Khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Ngày 20/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức kỳ thi và đề xuất giải pháp để tổ chức tốt hơn trong năm 2024, định hướng tổ chức kỳ thi từ năm 2025 đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua phân tích phổ điểm cho thấy, các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi so với năm 2022. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền. Địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn. Các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, vùng đồng bằng Bắc Bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây Bắc, một số tỉnh Tây Nguyên…

Phổ điểm năm nay cùng 2 năm trước tương đối ổn định. Điều này cho thấy, việc ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá chắc chắn, tạo sự ổn định cho xã hội, học sinh, phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học phổ điểm không thay đổi so với các năm trước. Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá, giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh. Từ kết quả kỳ thi cho thấy, kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn. Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển. Tỷ lệ tốt nghiệp Trung học Phổ thông toàn quốc là 98,88%.

Đề cập về một số hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thi, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong quá trình coi thi, một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi. Bên cạnh đó, việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Một số Sở Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các Sở.

Nêu những khó khăn của địa phương, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang chia sẻ, là tỉnh miền núi, biên giới nên đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, thiếu về số lượng và cơ cấu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Học sinh đi học xa nhà, phải ở trọ chiếm tỷ lệ cao dẫn tới thiếu sự quan tâm, phối hợp từ gia đình với nhà trường trong quản lý và giáo dục học sinh. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông còn khá cao. Trong bối cảnh đó, nhiều học sinh chưa thật sự có động cơ học tập, chủ yếu thi lấy điểm xét tốt nghiệp, không có nguyện vọng đi học đại học nên ý thức học tập chưa cao.

Một số cơ sở giáo dục chưa thật sự chú trọng đến công tác ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, số tiết ôn tập còn ít; chưa sàng lọc các đối tượng học sinh để ôn thi cho phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác thi thử cho học sinh, dẫn đến học sinh còn lúng túng khi làm bài thi… Do vậy, kết quả thi còn thấp so với mặt bằng chung của toàn quốc. Trong công tác tổ chức, một số cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận thông tin đăng ký dự thi của thí sinh còn để xảy ra sai sót (sai thông tin thí sinh, sai khu vực và đối tượng ưu tiên, tích thiếu mục đăng ký...).

Tại Kiên Giang, theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, toàn tỉnh có 52 trường Trung học Phổ thông nhưng có 32 trường có học sinh dưới 10 phòng thi (trong đó 13 trường có học sinh dưới 5 phòng thi) nên chỉ bố trí 26 điểm thi. Vì vậy, nhiều điểm thi phải ghép học sinh. Riêng huyện đảo Kiên Hải, học sinh quá ít phải vào đất liền thi, gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Việc vận chuyển đề thi, bài thi và cán bộ, giáo viên đi làm công tác thi tại 3 điểm thi ở thành phố Phú Quốc gặp trở ngại nếu thời tiết không thuận lợi.

Do vậy, để thực hiện tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024 và các năm tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang kiến nghị: năm 2024 tiếp tục giữ nguyên như năm 2023. Đối với Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố phương án tổ chức và Quy chế của Kỳ thi, chủ trì trong công tác ra đề và chỉ đạo thực hiện kỳ thi như hiện nay đảm bảo thống nhất trong toàn quốc, sớm công bố đề thi tham khảo để học sinh sớm tiếp cận và nắm được cấu trúc đề thi theo chương trình mới.

Là thành phố có địa bàn rộng, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi đông, với 290 cơ sở giáo dục có học sinh đăng ký dự thi. Các thí sinh tự do thuộc lực lượng vũ trang thường đăng ký dự thi muộn so với quy định vì quy định nghiêm ngặt trong quân ngũ nên khâu chuẩn bị tổ chức có phần bị động hơn. Những trường hợp vi phạm quy chế thi đa phần xảy ra đối với thí sinh tự do. Bên cạnh đó, Hà Nội có nền kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh nhất cả nước, kèm theo là sự phát triển, cập nhật, đa dạng của các phương tiện công nghệ cao, gây nguy cơ gian lận thi cử, khó kiểm soát. Việc kiểm tra, phát hiện ra những thiết bị thu phát hiện đại không được phép mang vào phòng thi đối với cán bộ coi thi còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ ổn định phương thức tổ chức kỳ thi năm 2024 như năm 2023, nhất là ổn định về thời gian tổ chức (tuần cuối của tháng 6/2024) để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch hoạt động chung của ngành; giữ ổn định khung thời gian tổ chức các khâu của kỳ thi như năm 2023 để các địa phương có quy mô thí sinh lớn kịp tiến độ tổ chức, thực hiện. Cùng với đó, Bộ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các chức năng của phần mềm Quản lý thi, tạo thuận lợi cho thí sinh và các đơn vị đăng ký dự thi, đơn vị trực tiếp tổ chức thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xây dựng và công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 trong học kỳ I của năm học 2023 - 2024 (kèm theo bộ đề minh họa các môn thi) nhằm giúp các địa phương xây dựng được kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo và ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025, Quy chế tuyển sinh đại học vào trước tháng 9/2024 để giúp các địa phương kịp tiến độ triển khai, tổ chức, phổ biến đến học sinh lớp 12 ngay từ đầu năm học 2024 - 2025, đồng thời phối hợp với các Sở, ngành có liên quan sớm tham mưu cho UBND cấp tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai Kỳ thi thống nhất với các Kế hoạch khác của địa phương.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.
Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.