Với đường hướng ngoại giao "nước Mỹ trở lại", Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gấp rút khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phía bên kia, Tây Âu cũng sẵn sàng hợp tác với nước Mỹ thời kỳ hậu Donald Trump. Không chỉ vậy, ông Biden cũng rất quan tâm tới mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Ông ủng hộ chủ nghĩa đa phương và sự hội nhập hơn nữa của EU.
Mục tiêu của Mỹ trong việc củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là tạo ra một liên minh vững chắc để thách thức Nga và Trung Quốc, cũng như quản lý một số vấn đề lớn như sức khoẻ toàn cầu và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong việc này. Cho đến nay, ông Biden vẫn chưa đạt được bất kỳ thành tựu ngoại giao lớn nào với châu Âu. Không chỉ vậy, thoả thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS và việc rút quân khỏi Afghanistan lại khiến châu Âu phải lo lắng về Mỹ.
Châu Âu và Mỹ có những công cụ chung. Nhưng liệu họ có một tầm nhìn chung hay không?
|
Yếu tố văn hoá đóng vai trò cốt lõi
Trong lịch sử, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chưa bao giờ phụ thuộc vào những chính sách trên bàn giấy, mà vào một nền tảng văn hoá vững chắc - cụ thể là nền văn minh phương Tây. Nhưng nền tảng văn hoá này đã lỗi thời từ lâu, theo Michael C. Kimmage - Giáo sư kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ.
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã tồn tại trong 7 thập kỷ - một sự vĩnh cửu trong các vấn đề quan hệ quốc tế. Được kết tinh năm 1945, nó đã "sống sót" qua hàng loạt những biến động lớn như Chiến tranh Lạnh (1947-1991); sự sụp đổ của Liên Xô (1991); các khủng hoảng tại Syria (2011), Ukraine (2014), khủng hoảng di cư (2015). Trong thời gian đó, nền văn hoá và tư tưởng phương Tây mà Mỹ và châu Âu cùng chia sẻ là yếu tố cốt lõi để duy trì mối quan hệ này. Cựu Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower từng nói rằng, "NATO là cơ hội cuối cùng cho sự tồn tại của nền văn minh phương Tây."
Nhưng tới khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ năm 2016, mối quan hệ này suýt chút nữa đã sụp đổ. Ông Trump luôn gây căng thẳng với NATO, không muốn củng cố quan hệ với EU, và sẵn sàng bỏ qua mọi tiền lệ trong quá khứ của chủ nghĩa Đại Tây Dương. Nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, rất có thể mối quan hệ Âu - Mỹ sẽ sụp đổ hoàn toàn không lâu sau đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 44 tại Canada năm 2018. (Ảnh: CBS News) |
Khi Mỹ và châu Âu đang phải đối đầu với chủ nghĩa dân túy, bất bình đẳng xã hội và phân cực chính trị, sự chia rẽ về văn hóa có thể là mối đe doạ nguy hiểm với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Sự rạn nứt thời Donald Trump là một minh chứng rõ ràng cho việc này.
Do đó, việc xây dựng một định hướng văn hoá mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ là điều Mỹ nên làm. Chính quyền Biden cam kết về sự tự do chính trị và chủ nghĩa đa văn hóa, đồng thời đảm bảo rằng cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hoà đều coi trọng mối quan hệ này. Trên trường quốc tế, ông Biden cần chứng minh sự bền chặt của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng những câu chuyện và biểu tượng, như các tổng thống Mỹ trước đây thường làm.
Mỹ cần phải tránh việc lặp lại quá khứ, bởi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không còn là một viên ngọc quý của chủ nghĩa quốc tế những năm 1940. Hiện nay, nó cần được duy trì bởi sự nhiệt tình của các thế hệ sau.
Những thách thức dành cho Mỹ và châu Âu
Tuy nhiên, xây dựng nền tảng văn hoá mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Khó khăn đầu tiên là cuộc chiến văn hóa đang diễn ra bên trong nước Mỹ. Giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà, phe Dân chủ có thiên hướng châu Âu nhiều hơn. Các tổng thống thuộc phe cánh tả có thể coi cách tiếp cận với châu Âu là sự tái hiện các chính sách trong nước, bởi đảng Dân chủ và nền chính trị truyền thống ở châu Âu có nhiều điểm chung. Đó là chủ nghĩa thế tục, cam kết về quyền phá thai và kiểm soát súng, chủ nghĩa môi trường...
Vì vậy, Tổng thống Biden cần thuyết phục người dân Mỹ rằng, một mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khoẻ mạnh là vì chính lợi ích của nước Mỹ. Không chỉ vậy, nó còn giúp tăng cường an ninh quốc gia và góp phần vào sự thịnh vượng của người dân - một nhiệm vụ mà nhiều thế hệ người Mỹ đã hy sinh để hoàn thành. Nếu đảng Cộng hòa không tin vào những điều này, những thành tựu xuyên Đại Tây Dương của Biden sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Tổng thống Biden phát biểu trong cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels tháng 6/2021. (Ảnh: AP) |
Trong chuyến thăm châu Âu vào tháng 6/2021, không có nỗ lực ngoại giao văn hoá nào được ông Biden thực hiện. Ông thường kêu gọi chia sẻ các giá trị, nhưng không nói nguồn gốc các giá trị đó đến từ đâu, và cũng không tạo cho những giá trị này sự cộng hưởng văn hóa nào. Giáo sư Kimmage nhận xét, chuyến thăm châu Âu của ông Biden là "hoàn toàn trống rỗng" về mặt văn hoá.
Khó khăn thứ hai, ít quan trọng hơn, nằm ở phía châu Âu. Tại đây, chủ nghĩa dân tộc của Donald Trump vẫn có sức hấp dẫn với một bộ phận dân chúng, đặc biệt là ở Pháp, giáo sư Kimmage cho biết. Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của Pháp, vừa đứng ra tranh cử tổng thống lần thứ 3. Lần này, bà Marine Le Pen được cho là có nhiều cơ hội hơn những lần trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều cho rằng, xã hội Pháp vẫn khó chấp nhận các tư tưởng cực hữu nên khả năng chiến thắng chung cuộc của bà Marine Le Pen sẽ không cao.