bảo tháp dày đặc nhất thế giới. Không còn là thủ phủ hùng mạnh như trước đây, Mrauk U vẫn giữ được cho mình một nét đẹp tự nhiên đơn sơ nhưng hùng vĩ.

Hòa bình - điểm tựa bảo tồn di sản ảnh 1

Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan cho rằng, Mrauk U như một tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất bề dày lịch sử và văn hóa của bang Rakhine. Với tham vọng soán ngôi các kỳ quan thế giới, ông Kofi Annan đề xuất Chính phủ Myanmar nên “tiếp tục hợp tác với UNESCO và các đối tác quốc tế khác để đảm bảo Mrauk U đủ điều kiện là Di sản Thế giới”. Việc có tên trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO (như được trao cho Bagan gần đây) sẽ mang lại cho Mrauk U sự công nhận và tầm nhìn quốc tế, từ đó giúp tăng cường phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Tiến trình Myanmar đề cử Mrauk U lên phía UNESCO để trở thành di sản thiên nhiên thế giới đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế.

Du lịch Myanmar cần hòa bình

Với tham vọng đưa thành phố bị lãng quên này trở lại thời hoàng kim nhưng xung đột kéo dài nhiều năm qua trong khu vực đang có nguy cơ phá hoại các di tích, cũng như ảnh hưởng đến tiến trình trở thành di sản văn hóa thế giới. Không chỉ cư dân của Mrauk-U, mà cả các nhà khảo cổ học cũng lo ngại về tác động của các cuộc giao tranh diễn ra trong thị trấn cổ. Các cuộc giao tranh giữa lực lượng quân đội Myanmar và nhóm vũ trang địa phương đã làm hư hại một số tòa nhà di sản khảo cổ của thị trấn. Hơn một nghìn ngôi chùa, đền thờ và bảo tháp vốn đã bị bào mòn theo thời gian cũng bị tác động của đạn pháo. Nhiều ngôi đền cổ có những vết nứt không thể đứng vững trước các rung chấn của đạn pháo.

Hòa bình - điểm tựa bảo tồn di sản ảnh 2

Khin Than, chủ tịch Nhóm Mrauk U Heritage Trust cho biết: “Thiệt hại do giao tranh bên trong các khu vực di sản khảo cổ là không thể khắc phục được. Tôi lo ngại rằng những kho báu khảo cổ này sẽ không thể tồn tại nếu bị nã pháo hay ném bom. Người dân địa phương sống bên trong khu khảo cổ cũng muốn hòa bình và ổn định. Không ai muốn chiến tranh”.

Không chỉ ngăn trở hành trình đưa di sản Mrauk U ra thế giới, xung đột cũng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân địa phương. Mrauk U là một địa điểm du lịch đẹp thu hút khách du lịch quốc tế đến với thị trấn. Đền chùa ở đây được xây bằng gạch đá, không giống như các ngôi đền xây bằng gạch bùn và đất sét ở Bagan. Với những gì Mrauk U đang sở hữu và thể hiện, không có lý do gì để “thành phố bị quên lãng” này không thể soán ngôi các kỳ quan thế giới khác trong khu vực. Tuy nhiên ngành du lịch thực tế không mang lại nguồn lợi lớn cho người dân địa phương. Mỗi năm, Mrauk U chỉ đón khoảng 4.000 khách du lịch. Trong khi đó, những ngôi đền ở Bagan, thành phố “hàng xóm” của Mrauk U lại thu hút gấp 70 lần con số đó.

Các nhà khảo cổ đều thừa nhận tình hình an ninh đã ảnh hưởng mạnh đến du lịch cho Mrauk U, tác động nghiêm trọng đến sinh kế của người dân Mrauk U và các vùng lân cận. Các quốc gia phương Tây cũng nhiều lần đưa ra các khuyến cáo đi lại đối với người dân tới khu vực do lo ngại vấn đề an ninh.

Trước nguy cơ di sản quý giá này sẽ bị phá hủy trong do xung đột khu vực, người dân địa phương và nghị sĩ Quốc hội Myanmar đã đề xuất, yêu cầu đưa Mrauk U trở thành khu vực không xung đột. Theo đó các bên ngừng giao tranh, bắn phá trong khu vực, tránh hư hại đến các di sản, tạo điều kiện cho các hoạt động khảo sát của chuyên gia cũng như đẩy nhanh tiến trình đưa thành phố vào danh sách Di sản thế giới.

Thực tế không chỉ tại Mrauk U, là một quốc gia có nhiều di sản đẹp với thiên nhiên hoang sơ, sự đa dạng về văn hóa và dân tộc phong phú, nhưng du lịch Myanmar cũng bị ảnh hưởng nhiều do vấn đề an ninh và xung đột sắc tộc kéo dài. Du lịch là một công cụ tiềm năng để nhiều nước phát triển kinh doanh tài sản tự nhiên và văn hóa để tạo ra việc làm, thu nhập cao hơn và tăng trưởng. Nhưng để thu hút khách du lịch quốc tế, các quốc gia cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và khách sạn, lực lượng lao động được đào tạo trong ngành và hệ sinh thái các dịch vụ hỗ trợ. Và đặc biệt an ninh là vấn đề nhiều du khách quốc tế đặt lên hàng đầu.

Hiệp hội Du lịch Myanmar nhận định, sự phát triển của ngành du lịch quốc gia phụ thuộc nhiều vào diễn biến hòa bình trong nước. Riêng xung đột Rakhine năm 2017 đã khiến số lượt khách phương Tây giảm 40% trong năm 2018. Ngành du lịch nước này cũng đã giảm lợi nhuận đến 80% trong năm qua do COVID-19. Trong bối cảnh thế giới đang dần mở cửa trở lại, nhưng triển vọng du lịch của quốc gia Đông Nam Á này cũng không mấy sáng sủa. Những diễn biến chính trị tại Myanmar từ đầu năm đến nay khiến nhiều quốc gia đưa ra các khuyến cáo đi lại do lo ngại an ninh.

Hòa bình - điểm tựa bảo tồn di sản ảnh 3

Di sản văn hóa- nạn nhân của chiến tranh

Không chỉ tại Myanmar, vấn đề di sản bị đe dọa trong xung đột hay chiến tranh cũng diễn ra nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các vùng chiến sự. Thời gian qua, xung đột vũ trang ở Iraq và Syria, Yemen đe dọa các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Không chỉ bị hư hại, nhiều di sản còn đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Mới nhất, thành cổ Palmyra (Syria) - nơi được coi là thủ đô của Đế chế Palmyrene và là một trong những thành phố giàu có nhất của Đế chế La Mã đã bị tàn phá nghiêm trọng.

Kể từ khi xung đột bùng phát tại Syria năm 2011, Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc (UNITAR) cho biết, trong số 18 khu di sản văn hóa, có tới 6 di sản đã được UNESCO công nhận bị phá hủy hoàn toàn. Đó là thành phố cổ Aleppo, Bosra và Damascus, pháo đài Crac des Chevaliers, khu di tích Palmyra, Làng Cổ đại (The Dead Cities). Không chỉ ở Syria, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) còn cho nổ tung hàng loạt đền thờ và thánh đường tôn giáo ở Iraq, cướp cổ vật để gia tăng nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động của mình.

Để bảo vệ các di sản đang kêu cứu, UNESCO đã nhiều lần kêu gọi quốc tế hành động cứu các di sản. UNESCO ra tuyên bố khẳng định phá hủy các công trình văn hóa là tội ác chiến tranh, kêu gọi tất cả các lực lượng hãy kiềm chế mọi hình thức phá hủy di sản văn hóa, đặc biệt là các di chỉ tôn giáo.

UNESCO cũng tổ chức các cuộc họp khẩn với sự tham gia của đại diện Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa, Hội đồng Bảo tàng quốc tế, Hội đồng quốc tế về di sản, Hiệp hội Thư viện quốc tế và các chuyên gia về di sản nhằm tìm giải pháp bảo vệ di sản đang bị tàn phá bởi chiến tranh.

Hòa bình - điểm tựa bảo tồn di sản ảnh 4

Song song đó, Liên hợp quốc cũng phối hợp với Cảnh sát hình sự quốc tế- Interpol, các cơ quan hải quan, giới chức trách địa phương, các bảo tàng, nhà đấu giá ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật- một trong những nguyên nhân tác động đến việc phá hoại các di sản. Trước mắt, kiểm soát và đưa ra án phạt nặng là giải pháp hữu hiệu góp phần gìn giữ, bảo vệ di sản. Không những thế, các quốc gia cũng phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự phá hoại di sản. UNESCO cho biết sẽ tiếp tục huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ di sản, đồng thời sẽ đấu tranh đến cùng đối với việc chống buôn lậu tài sản văn hóa. UNESCO cũng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các nước đối tác đang có biến động chính trị bảo vệ các di sản văn hóa.

Sự vào cuộc mạnh mẽ của UNESCO hay cộng đồng quốc tế sẽ giúp bảo vệ các di sản thiên nhiên đang kêu cứu trước bóng ma chiến tranh hay xung đột. Tuy nhiên điều mong mỏi và quan trọng hơn cả đối với các nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản vẫn là hòa bình. Đảm bảo hòa bình và xây dựng sinh kế bền vững thông qua du lịch mới có thể bảo vệ và phát triển được di sản, mang lại cho người dân địa phương cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.