Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam được ông Phan Kim Thịnh dùng làm bút danh sau năm 75, còn Phan Thứ Lang có nghĩa là con trai đầu lòng sau một người chị gái. Ông Phan Kim Thịnh theo gia đình vào Nam năm 1954, tiếp tục học trung học tại Sài Gòn đến 1959 và đã chọn nghề báo vì nghề này được hoãn lính.
Nhà báo Lý Nhân, kể: “Mới đầu tôi làm ở nguyệt san Quê hương, một tờ chủ trương để tập hợp những vị khoa bảng, trí thức, nhà nghiên cứu và văn nghệ sĩ tên tuổi của miền Nam. Để vào làm Quê hương phải được bác sĩ Trần Kim Tuyến đồng ý. Tôi nhờ một người họ hàng là ông Sĩ, vì trước năm 1954, khi ông Tuyến vừa ở Thanh Hóa ra Hà Nội tới trọ nhà ông Sĩ và ăn cơm tháng tại đó. Ông Sĩ viết mấy chữ giới thiệu đến bác sĩ Tuyến xin cho tôi vào làm trong báo Quê hương.
Ông vào làm báo Quê hương với chân thư ký quèn, ngồi trực để nhận bài, rồi sắp xếp bài và giao cho nhà in. Ngoài ra, ông còn tiếp khách đến đưa bài và trả tiền nhuận bút cho các tác giả. Không từ chối bất cứ công việc nào ở đây, ông được gặp nhiều nhân vật, như: Phạm Xuân Ẩn (làm ở Việt tấn xã và Hãng Thông tấn Reuters), Trần Đại Minh (làm ở Hãng Thông tấn AFP), Phan Trọng Quý (làm ở Bộ ngoại giao), Nguyễn Phan Châu (tức Tạ Chí Diệp), Vũ Hạnh, Sơn Nam, Nguyễn Nguyên (Nguyễn Ngọc Lương)…
Năm 1962 tờ Quê hương giải tán, Phan Kim Thịnh xin giấy phép ra tờ Văn học làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, tương đương với chức Tổng biên tập hiện nay. Thời gian này một mình ông quán xuyến, nào chọn đề tài chủ đề cho số báo, nào mời người viết cho hợp với đề tài, rồi nhận đọc bài của anh chị em văn nghệ gửi tới đóng góp, và chọn những bài có giá trị.
Nhà báo Phan Kim Thịnh, cho biết: “Về thơ, văn... đa số tôi chọn những bài phản chiến, vì lúc nào trong tâm của tôi cũng cầu mong đất nước hòa bình anh em Trung - Nam - Bắc một nhà. Những anh chị em gửi bài tới Văn học tôi không phân biệt chính kiến, tôn giáo, địa phương, đã quen hay chưa quen. Tờ Văn học sống được đúng 13 năm thì đình bản vào tháng 4/1975”.
Trước năm 1975 tại miền Nam, có nhiều tờ tạp chí như Văn học nhưng phần nhiều không thọ, có tạp chí ra được vài số thì dẹp tiệm. Văn học sống đến 13 năm nhờ vào sự tận tụy của ông chủ nhiệm Phan Kim Thịnh. Tất nhiên, ngoài sự tận tâm và khôn khéo trong quản trị tờ báo, ông còn gặp được may mắn ban đầu. Nhà báo Phan Kim Thịnh kể: “Năm 1962, ông Trần Kim Tuyến biết mình sắp bị thất sủng nên ông đã giúp tôi bằng cách can thiệp cho tôi hạn mức mua giấy in gấp đôi nhu cầu. Thời đó, chính quyền quản lý hạn mức giấy in báo. Tôi cầm cái hạn mức này bán lại cho thương lái lấy giấy in báo mà không mất tiền. Không tốn tiền giấy in đã giảm nhẹ chi phí để tôi duy trì Văn học, muốn làm báo dài hơi phải chuẩn bị tài chính và tính toán tiền nong thật kỹ”.
Sau 1975, nhà báo Phan Kim Thịnh gác bút, nằm nhà suy nghĩ khi nào có dịp sẽ viết tư liệu, bút ký về chính trường miền Nam với những nhân vật tai to mặt lớn mà ông đã biết rõ chân tướng. Trước 1975, những vụ tòa án xử các quan to, như xử chém đầu tướng Ba Cụt, xử bắn Ngô Đình Cẩn…, ông đều tới chứng kiến, chụp ảnh, ghi âm... để làm tư liệu khi cần. Vì thế sau này, ông mới có những tư liệu sống động để viết nên những cuốn sách mà bạn đọc đang đọc. Nhà báo Phan Kim Thịnh nói: “Phải làm tư liệu thật tốt, không dùng lúc này thì lúc khác cho nghề viết”.
Những năm cuối đời, nhà báo Lý Nhân – Phan Kim Thịnh sống một mình trong căn nhà thuê ở con hẻm nhỏ tại quận 3, TP.HCM. Cũng như nhiều người làm nghề chữ nghĩa khác, ông sống thanh đạm bởi xưa nay có mấy người cầm bút viết theo ý mình mà giàu có?! Khi bà Đặng Tuyết Mai tìm gặp ông, bà Mai nói: “Nếu tôi viết về tôi và ký tên Đặng Tuyết Mai, rồi tôi cho in thì người ta lại phê bình “mẹ hát con khen hay”. Vì thế nên tôi muốn nhờ bác Lý Nhân là nhà báo thời danh chấp bút hộ và ký tên Lý Nhân cho tốt hơn”.
Nhà báo Lý Nhân, trả lời: “Cám ơn chị, nhưng từ xưa tới nay tôi chưa viết theo toa đặt hàng, tôi chỉ viết theo ý tưởng của tôi. Nếu tôi viết theo đề nghị đặt hàng thì tôi là tên “bồi bút”, chuyên viết “nâng bi” để kiếm tiền, kiếm danh. Vậy tôi xin cáo từ. Tuy nhiên, nếu có dịp tôi sẽ viết một cuốn sách về “mấy phu nhân” tên tuổi một thời theo quan điểm của tôi”.
Trước dịch covid, ông khoe với tôi đang hoàn thành bản thảo cuốn sách về Anh hùng Phạm Ngọc Thảo với tựa Sống đảo chính, Chết anh hùng và cuốn sách viết về các bà phu nhân. Thế nhưng đến nay hai cuốn sách này vẫn chưa ra đời, không biết bản thảo ông đã hoàn thành và đã kịp gửi cho đơn vị xuất bản nào chưa?