Bốn năm nhìn lại từ đại dịch Covid-19
Gần 4 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Trong đó, Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là đợt dịch thứ 4, gây ra những tổn thất nặng nề ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tại TP.HCM, nhà báo vẫn không ngại khó, ngại khổ để xông vào tuyến đầu chống dịch để đưa đến cho độc giả những thông tin kịp thời nhất. Tất cả thông tin đều được cập nhật trên loại hình báo điện tử. Các tòa soạn đã tổ chức họp, chế độ báo cáo tin bài, sản xuất báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử đều qua không gian mạng.
Nhà báo Nguyễn Đình Du – Báo Tài nguyên và Môi trường nhận xét, trước đây để sản xuất báo in thì theo quy trình, Tổng Biên tập/Phó Tổng Biên tập trực xuất bản, Thư ký tòa soạn, Biên tập viên phải ngồi cùng với nhau, phải tương tác với nhau tại tòa soạn mới thực hiện được các công đoạn cho ra sản phẩm. Từ đợt bùng phát dịch lần đầu tiên vào năm 2020, các tòa soạn đã sử dụng công nghệ cao để giao tiếp qua hệ thống mạng internet. Tuy nhiên, ngồi ở nhà làm việc sẽ dễ bị phân tâm do ngoại cảnh và đòi hỏi nhà báo phải có ý thức trách nhiệm cao hơn.
Ngoài ra, một số rủi ro như sự cố mạng, thiết bị điện tử của nhà báo khi làm công tác biên tập ở nhà gặp trục trặc cũng là một trong những rào cản làm gián đoạn tạm thời công tác xuất bản. Điều đáng quan tâm nhất, dù có ca nhiễm F0 do bị lây từ cộng đồng, từ người thân thì quy trình làm việc của tòa soạn không bị “gãy” và có nhân lực thay thế, không làm gián đoạn công tác xuất bản.
Kinh nghiệm bùng phát đợt dịch thứ 4 cho phóng viên, nhân viên báo in phải luôn đảm an toàn trong chống dịch và vận hành bộ máy, hệ thống trực tuyến, và vận hành báo in cũng trực tuyến. Tức là, các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, họa sĩ trình bày đều làm việc ở nhà và sử dụng hệ thống công nghệ để có thể kết nối để làm báo in mà không phải vào cơ quan.
Tòa soạn ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các biện pháp chống dịch. Các cuộc họp nội bộ cơ quan sử dụng trực tuyến, các cuộc phỏng vấn cũng nên ứng dụng các phần mềm công nghệ trong thời gian giãn cách do dịch bệnh.
Nhà báo đang xác thực thông tin từ cơ quan chức năng. |
Nhà báo Nguyễn Đình Du phân tích, đây cũng là cơ hội để thực hiện chuyển đổi số trong việc vận hành cơ quan báo chí mà nhất là báo in. Nhiều tòa soạn đã thay đổi, nâng cấp hệ thống phần mềm để tăng đường truyền, giúp người đọc dễ truy cập hơn trên các thiết bị di động. Báo chí đã “đặt hàng” các thành viên trong đoàn tham gia chống dịch để sử dụng các thiết bị di động, chuyển tải những hình ảnh, thước phim sống động đến cho độc giả.
Trong một số bài phỏng vấn lấy ý kiến chuyên gia trên truyền hình, nhân vật đã tự ghi lại hình ảnh clip trả lời bằng điện thoại di động rồi chuyển cho phóng viên. Phóng viên hạn chế đến gặp trực tiếp để ghi hình nhằm thực hiện tốt việc giãn cách và đề phòng lây lan Covid-19 trong cộng đồng.
Các tòa soạn còn phân công cho phóng viên chủ động tác nghiệp thành từng nhóm nhỏ và độc lập tác nghiệp. Giả sử, một nhóm nhỏ phóng viên có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh thì không bị ảnh hưởng cả tòa soạn và hoạt động của tờ báo không bị gián đoạn.
Nhà báo Nguyễn Đình Du cho rằng, không thể phủ nhận, việc tôn vinh những cống hiến của người làm báo, các cơ quan báo chí thể hiện qua hình ảnh quả cảm, dấn thân nơi căng thẳng và nguy hiểm nhất. Đằng sau những tác phẩm báo chí là câu chuyện hết sức sinh động về điều kiện sống và làm việc của những nhà báo; về những câu chuyện cảm động của mối quan hệ giữa nhà báo và với các đối tượng trong xã hội.
Nhà báo từ thế chủ động sang bị động
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Lành – Báo Đời sống và Pháp luật lập luận, đại dịch Covid-19 đã khiến cho việc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí đã bước sang thời kỳ mới – thời kỳ kỷ nguyên số của những người làm báo. Sự tiếp cận thông tin của độc giả thông qua thiết bị công nghệ đang diễn ra nhanh chóng. Do đó, người làm báo cần phải luôn học hỏi để tiếp cận các công nghệ số nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất tác phẩm báo chí.
Nhà báo Ngọc Lành đưa ra quan điểm, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, điều hướng nội dung đang được áp dụng trong mọi lĩnh vực. Các cơ quan báo chí không nằm ngoài cuộc chơi, chuyển đổi cách thức làm việc từ bị động sang một cách chủ động. Quá trình chuyển đổi môi trường làm việc bằng kỹ thuật công nghệ số diễn ra nhanh, đòi hỏi nhà báo phải có khả năng nắm bắt và dự báo sớm được tác động của xu thế này trong việc định hướng báo chí và truyền thông trên mạng.
Nhà báo phỏng vấn cơ quan chức năng tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) liên quan đến vụ việc rơi máy bay MH370. |
Từ áp lực về chuyển đổi mô hình hoạt động, cách thức hoạt động của các cơ quan báo chí sau khi thực hiện Quy hoạch để phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhất là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy kinh tế báo chí.
Mặc khác, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động của cơ quan báo chí nói riêng vẫn tiếp tục là nguy cơ lâu dài làm giảm doanh số quảng cáo trên báo và gia tăng chi phí hoạt động.
Nếu như trước đây, nguồn thu của báo chí từ lượng phát hành thì nay, báo in đang có nguy cơ bị “thất sủng” do thói quen đọc báo trên các thiết bị di động của người dân được hình thành. Báo chí chỉ còn nguồn thu duy nhất từ quảng cáo của các doanh nghiệp nhưng lại đang bị cạnh tranh gay gắt của các trang mạng xã hội.
Nhà báo Lê Thiếu Nhơn – Báo Nông nghiệp Việt Nam đúc kết vấn đề, độc quyền chi phối thông tin, độc quyền quảng cáo trên báo in của các cơ quan báo chí không còn là nguy cơ hiển hiện để các tòa soạn phải tự vận động để thay đổi. Báo chí phải hướng đến các ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài, làm cho nội dung thông tin trở nên hấp dẫn, sinh động, thiết thực, có chiều sâu, có thông điệp truyền tải rõ ràng và bám sát với thực tế…
Phóng viên, nhà báo cần tích cực đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công nghệ, công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp nhu cầu công chúng.
Nhà báo Lê Thiếu Nhơn nói, cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông khiến nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới. Trong tương lai, báo chí sẽ phải thu gọn mô hình để hoạt động.