Năm 2020 khép lại với những điều chưa từng có tiền lệ, làm đảo lộn cuộc sống của người dân toàn thế giới. Điều này cũng làm sâu sắc hơn tình trạng bất bình đẳng trong đời sống xã hội, nơi những người nghèo, người yếu thế phải nỗ lực để đảm bảo quyền sống và quyền được bảo vệ trước đại dịch COVID-19.
__________________________________
Bước vào năm 2021 với nhiều thách thức phía trước, vấn đề công bằng và bình đẳng cho tất cả người dân lại một lần nữa cần được quan tâm hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung tay và sẻ chia của toàn cầu trong việc đảm bảo cơ hội cho tất cả mọi người
Những ngày cuối năm này tại Mỹ tiếp tục nổ ra các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát. Điều này diễn ra khi nước Mỹ trong năm qua đã trải qua một mùa Hè dậy sóng với làn sóng biểu tình chưa từng có, nhằm phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực của cảnh sát, sau vụ việc anh George Floyd, người Mỹ gốc Phi, bị cảnh sát ghì cổ tới chết.
Mỹ được biết tới là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới và luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ. Tuy nhiên, tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu, vẫn âm ỉ cho dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng”. Bất chấp mọi “liều thuốc”, xung đột sắc tộc tại Mỹ được ví như một loại virus, chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ phát tác ngay khi có cơ hội. George Floyd không phải là trường hợp người Mỹ gốc Phi đầu tiên bị chết trong lúc bị cảnh sát bắt giữ, làm nổ ra các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên làn sóng chống phân biệt chủng tộc chưa khi nào lại mạnh mẽ và lan rộng như năm 2020. Biểu tình đã nổ ra trên khắp nước Mỹ - ở tất cả 50 tiểu bang và thủ đô Washington DC - bao gồm cả ở các thành phố và cộng đồng nông thôn nơi người da trắng chiếm đa số. “Black Lives Matter” ngay sau đó cũng trở thành một khẩu hiệu toàn cầu chống nạn phân biệt chủng tộc, từ châu Âu đến châu Á. Đặc biệt, tại châu Âu nổi lên làn sóng “đạp đổ tượng”, khi người biểu tình muốn xóa bỏ khỏi không gian công cộng những bức tượng của các nhân vật đại diện cho chế độ thực dân hoặc nô lệ.
Có lẽ câu nói của George Floyd: “Tôi không thở được” thốt ra khi ông bị đè chết dưới đầu gối của một cảnh sát da trắng đã chạm đến trái tim của triệu người dân trên thế giới bởi nó phơi bày một thực tế phân biệt chủng tộc từ lâu đã âm ỉ không chỉ trong lòng nước Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác. Điều đó cho thấy quyền được sống bình đẳng và hạnh phúc đang trở thành khao khát của người dân nhiều quốc gia trong bối cảnh thế giới ngày càng phát triển nhưng cũng bộc lộ rõ những sự bất cập khi các quyền cơ bản chưa được trao đầy đủ cho tất cả mọi người.
Thực tế làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề mới của nước Mỹ cũng như của thế giới, nhưng năm 2020 lại bùng phát mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn đến vậy một phần do tác động của đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 không chỉ cướp đi mạng sống của nhiều người mà còn tàn phá nặng nề các nền kinh tế, xóa sạch những tiến bộ nhiều nước đạt được trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đẩy cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới tụt hậu trở lại cả thập niên.
Với những khu vực luôn chìm trong xung đột liên miên như châu Phi hay Trung Đông, tình trạng nghèo đói đã ngấp nghé trở lại mức cách đây 30 năm. Cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd xảy ra giữa lúc đại dịch đang khiến nhiều người dân Mỹ bị buộc phải ở nhà và quốc gia này đối mặt với mức thất nghiệp cao nhất kể từ Đại suy thoái vào những năm 1930. Đại dịch đã thay đổi cách người dân thế giới sống và làm việc, dẫn đến việc có nhiều người ở nhà và tự vấn rằng “Điều gì trong cuộc sống là điều không thể chấp nhận được?”. Những thực tế phơi bày trong đại dịch chính là mồi lửa thôi thúc họ đứng lên biểu tình để đảm bảo sự công bằng trong xã hội.
Virus SARS-CoV-2 không phân biệt đẳng cấp, biên giới quốc gia hay mức độ giàu nghèo. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng xã hội được thể hiện rõ hơn trong đại dịch, khi những số liệu chính thức cho thấy những người sống tại các khu dân cư nghèo tại Mỹ có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các khu giàu có. Vấn đề công bằng và bình đẳng còn được thể hiện ở quyền tiếp cận vaccine ngừa COVID-19.
Theo báo cáo của Oxfam và các tổ chức nhân quyền khác, các quốc gia giàu có chỉ chiếm 14% dân số thế giới đã sử dụng nguồn lực và ảnh hưởng của mình để thu được 96% vaccine của Pfizer và 100% của Moderna. Các quốc gia này thậm chí còn đang lên kế hoạch dự trữ. Điều đó cho thấy một thực tế đáng buồn khi những nước giàu đang sở hữu những loại vaccine hiệu quả nhất, thậm chí còn dự trữ trong khi đó tại các nước nghèo, vaccine còn chưa đủ cho cả những đối tượng cần ưu tiên như bác sĩ tuyến đầu hay người già yếu.
Vấn đề nghiêm trọng tới mức Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thừa nhận rằng, chủ nghĩa dân tộc về vaccine phòng COVID-19 đang “lan truyền với tốc độ tối đa”, khiến người dân ở các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới phải dõi theo một số nước giàu triển khai hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 như thế nào, rồi tự hỏi liệu mình có được tiêm vaccine này hay không. Đại dịch COVID-19 lại một lần nữa cho thấy những người nghèo và người yếu thế tiếp tục bị “ bỏ lại phía sau” vào thời điểm họ đang cần sự bảo vệ nhất.
Năm 2021 được dự đoán cũng sẽ không dễ dàng đối với những người nghèo, người yếu thế khi họ phải vật lộn để có “ đủ bánh mì” trên bàn ăn hay “giành giật” để có những liều vaccine bảo vệ mạng sống của mình trước đại dịch. Thế giới cũng sẽ phải tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc xung đột kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng hơn; nguồn lực cho phát triển ngày càng thiếu hụt và vấn đề quyền con người, đặc biệt ở những khu vực có xung đột vũ trang vẫn thực sự nhức nhối; đói nghèo, bất bình đẳng, thù hận, bất công vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Nhiệm vụ khó khăn đang ở phía trước, đòi hỏi các quốc gia phải hành động, nếu không sẽ có những thảm họa khác xảy ra như nạn đói, bất ổn xã hội kéo theo tình trạng di dân hàng loạt. Ở cấp độ quốc gia, đối thoại được cho là cách hiệu quả nhất để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của người dân.
Làn sóng biểu tình tại Mỹ sau cái chết của người Mỹ gốc Phi George Floyd thực tế cũng chỉ là triệu chứng bề nổi, là giọt nước làm tràn ly với nguyên nhân sâu xa là tâm lý “ thượng đẳng da trắng”, phân biệt chủng tộc và những điều mà nước Mỹ đã không xử lý được một cách rốt ráo. Một cách tổng quát hơn, các chính trị gia có thể làm cho vấn đề tốt lên hoặc xấu đi dựa trên cách họ đối thoại và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân. Đây cũng là một trong những thách thức của chính quyền nhiệm kỳ mới.
Trong khi đó ở cấp độ toàn cầu, bài toán khó này cần trách nhiệm sẻ chia trong việc phân phối vaccine để những người nghèo cũng được hưởng quyền bảo vệ mạng sống của chính mình trong đại dịch. Ngoài ra, đó còn là sự hỗ trợ, chung tay giúp đỡ cho những quốc gia nghèo đang gặp khó khăn do tác động của đại dịch. Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cần chung tay giúp đỡ những cộng đồng, những quốc gia nghèo hơn bằng một khoản cứu trợ tương đương ít nhất 10% giá trị nền kinh tế toàn cầu. Có khó khăn trong việc hiện thực hóa lời kêu gọi hỗ trợ này vì ngay cả các nước phát triển cũng đang phải tập trung cứu người dân và nền kinh tế của mình trước tiên. Tuy nhiên Tổng thư ký Liên hợp quốc nhiều lần khẳng định, các nước giàu hơn hãy khoanh nợ, giãn nợ cho các nước nghèo hoặc ủng hộ các nước nghèo thông qua các tổ chức tài chính quốc tế, bởi ông cho rằng “Cộng đồng thế giới cùng chung số phận và chỉ có đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì người dân thế giới mới đạt được những mục tiêu chung và duy trì được những giá trị chung.”
Có thể nói đại dịch COVID-19, thảm họa lớn nhất của loài người kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, cũng chính là cơ hội để cộng đồng quốc tế nói chung và Liên hợp quốc nói riêng thúc đẩy xây dựng một thế giới bình đẳng hơn, một xã hội mà ở đó, những vấn đề lớn như giáo dục, việc làm, phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội đều được dựa trên nền tảng nguyên lý “các quyền bình đẳng” và “cơ hội cho tất cả mọi người”. Năm 2021 đang tới gần với nhiều thách thức, khó khăn đang ở phía trước, nhưng 193 nước thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ về việc giữ vững tầm nhìn, quyết tâm tiến về phía trước để khôi phục và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đúng như sứ mệnh đã được khắc ghi trong Hiến chương cách đây 75 năm.
Bài: Anh Đức
Thiết kế: Mẫn San