Những hình ảnh sử dụng công nghệ Deepfake tái hiện gương mặt của một số tên tuổi lớn tại buổi gây quỹ thường niên của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan đã nhanh chóng lan truyền trực tuyến vào đầu tuần này.
Một số người dùng mạng xã hội tinh mắt đã phát hiện ra sự khác biệt và chính các nền tảng mạng xã hội như X cũng lưu ý rằng những hình ảnh được lan truyền trên mạng có thể được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo.
Tấm thảm trên cầu thang giống với sự kiện năm 2018 là manh mối cho thấy bức ảnh được lan truyền của Katy Perry trong bộ dạ hội phủ hoa là giả. Tấm thảm trong bức ảnh được phát hiện không phải loại vải màu xanh lá cây được lót bằng những tán cây thật như trong sự kiện năm nay.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị AI đánh lừa, kể cả mẹ của nữ danh ca Katy Perry. Thậm chí cô đã đăng lại hai bức ảnh do AI tạo ra lên tài khoản Instagram vài giờ sau khi chúng bắt đầu lan truyền trên mạng, kèm theo ảnh chụp màn hình đoạn tin nhắn của mẹ mình. Trong chú thích của một bài đăng trên Instagram của mình, nữ ca sĩ có viết: “không thể đến dự MET rồi, tôi phải làm việc.”
Trong khi đó, bức ảnh giả mạo nữ ca sĩ Rihanna trong bộ váy trắng lộng lẫy thêu hoa, chim và cành cây cũng lan truyền trên mạng. Nữ nghệ sĩ đa tài này ban đầu được xác nhận là khách mời của Met Gala năm nay, nhưng đại diện của tạp chí Vogue cho biết cô sẽ không tham dự buổi lễ.
Mặc dù khó có thể ngăn chặn các cá nhân tạo ra những hình ảnh này, nhưng khung cảnh chân thực tại Met Gala cho thấy rằng bất kỳ công cụ AI nào được sử dụng để tạo ra chúng đều có khả năng đã được cải biến từ một số hình ảnh của các sự kiện trong quá khứ.
Đây không phải là lần đầu tiên công chúng bất ngờ trước khả năng của AI. Các video giả mạo sử dụng công nghệ Deepfake tạo ra hình ảnh, video và âm thanh của các nhân vật nổi tiếng, từ Giáo hoàng Francis đến Taylor Swift trước đây đã thu hút được rất nhiều sự chú ý trên mạng.
Các chuyên gia công nghệ đều bày tỏ quan ngại về tình trạng lạm dụng công nghệ AI trên mạng xã hội.
Giáo sư Cayce Myers, giám đốc nghiên cứu sau đại học tại Trường Truyền thông của đại học Virginia Tech, cho biết: “Trước đây ta có thể tin vào những gì mắt nhìn thấy, còn bây giờ thì ngược lại. Nếu ngay cả một người mẹ cũng có thể bị đánh lừa khi nghĩ rằng hình ảnh đó là con mình, điều đó cho thấy mức độ tinh vi mà công nghệ này hiện có.”
Đầu năm nay, những hình ảnh giả mạo mang tính lạm dụng và khiêu dâm của Taylor Swift đã bắt đầu lan truyền trên mạng đã khiến mạng xã hội X phải tạm thời chặn một số tìm kiếm.
Phó giáo sư David Broniatowski từ Đại học George Washington cho biết: “Những tác động này vượt xa tính an toàn của cá nhân và thực sự liên quan đến tính an toàn của quốc gia, tính an toàn của toàn xã hội”.