Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt'

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 1
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết, song nội dung nào được đưa vào giáo dục và giáo dục như thế nào để mang lại hiệu quả vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.

_________________

Mùa hè đúng ra là dịp trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích sau một năm học vất vả, bận rộn. Nhưng thực tế, không mấy gia đình bằng lòng với việc để con em mình rong chơi tự do suốt hè, họ luôn có nhiều lý do để ngụy biện cho việc các con phải đến trung tâm, lớp học kỹ năng. Ở thành phố, đại đa số bố mẹ vẫn phải đến công sở nên việc gửi con vào các lớp kỹ năng gần như là một giải pháp bắt buộc.

Đơn cử như gia đình anh Đỗ Quang Vịnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vừa bước vào kỳ nghỉ hè được vài ngày, vợ chồng anh đã gấp rút cho cậu con trai 5 tuổi của mình đi học kỹ năng sống với hy vọng con sẽ tự tin và tự lập ngay từ nhỏ.

Mặc dù nhà xa nhưng vợ chồng anh vẫn đưa con đến học tuần hai buổi tại trung tâm chuyên về dạy kỹ năng cho trẻ trên phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm.

Theo lời kể của anh Vịnh, trong khóa học 4 tháng, con anh được học tới cả chục môn học mà nội dung đều thuộc bản quyền chuyên sâu về giáo dục của Mỹ, từ chơi trò chơi, ca hát, làm đồ chơi thủ công đến đóng vai bác sĩ, nhà khoa học… giúp con tự tin, sáng tạo, thích khám phá và biết cách làm việc nhóm. Tiếp đến, anh còn đăng kí cho con học lớp võ thuật và tham gia trại hè.

Cho con học kín cả tuần, anh Vịnh vô cùng yên tâm khi các trung tâm đã thay bố mẹ dạy con các kỹ năng, giúp con phát triển toàn diện, còn bố mẹ thì yên tâm công tác. Anh Vịnh tâm sự: “Học phí cho mỗi khóa học tầm 7 triệu đồng, tuy tốn kém một chút nhưng đầu tư cho con là đầu tư có lãi, tôi không tiếc”.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng nhanh chóng đưa cô con gái 9 tuổi của mình tham gia vào một lớp học làm MC nhí với mong muốn con sẽ trở nên dạn dĩ và tự tin hơn. “Con gái tôi ở nhà thường rất ít nói, lúc nào hứng lên thì mới nói và nhất là khi đứng trước đám đông thường hay cúi mặt, thiếu tự tin. Vì vậy, tôi đã đăng ký cho con học lớp MC nhí. Tôi hy vọng rằng, qua lớp học này, con gái tôi sẽ rèn luyện được sự tự tin, khả năng nói lưu loát khi đứng trước nhiều người”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 2

Bên cạnh những trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ em, trong một vài năm trở lại đây, tại Hà Nội cũng xuất hiện nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống dành cho cả phụ huynh với vô số các chủ đề như dạy con thành công, thông minh, tài giỏi, hạnh phúc bằng những phương pháp “nhập ngoại” theo người Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Do Thái… Các khóa học mang tính hoạt động trải nghiệm thực tế dành cho phụ huynh hoặc kết hợp giữa con trẻ và phụ huynh cũng được nhiều trung tâm triển khai.

Chiêu thức để tiếp cận với phụ huynh mà nhiều trung tâm áp dụng là tổ chức các chương trình nói chuyện miễn phí, buổi nói chuyện sẽ kết thúc theo hướng gợi mở. Sau đó các trung tâm sẽ giới thiệu các khóa học của mình với những lời quảng cáo như để hiểu con, để gần con…

Ngoài ra, hàng loạt khóa học cũng được cập nhật, giới thiệu đến với phụ huynh qua các diễn đàn, qua Facebook… Nhiều khóa học dài hơi, chi phí có thể lên đến hàng chục triệu đồng nhưng vẫn thu hút rất nhiều người tham gia.

Lí giải về hiện tượng bùng nổ nhu cầu đi học kỹ năng cho mẹ và cho con, cô Khuất Thị Hoa, chuyên gia tâm lý học đường trường Đại học FPT cho rằng, hiện nay, một bộ phận cha mẹ trẻ rất quan tâm đến cách nuôi dạy con cái theo phương pháp này. Bản thân các bố mẹ thời trước được nuôi dạy theo lối cũ, nên rất muốn áp dụng phương pháp mới mà họ nghĩ là sẽ hiện đại, khoa học và tốt cho con.

“Việc cha mẹ tìm đến các lớp học dạy kỹ năng sống cho con là điều đáng khuyến khích, ít nhiều cho thấy phụ huynh đã quan tâm đến việc giáo dục con một cách khoa học hơn, hoặc họ thấy “lỗ hổng” của mình trong việc dạy con. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên khi cha mẹ phát cuồng với các lớp kỹ năng thì chưa hẳn đã hay…”, cô Hoa nói.

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 3

Mặc dù, số lượng các trung tâm, lớp học kỹ năng sống dành cho trẻ em hiện nay mọc lên rất nhiều “như nấm sau mưa”, nhưng để tìm được cho con một lớp học chuẩn, chất lượng đào tạo tốt thì lại không hề dễ dàng.

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 4

Bởi trên thực tế, ở nhiều trung tâm, người ta dạy lý thuyết về kỹ năng sống nhiều hơn là thực hành. Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa khẳng định, đối với các lớp kỹ năng sống thì việc dùng giáo cụ trực quan và có cơ sở vật chất đầy đủ, phong phú là điều kiện tối cần thiết.

Nếu giáo viên dạy “chay” thì trẻ sẽ rất khó hiểu, bởi tâm lý của các em chưa đủ để chỉ hiểu lời nói. Theo cô Hoa, hiện nay, nhiều lớp học kỹ năng do một số người đứng lên tổ chức có chuẩn bị các giáo cụ trực quan, tuy nhiên, vì chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nên đến chính giáo viên cũng lúng túng trước việc dạy cho trẻ.

Nhiều câu hỏi của trẻ không được giáo viên trả lời thỏa đáng nên nhiều em nhỏ không học được nhiều. Không phải cứ có tiền mở ra lớp là có thể dạy trẻ thành công, nếu có chuyên môn, giáo viên sẽ là một người bạn lớn dạy kỹ năng, tâm lý cho trẻ.

Có thể thấy, việc tổ chức cũng như đăng ký lựa chọn để tham gia vào một khóa rèn luyện kỹ năng sống còn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề. Bản thân không ít các trung tâm kỹ năng sống sau lời quảng cáo rầm rộ lại rơi vào trạng thái “khát” nội dung, thiếu nhân lực. Phụ huynh và học viên cảm thấy hụt hẫng sau khóa học vì vẫn chưa hiểu được kỹ năng sống là gì.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa, trẻ con có đời sống tâm lý cực kỳ phức tạp và cần có một cách dạy khoa học nhưng mềm mỏng, nếu chưa có bằng cấp, đào tạo thì việc dạy học sẽ bằng không.

Thực tế cho thấy, khi tham gia các khóa học dạy con, hầu hết các phụ huynh dễ bị thuyết phục với các phương pháp mà bây giờ họ mới được tiếp cận. Đặc biệt những tích cực từ phương pháp dạy con từ bên ngoài giúp con tự lập, thành công, thông minh... có thể “gây mê” với phụ huynh.

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 5

Và điều nguy hại là họ có xu hướng “ép” con mình vào những điều mình được nghe, được học mà không biết có hợp với điều kiện xã hội, gia đình và đặc biệt là tính cách của đứa trẻ hay không. Chính việc tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại bên ngoài của các bậc làm bố làm mẹ, trong gia đình cũng rất dễ phát sinh các mâu thuẫn về việc dạy con.

Mỗi phương pháp giáo dục con đều có cái hay riêng không thể phủ nhận. Nhưng điều quan trọng nhất, các phương pháp đó phù hợp với người Việt Nam nói chung và từng cá tính đứa trẻ nói riêng ở mức độ nào lại là điều cần hết sức chú ý.

Đưa một phương pháp giáo dục mình học được “áp” vào đứa trẻ một cách không phù hợp với tính cách, môi trường sống của con trẻ có thể gây ra những tác dụng ngược. Chẳng hạn như, các em dễ bị loạn không biết phải cư xử, hành động thế nào trong những tình huống nhất định.

Chưa kể, hầu hết những người tự xưng là giáo viên tâm lý hiện nay đều chưa được đào tạo chính thống, họ cũng có thể là một nhóm các cô giáo tự nhóm lại với nhau để mở lớp hoặc tham gia lớp dạy kỹ năng sống, tâm lý khác hẳn với việc dạy văn hoá.

Thậm chí, có những chương trình, khóa học dành cho cha mẹ của một số trung tâm còn do sinh viên mới ra trường có khả năng ăn nói lên diễn thuyết. Hay các hoạt động gia đình được thiết kế với mục đích vô cùng to tát “một ngày để hiểu con” nhưng thật ra chẳng khác nào một buổi dã ngoại. Để rồi phụ huynh đổ vào rất nhiều tiền nhưng có thể vô tình biến con thành “chuột bạch” cho các bài học của trung tâm.

“Bất kể một phương pháp giáo dục con hiện đại, tiên tiến cỡ nào cũng chỉ là cơ sở để phụ huynh tham khảo. Vì có những phương pháp tốt cho đứa trẻ này nhưng lại không hiệu quả với đứa trẻ khác. Nhưng dù có tiếp cận bất kỳ phương pháp nào, phụ huynh cũng nên lưu ý đến điều kiện sống, môi trường sống và đặc biệt là tính cách của từng đứa trẻ”, cô Hoa khuyến cáo.

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 6

Phát triển nhân cách của trẻ cần một quá trình, cha mẹ không thể “ủy quyền” cho các trung tâm thay mình dạy con trong vài tháng. Bố mẹ mới là những người gần gũi và có sức ảnh hướng lớn đối với trẻ. Thử hỏi, sau một vài khóa học cấp tốc, liệu bố mẹ có thực sự thay đổi được bản thân để áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất các quy tắc dạy con?

Hơn nữa, những vấn đề dạy con mà các chuyên gia đưa ra chỉ mang tính chất gợi mở, khái quát chứ không có điều kiện đi sâu. Nếu bố mẹ nào kì công thì từ sự gợi mở đó sẽ tìm ra cách dạy con hợp lý, còn nếu không tìm tòi, suy nghĩ thêm thì chỉ dừng lại ở lý thuyết, không biết áp dụng với con mình như thế nào.

Học kỹ năng sống - 'Điều kiện cần' hay chỉ là 'cơn sốt' ảnh 7

Việc cho con trẻ theo học các lớp dạy kỹ năng sống cũng chỉ như việc chúng ta bổ sung “vitamin cấp tốc” cho sức khoẻ của trẻ chứ không phải là giải pháp lâu dài. Không thể học 3 buổi, 5 buổi mà có được kỹ năng sống. Bố mẹ không nên chạy theo phong trào và cũng đừng quá kỳ vọng vào sự thần kỳ của các khóa học kỹ năng sống “siêu tốc” mà thiếu đi sự quan tâm con đúng cách.

Theo chuyên gia tâm lý Khuất Thị Hoa: “Sẽ không có và không bao giờ có trung tâm dạy kỹ năng sống nào chất lượng hơn chính gia đình mình, không có giảng viên tài năng nào dạy kỹ năng sống cho trẻ bằng ông bà, bố mẹ chúng. Đơn giản bởi hình thức giáo dục kỹ năng sống cần có không gian thích hợp để dạy cho trẻ. Trẻ chỉ biểu hiện kỹ năng sống trong gia đình, cộng đồng xã hội, còn trong trường, lớp cũng có nhưng bị giới hạn về không gian, thời gian. Chúng ta khó có thể kiểm chứng được trong một thời gian vài tiếng, vài tuần của khóa học tại các lớp kỹ năng sống lại có thể rèn luyện hoặc trao cho trẻ đầy đủ kỹ năng sống khi ra ngoài xã hội. Vì vậy, tôi nhấn mạnh lại rằng gia đình chính là nơi đào tạo và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ tốt nhất”.

Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh có điều kiện và tiền bạc để đi học các lớp kỹ năng cho mẹ và cho con thì nên cân nhắc chọn lựa chương trình học hợp lý. Và khi đã học rồi thì về nhà phải duy trì, vận dụng sáng tạo để dạy con đúng cách và hiệu quả. Nếu không kiên trì, sẽ có tác dụng ngược lại và trẻ sẽ trở nên nóng tính hơn.

Còn nếu các bậc phụ huynh nào không có điều kiện tham gia những lớp kỹ năng đó thì cũng không có gì phải lo lắng bởi bố mẹ chính là những người thầy tốt của con và gia đình chính là trường học bổ ích cho con rèn luyện và học hỏi.

TIN LIÊN QUAN
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.