Kiểm soát lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành giá phù hợp với một số mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, đời sống người dân và doanh nghiệp.
Quang cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo về kết quả công tác điều hành giá.
Quang cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo về kết quả công tác điều hành giá.

Ngày 11/10, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành Giá đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng năm 2023 và định hướng những tháng còn lại của năm 2023.

Điều hành sát và quyết liệt

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương lưu ý, khi chỉ số chung CPI được kiềm chế ở mức thấp, các bộ, ngành cần chủ động hơn để điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý hoặc các dịch vụ công đang triển khai theo lộ trình cho phù hợp, hiệu quả.

Theo ông, năm 2024 công tác quản lý, điều hành giá sẽ chịu sức ép lớn hơn, do tác động của việc triển khai thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, giá điện,...

Do đó, các bộ, ngành cần tính toán kỹ, đánh giá tác động để đề xuất mức điều chỉnh phù hợp.

Liên quan đến giá dịch vụ khám, chữa bệnh, đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ đã ban hành Thông tư số 13 quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế công lập.

Sau khi ban hành Thông tư, nhìn chung thị trường phản ứng tích cực. Có những bệnh viện trước thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh cao hơn đã điều chỉnh thấp xuống, nhiều bệnh viện giá thu thấp hơn thì được nâng lên.

Có những bệnh viện trước đây chưa làm dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, khi có thông tư đã đưa dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu vào hoạt động. Giá dịch vụ trong tầm kiểm soát.

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng thông tư giá dịch vụ khám, chữa bệnh để kết cấu tiền lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng.

Đại diện Bộ chia sẻ mong muốn Chính phủ cho phép sớm ban hành thông tư này, vì đội ngũ y, bác sĩ vẫn được nhận lương theo mức này từ ngày 1/7, trong khi chưa ban hành thông tư thì chưa kết cấu vào giá dịch vụ những khoản này được.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng khi lương cơ bản đã tăng từ 1/7/2023 trong khi hiện chưa ban hành được thông tư là quá chậm. Cơ cấu chi phí tăng thì giá dịch vụ tịnh tiến tăng là điều bình thường.

Về dịch vụ giáo dục (học phí), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81 /2021/NĐ-CP (quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo).

Năm học 2023-2024 học phí của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giữ như năm học trước. Đối với giáo dục đại học, lùi lộ trình tăng học phí 1 năm so với Nghị định 81, điều này tác động không lớn đến CPI.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chia sẻ, qua tổng hợp và tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu thực hiện theo lộ trình của Nghị định 81 thì năm 2023 tác động vào chỉ số CPI tăng cao nhất cũng chỉ 0,52% và như vậy chỉ số CPI chỉ là 3,64%, còn xa so với mức Quốc hội giao.

“Qua đó, rút ra bài học trong quá trình điều hành giá, chúng ta rất sát, rất quyết liệt. Tuy nhiên, có những lúc, có thời điểm có lẽ chúng ta quá thận trọng, một phần do bộ, ngành tham mưu chưa tới. Đúng như Phó Thủ tướng chỉ đạo, phải tính toán kỹ và sớm hơn để có kịch bản điều hành phù hợp,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu, các thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước về các yếu tố tác động đến lạm phát của năm 2023, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát.

Kiểm soát lạm phát, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp ảnh 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu.

Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022. Kịch bản 2, CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại đều tăng một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 3 tháng còn lại, CPI mỗi tháng so với tháng trước còn dư địa tăng khoảng 2,58% để CPI bình quân năm 2023 tăng 4,5% so với năm 2022…

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự báo các yếu tố tác động và đề xuất các giải pháp điều hành giá trong thời gian tới.

Chốt thời hạn trình phương án điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành giá hết sức linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, Ban Chỉ đạo điều hành giá đề xuất, tham mưu kịp thời.

Các ngành, các cấp đã vào cuộc đồng bộ, hiệu quả trong việc kiểm soát giá cả, cung ứng hàng hóa cũng như triển khai các biện pháp quản lý giá theo quy định của pháp luật, ngăn chặn hiệu quả tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái quy định…

Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể đạt được các mục tiêu Quốc hội giao về điều hành giá, quản lý lạm phát.

Phân tích sâu về công tác điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá cặn kẽ, kỹ lưỡng việc triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, nhất là đối với một số sắc thuế lớn ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước, để quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu về dự toán, bảo đảm ngân sách nhà nước “thu phải đủ chi.”

Thành viên Ban Chỉ đạo tham mưu để điều hành CPI ở mức hợp lý, theo mục tiêu Quốc hội đề ra, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống người dân, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành giá phù hợp đối với một số mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Xăng dầu, khí hóa lỏng, điện, dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm…

Lưu ý đến giá xăng dầu và giá mặt hàng lương thực, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, đánh giá các tác động để chủ động có giải pháp kịp thời, phù hợp.

Về các giải pháp chung, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục giữ ổn định, không để ảnh hưởng, theo dõi sát tình hình để điều hành, nhất là đối với những mặt hàng nền kinh tế đất nước chưa chủ động để có giải pháp phù hợp, giữ chỉ số lạm phát theo mục tiêu.

Đối với thu ngân sách, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình để chỉ đạo ngành Thuế triển khai các giải pháp để thực hiện được nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo trình Trung ương, đạt được dự toán đã đề ra. Đồng thời, chuẩn bị giải pháp để xử lý đối với những địa phương bị hụt thu ngân sách.

Về chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng lưu ý theo sát tình hình, giữ tỷ giá ổn định, giữ giá trị đồng tiền ở giá hợp lý, không tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô.

Đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu khác, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và người dân để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với một số mặt hàng, dịch vụ quan trọng. Về giá điện, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình phương án điều chỉnh giá trước ngày 25/10/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trình tự, thủ tục quy định.

Đối với xăng dầu, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối của cả nước; sẵn sàng các biện pháp xử lý kịp thời về giá khi thị trường có biến động.

Đối với Bộ Y tế, căn cứ vào thẩm quyền và sự cần thiết, Phó Thủ tướng đề nghị trình Chính phủ cho ý kiến đối với phương án điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 10/2023; cân nhắc ban hành Thông tư về giá dịch vụ y tế theo trình tự rút gọn./.

Theo Vietnamplus
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.