Những dự án gió ngoài khơi bị hủy bỏ, các nhà máy năng lượng Mặt Trời không hoạt động, nhu cầu về xe điện giảm dần - là một số thực trạng đang diễn ra ở Mỹ.
Một năm sau khi đạo luật về biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử của Mỹ được thông qua, nhằm tạo ra sự bùng nổ trong phát triển năng lượng sạch của nước này, thực tế kinh tế đang ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden.
Chi phí tài chính và vật liệu tăng vọt, chuỗi cung ứng không đáng tin cậy, việc ban hành quy định bị trì hoãn ở Washington và sự chậm trễ trong cấp phép đã gây ra “sự tàn phá,” từ những dự án bị hủy bỏ của nhà phát triển gió ngoài khơi Orsted ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, cho đến việc các hãng ôtô Tesla, Ford và GM thu hẹp quy mô sản xuất xe điện.
Viễn cảnh ảm đạm với các ngành năng lượng sạch là một tin không tốt lành đối với Tổng thống Biden, trong bối cảnh cam kết đưa nền kinh tế đến “net zero” (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050 của ông đang phải đối mặt với “những cơn gió ngược” mà chỉ riêng hàng tỷ USD tín dụng thuế của Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) không thể giải quyết được.
Sau khi bước vào Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu của Liên hợp quốc năm ngoái ở Ai Cập và coi IRA là bằng chứng về sự tiến bộ chưa từng có trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông Biden dự kiến sẽ bỏ qua sự kiện năm nay ở Dubai giữa những “cảnh báo nghiêm trọng” rằng thế giới đang hành động quá chậm để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Các chuyên gia năng lượng sạch được Reuters phỏng vấn cho biết những trở ngại ngày càng gia tăng sẽ khiến những mục tiêu đầy tham vọng của Mỹ về việc khử carbon vào giữa thế kỷ này thậm chí còn khó đạt được hơn nữa.
"Mặc dù chúng tôi thấy những con số ‘lành mạnh’ được triển khai hằng quý và chúng tôi đang tiếp tục trên con đường tăng trưởng, nhưng chắc chắn nó không ở mức cần thiết để đạt được một số mục tiêu" - John Hensley, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ (ACP), cho biết.
Chi phí tăng vọt và chuỗi cung ứng bị đứt gãy cũng đang ảnh hưởng đến các dự án ở các khu vực khác. Không có quốc gia lớn nào đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải được nêu trong Hiệp định Paris của Liên Hợp Quốc - nhằm mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C - theo Wood Mackenzie.
Một quan chức Nhà Trắng cho hay mặc dù có những trở ngại về kinh tế vĩ mô và cả những “nút thắt” ở cấp địa phương trong việc triển khai năng lượng tái tạo, vẫn có rất nhiều ví dụ về sự tiến bộ - bao gồm thị trường xe điện (EV) đang phát triển và Dominion Energy Inc đang đạt tiến triển trong việc tiến hành xây dựng trang trại gió ngoài khơi lớn nhất quốc gia ở ngoài khơi Virginia.
“Đối mặt với ‘những cơn gió ngược’ có tính chất vĩ mô - những trở ngại ảnh hưởng đến việc ra quyết định trên toàn nền kinh tế - là cả một sự kiên cường” - Cố vấn Khí hậu Quốc gia Nhà Trắng Ali Zaidi cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho biết Mỹ sẽ đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Theo phân tích của ACP, hơn 56 gigawatt dự án năng lượng sạch, đủ cung cấp điện cho gần 10 triệu ngôi nhà, đã bị trì hoãn kể từ cuối năm 2021. Các cơ sở năng lượng Mặt Trời chiếm 2/3 số sự chậm trễ đó, một phần do những hạn chế nhập khẩu của Mỹ.
Các vấn đề như tranh chấp cục bộ về địa điểm để xây dựng các dự án năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, cũng như quá trình kết nối lưới điện có thể mất trung bình 5 năm, cũng thường xuyên được các nhà phát triển viện dẫn như những thách thức lớn nhất trong ngành.
"Đầu tư đã tăng lên ở một số lĩnh vực" - Prakash Sharma, Phó Chủ tịch Các Kịch bản và Công nghệ tại Wood Mackenzie cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Nhưng sau đó, khi nói đến một số giấy phép và sự phê duyệt cần thiết để thúc đẩy các dự án hoặc phát triển cơ sở hạ tầng, đó là vấn đề mà IRA không thể giải quyết."
Nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mạnh mẽ về năng lượng tái tạo từ các công ty tiện ích và tập đoàn cũng đã đẩy giá hợp đồng lên cao, điều này có thể đồng nghĩa chi phí của người tiêu dùng sẽ cao hơn. Theo hãng LevelTen, giá các hợp đồng năng lượng Mặt Trời đã tăng 4%, lần đầu tiên chạm mức 50 USD/MWh trong quý 3 vừa qua.
IRA đặt mục tiêu củng cố chuỗi cung ứng năng lượng sạch của Mỹ bằng cách khuyến khích sản xuất trong nước các thiết bị như tấm pin Mặt Trời và turbin gió, nhưng gần đây các nhà sản xuất đã cảnh báo rằng một làn sóng công suất mới ở châu Á đang đe dọa sự tồn tại của hàng chục nhà máy được quy hoạch ở Mỹ.
Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn trong ngành công nghiệp gió ngoài khơi còn non trẻ của Mỹ có lẽ là trở ngại lớn nhất. Các nhà phát triển như Orsted, BP và Equinor đã tìm cách đàm phán lại hoặc hủy hợp đồng do chi phí tăng vọt và đã phải ghi giảm hàng tỷ USD cho các dự án.
Các công ty cũng hầu như không xuất hiện trong đợt bán hợp đồng cho thuê gió liên bang ở Vịnh Mexico hồi tháng Tám. Mục tiêu của chính quyền Tổng thống Biden là triển khai 30 gigawatt gió ngoài khơi vào năm 2030 - hiện được nhiều người cho là không thể đạt được.
Trong khi đó, một số tập đoàn đang trì hoãn các quyết định đầu tư trong lúc chờ Bộ Tài chính thảo các quy định về cách sử dụng tín dụng thuế của IRA.
Robert Walther, Giám đốc Các Vấn đề Liên bang của nhà sản xuất ethanol POET, cho biết công ty của ông đang các khoản tín dụng thuế được “thiết kế” cho nhiên liệu hàng không bền vững theo IRA, để xem liệu nhiên liệu làm từ ngô có đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu hay không.
"Chúng tôi sẽ không kích hoạt bất cứ điều gì cho đến khi chúng tôi biết giá trị của các khoản tín dụng thuế này là bao nhiêu" - ông Walther nói.
Tuy nhiên, theo Dan Reicher - một học giả tại Đại học Stanford, Mỹ có thể tự hào về cách họ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt khi so sánh một cách tương đối với những nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump nhằm “thu lại” các chính sách bảo vệ khí hậu.
"Đây là những thăng trầm bình thường trong quá trình phát triển và triển khai năng lượng sạch" - ông Reicher nói. "Tôi nghĩ chúng ta có thể đến COP (Hội nghị Các bên Tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu) trong tư thế ngẩng cao đầu, vì chúng ta đang đạt được một số tiến bộ thực sự.".