Món quà Giáng sinh
Triều Tiên hồi đầu tháng 12 đã đặt Lầu Năm Góc và phần còn lại của thế giới vào báo động khi cảnh báo về một món “quà Giáng sinh” mà nước này lên kế hoạch gửi cho Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/12 nói rằng Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã lên kế hoạch tặng ông một “món quà tốt đẹp” như “một chiếc bình đẹp” làm quà Giáng sinh hơn là một vụ phóng tên lửa.
“Có thể đó là món quà khi ông ấy gửi tôi một chiếc bình đẹp, trái ngược với một vụ thử tên lửa”, Tổng thống Trump nói. “Tôi có thể nhận một món quà tốt đẹp từ ông ấy. Bạn không biết. Bạn không bao giờ biết”.
Bức ảnh vệ tinh mới về một nhà máy nơi Triều Tiên sản xuất các thiết bị quân sự cho vụ phóng tên lửa tầm xa cho thấy có các cấu trúc mới.
Lời “hứa hẹn” về món quà Giáng sinh của Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh lời cam kết đem lại nền kinh tế thịnh vượng cho đất nước của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa được hiện thực hóa.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên có không nhiều lựa chọn cho năm tới. Chiến lược của Triều Tiên năm 2020, sẽ giống với những điều mà nước này từng làm trong năm 2017 hơn là những gì đã diễn ra kể từ khi ông Kim có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong năm 2018.
Các chuyên gia dự đoán về một năm “sóng gió” phía trước, tương tự như năm 2017 với khẩu chiến và dọa dẫm, thậm chí Tổng thống Trump khi đó còn nói rằng nếu Triều Tiên không ngừng đe dọa Mỹ, họ sẽ gặp phải “lửa và giận giữ” chưa từng có.
Trong năm 2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân mới nhất, 17 vụ thử tên lửa – trong đó có Hwasong-15 có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Có thể vì đã hoàn thành mục tiêu trong năm 2017, căng thẳng dịu đi trong năm 2018. Ông Kim tuyên bố ông muốn chuyển hướng chính sách song hành (byungjin) về phát triển đồng thời cả vũ khí hạt nhân và kinh tế Triều Tiên, sang tập trung vào mục tiêu kinh tế.
Nguy cơ lặp lại kịch bản “lửa và giận dữ”
Cuộc gặp của Kim và Trump ở Singapore tháng 6/2018 dường như đem lại một cơ hội lớn: nếu Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và các vụ phóng tên lửa, Mỹ sẽ chấm dứt trừng phạt và giúp Triều Tiên xây dựng nền kinh tế.
Tuy nhiên, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 ở Hà Nội hồi tháng 2/2019 thất bại, cơ chế trừng phạt quốc tế mới – chặn nguồn thu từ xuất khẩu của Triều Tiên bằng cách cấm vận xuất khẩu hải sản, sắt và quặng sắt– vẫn có hiệu lực, nền kinh tế của Triều Tiên vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cuộc gặp thứ 3 giữa ông Trump và ông Kim ở khu phi quân sự (DMZ) liên Triều hồi tháng 6/2019 cũng đã không thay đổi được tình hình.
Ngày 22/12, Triều Tiên ám chỉ sẽ quay trở lại cách tiếp cận ngoại giao truyền thống “miệng hố chiến tranh” để gia tăng sức ép với giới chức cả Mỹ và Hàn Quốc.
Hãng thông tấn KCNA đưa tin, ông Kim nói trong một cuộc họp của Ủy ban quân ủy trung ương rằng ông sẽ tìm cách “đẩy mạnh các lực lượng vũ trang của Triều Tiên cả về quân sự và chính trị”.
Theo ông Mark Tokola, cựu Phó Đại sứ Mỹ tại ở Hàn Quốc, điều này có thể phản ánh sự thất vọng của ông Kim.
“Theo các đồng nghiệp Hàn Quốc của tôi, các biện pháp trừng phạt dường như có hiệu quả. Nó có tác động lớn đối với Triều Tiên”, ông Tokola nói.
Nền kinh tế Triều Tiên dự kiến sẽ còn tệ hơn trong năm tới, do các công nhân Triều Tiên ở nước ngoài – những người đem lại nguồn thu ngoại tệ đều đặn – bị yêu cầu phải về nước trước thời hạn chọn 22/12 theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Truyền thông Hàn Quốc ước tính rằng, khoảng 100.000 người Triều Tiên làm việc ở gần 40 nước trong năm 2019, và khoảng 80% số này là làm việc ở Trung Quốc và Nga. Những công nhân này đem lại nguồn thu nhập khoảng 300 triệu USD mỗi năm cho Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt tiếp tục ảnh hưởng, “Ông Kim dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài một sự khiêu khích quân sự”, theo nhà ngoại giao cấp cao Hàn Quốc ở Seoul, đề nghị giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tránh kịch bản “lửa và giận dữ” phiên bản 2.0”, nhà ngoại giao này nói, đồng thời nhấn mạnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên có thể trở lại như mức của năm 2017.
Hành động khiêu khích không vượt “ranh giới đỏ”?
“Quả thực, sẽ rất khó tránh leo thang những căng thẳng như thế này”, Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm về Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington nói.
“Tôi nghĩ Triều Tiên đã buộc phải quyết định rằng một sự thể hiện sức mạnh là điều cần thiết để thúc đẩy Mỹ đi đến nhượng bộ. Triều Tiên, khi cố gắng đưa Mỹ trở lại bàn ‘mặc cả’, có thể muốn thể hiện rằng, chương trình tên lửa của họ (không nghi ngờ gì) có thể tác động tới Mỹ”, ông Kazianis nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bruce Klingner, một cựu quan chức CIA, nói rằng, năm 2020 có thể sẽ chứng kiến Kim khôi phục lại sự khiêu khích. “Bình Nhưỡng có thể sẽ tăng nấc thang căng thẳng để có được sự nhượng bộ trước khi trở lại đàm phán ngoại giao. Các lựa chọn sẽ bao gồm cả phóng tên lửa tầm trung và tầm xa hoặc thiết bị không gian trước khi vượt “giới hạn đỏ” của ông Trump về thử hạt nhân và ICBM”.
“Họ cũng có thể khôi phục các bãi thử hạt nhân đã dỡ bỏ, công bố hệ thống tên lửa mới hay tàu ngầm, hoặc các hành động khiêu khích quân sự cấp thấp ở Vùng biển phía Tây gần Hàn Quốc”, ông Klingner cho biết thêm.
Lựa chọn chính của Mỹ là duy trì trừng phạt?
Về phần mình, Mỹ có thể sẽ vẫn để ngỏ các cuộc tấn công quân sự phủ đầu như một lựa chọn để giải quyết “vấn đề Triều Tiên” trong năm tới.
Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley ngày 20/12 nói rằng quân đội Mỹ “được chuẩn bị mọi thứ” nhằm đáp lại sự khiêu khích từ Triều Tiên.
Ý tưởng Mỹ tấn công vào các căn cứ quân sự Triều Tiên được nhắc lại hồi đầu tháng này, khi Tướng Charles Brown Jnr, Tư lệnh không quân Thái Bình Dương (thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ) nói rằng, quân đội Mỹ có thể nhanh chóng trở lại các kế hoạch đã sử dụng trong năm 2017 khi chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc mọi lựa chọn. Công việc của tôi là đưa ra mọi lời khuyên về quân sự, để các nhà lãnh đạo cân nhắc mức độ nào họ muốn”, ông nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, hành động quân sự vẫn là không cần thiết và vẫn có những phương pháp ngoại giao để gây sức ép với Triều Tiên.
Theo ông Klingner, Mỹ có nhiều cách gây sức ép với Bình Nhưỡng, trong đó có cả việc khôi phục hoàn toàn các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, trừng phạt các thực thể Trung Quốc liên quan tới việc rửa tiền cho Triều Tiên.
“Đẩy mạnh cơ chế trừng phạt, đặc biệt là nhằm vào các doanh nghiệp, các thực thể hay cá nhân nước ngoài có liên hệ với Triều Tiên, có thể là lựa chọn hàng đầu của Mỹ”, Soo Kim – một nhà phân tích trước đây của CIA cho biết.
Trong khi đó, Kristine Lee, một nhà nghiên cứu về châu Á- Thái Bình Dương tại Trungg tâm An ninh Mỹ mới cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục để ngỏ cánh cửa ngoại giao, cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản đối phó “thách thức kép” mà Triều Tiên và Trung Quốc dấy lên đối với các lợi ích của Mỹ ở Đông Bắc Á.