Trò chuyện với Thích nữ Đàm Chính - Sư bà hơn 90 tuổi, trụ trì chùa Tiêu hồi tháng 7-2018, tôi hỏi vì sao dạo khắp chùa không thấy hòm công đức. Sư bà nói, việc này đã được áp dụng nửa thế kỷ nay, vì người tu hành phải tránh xa sự cám dỗ của tiền bạc, vật chất. "Nhà chùa không lập hòm công đức, không nhận tiền cúng dàng, đồng thời nghiêm cấm người đi lễ nhét tiền vào các pho tượng hoặc mâm hoa quả làm mất đi tôn nghiêm chốn Tổ", Sư bà nói. Chỉ khi nào chùa cần kinh phí tu bổ, họ thông báo với chính quyền địa phương và Phật tử, nêu rõ số tịnh tài cần vận động. Nhận đủ số tiền cần, được giám sát công khai, nhà chùa kính cáo hết thời hạn quyên góp.
Hàng triệu lượt người đang trẩy hội, du xuân, hành hương, xin ấn, xin xăm, bói quẻ, dâng sao giải hạn. Quan sát trong vòng 30 năm qua, bao gồm 10 năm làm phóng viên báo Giác Ngộ, tôi chưa bao giờ thấy bầu không khí tín ngưỡng đặc quánh như vậy.
Những ngày qua, nhiều người thân, quen tôi đã ghé chiêm bái hàng chục ngôi chùa từ Bắc vào Nam. Họ trở về, đều có cùng nhận xét, rằng cảnh trí được đầu tư rất hoành tráng song có cảm giác "chùa thiếu Phật". Cụm từ "chùa thiếu Phật" được hiểu là thiếu vắng năng lượng tâm linh hay sinh khí toát ra từ môi trường tu học theo quy củ của tinh thần Phật giáo chân thật, thanh bần.
Trong câu chuyện, họ thắc mắc "hòm công đức đâu ra mà nhiều". Nhiều ngôi chùa, mọi ban bệ đều có hòm công đức.
Tôi từng nghe một số vị trụ trì các chùa lý giải về việc phải đặt hòm công đức nhiều nơi. Có vị cho rằng do người đi chùa rất đông nên phải tùy duyên linh động "để tránh việc chen lấn". Vị khác nói rằng, "hòm công đức có cái tinh tế là người cúng dù một đồng cũng bình đẳng, hoan hỉ như người cúng mười đồng hay một trăm đồng".
Chùa ở Việt Nam hình thành theo nhiều hình thức. Chùa do dân làng lập nên; chùa khuôn hội do các hội Phật tử thành lập để sinh hoạt tín ngưỡng, tu học; chùa tư nhân - cải gia vi tự - được hoán chuyển từ một ngôi nhà để đáp ứng nhu cầu cúng bái trong vùng; chùa cha truyền con nối; chùa do cá nhân hoặc doanh nghiệp tạo dựng thành cơ sở phục vụ tín ngưỡng, du lịch tâm linh... Thông thường, tất cả các chi phí sinh hoạt ở chùa, từ mua sắm hương quả, rau đậu, cho đến xây dựng, tu bổ đều do các vị trụ trì hoặc ban hộ tự gánh vác. Hiểu đơn giản, nhà chùa vận hành giống như "hộ kinh doanh cá thể", tự lo liệu mọi việc thu chi mà không có giấy tờ, sổ sách để quyết toán, báo cáo thuế hàng quý, năm.
Chính vì thế, nguồn thu công đức của nhiều chùa bấy lâu nay có thể coi như tự quản. Hiện cả nước có khoảng 14.775 ngôi chùa hay còn gọi là tự viện, chưa kể hàng nghìn các di tích đình, đền, miếu, phủ khác. Giáo hội hoặc các cơ quan không có quyền can thiệp về nguồn thu chi hoặc yêu cầu công khai tiền công đức tại các nơi này. Bởi về bản chất, tiền công đức là do người dân tự nguyện đóng góp, từ niềm tin của riêng họ, không phải quan hệ có tính kinh tế.
Tôi nhớ chuyện xảy ra tại một ngôi chùa lớn ở Đà Nẵng cuối năm ngoái, canh me vị sư huynh đi vắng, các sư đệ đã ra tay "hô biến" thùng đựng tiền công đức bằng gỗ và một két sắt được bắt vít âm vào lòng đất rất kiên cố. Sự việc chỉ vỡ lẽ sau khi công an vào cuộc. Còn tại huyện Kinh Môn, Hải Dương, công an địa phương từng bắt quả tang chủ tịch xã An Sinh và thủ quỹ đang cuỗm 300 triệu đồng từ hòm công đức đặt tại Di tích đền Cao An Phụ.
Để tránh những mâu thuẫn phổ biến ở những nơi mà "đồng tiền" ghi dấu - không thể trông chờ vào các thiết chế - mà phải từ hành vi của chính Phật tử.
Tự điển Phật học Huệ Quang, giải thích "công đức" có nghĩa là: công năng, phước đức có được do ta cúng dường và làm các việc lành, tu tâm, sửa tánh, sám hối hành vi bất thiện. Giá trị của việc đi chùa lễ Phật, tu học là để soi rọi lại chính mình chứ không tìm cầu gì khác ở bên ngoài. Hiểu đúng về công đức, chúng ta sẽ thôi nhét tiền vào các ngóc ngách trong chùa mà tự nhìn lại chính mình để sống thiện lương hơn.
Theo quan điểm của Phật giáo, đời người cần có tín ngưỡng. Và chánh tín là tốt nhất, tránh xa tà tín. Đại sư Tinh Vân, 93 tuổi, Tông chủ Phật giáo Phật Quang Sơn, Đài Loan, giảng giải: Chánh tín có thể dẫn dắt con người đi dần đến chỗ sáng. Đáng sợ nhất là tà tín, làm ta tin những điều không thật là thật, cho những điều sai trái là đúng đắn. Vị lão sư đưa ra bốn đặc điểm của "tà pháp" mà chúng ta nên tránh: mưu mô, không lao động mà được lợi; có được lợi ích không chính đáng; truyền bá những điều giả dối, thiếu căn cứ; tạo những biểu hiện không thật, làm mê hoặc người.
Công chúng, nếu sa đà vào hành vi mê tín, vô tình hiểu sai gía trị tôn giáo có lẽ còn bởi sự thiếu vắng niềm tin chân thật - điều giúp vực dậy vẻ đẹp của đời sống tâm linh thuần khiết.