Châu Phi đã đóng góp nhiều tri thức khoa học, kỹ thuật và triết học cũng như kiến thức về các kết cấu chính trị và kinh tế cho xã hội hiện đại. Châu Phi là vùng đất của sự sáng tạo nghệ thuật mãnh liệt và nền văn hóa phong phú của vùng đất này tiếp tục truyền cảm hứng và lan rộng ra toàn thế giới.
Bảo tàng Văn minh Đen chính là minh chứng rõ rệt cho những nhận định trên. Đây là một bảo tàng thế hệ mới ở châu Phi đang phát triển, nơi sự đối thoại và giao lưu giữa các nền văn minh được chú trọng để từ đó viết tiếp nên lịch sử của mình. Bảo tàng Văn minh Đen được xây dựng như một cơ sở giáo dục, mang yếu tố hội nhập và giáo dục xã hội, là nơi gặp gỡ và trao đổi trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đây là một bước quan trọng để hiện thực hóa một lục địa châu Phi với bản sắc văn hóa mạnh mẽ, với di sản chung, với những giá trị và đạo đức được xác định trong Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi.
Dự án bảo tàng này được Tổng thống Senghor phê duyệt sau Lễ hội Negro Arts đầu tiên diễn ra vào năm 1966, đã thu hút sự chú ý của ông René Maheu, cựu Tổng giám đốc UNESCO trong chuyến thăm Dakar năm 1974. Dự án được giao cho kiến trúc sư người Mexico Pedro Ramirez Vasquez, người đã thiết kế Bảo tàng Nhân chủng học Quốc gia tại Mexico City, đảm trách phần thiết kế tòa nhà, và giao cho nhà dân tộc học, nhà văn Thụy Sĩ Jean Gabus phụ trách phần nội dung bảo tàng. Nhiều năm sau, vào năm 2016 và 2017, UNESCO đã được chính quyền Senegal mời tham gia hội thảo quy hoạch và thiết kế của Bảo tàng. UNESCO đã chia sẻ trên trang web Di sản Thế giới những tư liệu về phụ nữ châu Phi, những người đã có đóng góp đặc biệt cho lục địa châu Phi và hơn thế nữa.
UNESCO hoan nghênh thành công của dự án này và sự hỗ trợ của quốc tế đối với dự án, đặc biệt là sự hỗ trợ của Trung Quốc cũng như hoan nghênh bảo tàng một số nước châu Phi, những nơi đã cử chuyên gia tham gia vào việc thiết kế trưng bày cũng như góp ý cho các bộ sưu tập được triển lãm trong bảo tàng.
Nhân lễ khánh thành, ông Ernesto Ottone R., Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về lĩnh vực Văn hóa, đã thay mặt tổ chức trao cho Tổng thống Cộng hòa Sénégal một bản sao tài liệu lưu trữ do UNESCO nắm giữ từ năm 1974. Ông Ottone nhấn mạnh hành động này không những củng cố mối quan hệ giữa tổ chức và nước Cộng hòa Sénégal, mà còn là cam kết cho sự thúc đẩy đối thoại và hòa bình. Ông cũng khẳng định, UNESCO sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển và quảng bá văn hóa ở châu Phi và đặc biệt là việc xây dựng năng lực tự quảng bá văn hóa cho các nước thuộc châu lục này.