Huawei đã làm gì khiến Tổng thống Donald Trump ra lệnh trừng trị

Huawei đang đối mặt với tương lai u ám sau khi bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump “úp vòng kim cô Tôn Ngộ Không lên đầu”. Tại sao công ty Trung Quốc lĩnh hậu quả này? 

Trong suốt 10 năm qua, Huawei đã có mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" với Mỹ. Và "cuộc hôn nhân" không hạnh phúc này trượt tới bờ vực của sự đổ vỡ tuần trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với tập đoàn Trung Quốc. 

Ngày 20/5, vòng kiểm tỏa Huawei đã được nới lỏng đôi chút. Nhà sản xuất Trung Quốc sẽ có thêm 3 tháng sử dụng phần mềm và thiết bị Mỹ. Tuy nhiên, tương lai của Huawei là rất u ám. 

Tại sao nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới trở thành mục tiêu "phải diệt" của chính quyền ông Trump? Theo CNN, có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.   

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài suốt hơn một năm qua, và Huawei mắc kẹt trong cuộc giao tranh không tiếng súng. Rất nhiều người Trung Quốc cho rằng Huawei chính là "con bài" mà ông Trump sử dụng để gây sức ép lên chính quyền Bắc Kinh. 

Huawei hiện là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và không giấu tham vọng sớm vượt mặt Samsung. Ngoài ra, Huawei còn là một trong số rất ít công ty sản xuất thiết bị mạng 5G cho các hãng viễn thông. Năm 2018, Huawei đạt doanh thu lên đến 105 tỷ USD, trên cả IBM. 

Huawei đã làm gì khiến Tổng thống Donald Trump ra lệnh trừng trị ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm vận Huawei. Ảnh: Getty Images

Ông Trump từng tuyên bố có thể xem xét giảm nhẹ các biện pháp cấm vận Huawei nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra suôn sẻ. Trên thực tế, hồi tháng 4/2018, Bộ Thương mại Mỹ xác định ZTE nói dối với các quan chức Mỹ về việc trừng phạt các nhân viên vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. 

Chính quyền ông Trump cấm ZTE mua chip và các linh kiện khác từ doanh nghiệp Mỹ. Ngay lập tức, ZTE rơi vào khủng hoảng, có nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau ông Trump tuyên bố sẽ trực tiếp làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để "đưa ZTE trở lại". 

Chính quyền Trump dỡ bỏ các biện pháp cấm vận ZTE vào tháng 7 sau khi công ty Trung Quốc chấp nhận bị phía Mỹ giám sát. Nếu ông Trump coi Huawei là "con tin" để mặc cả trong chiến tranh thương mại, phía Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong đàm phán.  

Quan hệ mờ ám với chính phủ Trung Quốc

Năm 2012, sau một năm điều tra, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo khẳng định Huawei là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ. Báo cáo cho biết Huawei và công ty viễn thông Trung Quốc ZTE hoạt động theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc, do đó Washington không thể cho phép chúng tiếp cận hạ tầng quan trọng của Mỹ như mạng lưới không dây quốc gia. 

Phản ứng lại, Huawei tuyên bố không có quan hệ đặc biệt với chính phủ Trung Quốc và khẳng định không thực hiện các hành vi gián điệp. Dù vậy, phía Mỹ nghi ngờ Huawei do thám các mạng lưới sử dụng công nghệ của hãng. Chính phủ Mỹ không ký hợp đồng xây dựng hạ tầng băng thông rộng và không dây với Huawei. 

Trong thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump cũng gây sức ép lên các quốc gia đồng minh, yêu cầu chính phủ các nước này ngừng mua thiết bị viễn thông từ Huawei. 

Quan hệ với Iran

Hồi đầu năm, chính quyền ông Trump truy tố hình sự Huawei với lý do tập đoàn Trung Quốc tìm cách lách các biện pháp cấm vận của Mỹ đối với Iran. Sau đó, nhà chức trách Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei. Bà là con gái ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei. Bà Mạnh đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. 

Washington cáo buộc Huawei lừa dối các tổ chức tài chính và chính phủ Mỹ về hoạt động kinh doanh với Iran. Phía Mỹ khẳng định ông Nhậm Chính Phi từng khai man với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) hồi năm 2007 rằng Huawei không vi phạm luật xuất khẩu Mỹ và không có quan hệ làm ăn trực tiếp với công ty nào của Iran. 

Huawei đã làm gì khiến Tổng thống Donald Trump ra lệnh trừng trị ảnh 2

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Ảnh: Reuters

Huawei bác bỏ mọi cáo buộc trong khi Trung Quốc mô tả đây là một chiến dịch bôi nhọ của chính phủ Mỹ. Bà Mạnh cũng không nhận tội trong khi ông Nhậm cho biết sẽ không đến Mỹ. Nếu đặt chân tới Mỹ, ông Nhậm có thể bị bắt và phải ra hầu tòa. 

Cáo buộc xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ

Chính quyền ông Trump cũng kiện Huawei tội ăn cắp bí mật thương mại từ hãng T-Mobile. Theo đơn kiện, trong nhiều năm Huawei lập mưu ăn cắp công nghệ kiểm tra điện thoại độc quyền của T-Mobile có biệt danh là "Tappy". Huawei cung cấp điện thoại cho T-Mobile và có khả năng tiếp cận một số thông tin về "Tappy". 

Phía Mỹ khẳng định các nhân viên Huawei đã chuyển những thông tin nhạy cảm về "Tappy" như hình ảnh, số series và số đo của nhiều loại linh kiện. Đổi lại, các nhân viên này sẽ nhận mức thưởng cực lớn. Huawei bác bỏ mọi cáo buộc của Washington. 

Cuộc chiến vì công nghệ tương lai

Một số công nghệ Huawei sở hữu được đánh giá là tương lai của 5G, công nghệ mà phía Mỹ rất muốn kiểm soát. Ở thời điểm hiện tại, Huawei là nhà phát triển 5G hàng đầu thế giới, cung cấp công nghệ hỗ trợ quá trình triển khai các mạng lưới không dây 5G. 

Huawei đã làm gì khiến Tổng thống Donald Trump ra lệnh trừng trị ảnh 3

Huawei là nhà phát triển công nghệ 5G hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters

Huawei chỉ có 2 đối thủ chính trên chiến trường này là Nokia và Ericsson. Huawei là công ty lớn hơn nhiều so với Nokia và Ericsson, do đó có khả năng cung cấp công nghệ 5G nhanh hơn, với mức giá rẻ hơn. 

Phía Mỹ hạn chế sử dụng công nghệ mạng của Huawei, nhưng chúng vẫn được áp dụng ở một số khu vực nông thôn nước này. Ngoài ra, công nghệ 5G của công ty Trung Quốc đã xuất hiện phổ biến tại châu Âu, châu Á và một số khu vực khác trên thế giới. 

Mỹ rất muốn đảm bảo rằng các công ty viễn thông nước này dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ 5G. Bởi 5G được đánh giá là sẽ tạo ra làn sóng công nghệ làm thay đổi nền kinh tế mới, ví dụ như xe tự hành. 

Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.