Kiến nghị xem xét việc đóng thuế với một số khoản thu trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Thời gian gần đây, nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh về việc phải đóng thuế một số khoản thu trong trường học, nhất là khoản thu tiền ăn bán trú, là chưa hợp lý.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên các trường công lập của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các khoản thu thống nhất theo Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Nghị quyết quy định bốn nhóm khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục gồm: Nhóm I là các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa; nhóm II là các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án; nhóm III là các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú và nhóm IV là các khoản thu hỗ trợ cá nhân học sinh.

Nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh về việc phải đóng thuế một số khoản thu trong nhóm III, IV theo Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND, nhất là khoản thu tiền ăn bán trú, là chưa hợp lý. Tiếp nhận phản ánh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Cục Thuế Thành phố đề nghị xem xét, hướng dẫn chính sách thuế đối với các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tại Luật Thuế Giá trị gia tăng, khoản 13 Điều 5 quy định: “Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật” là đối tượng không chịu thuế đóng giá trị gia tăng.

Theo khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau: “Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp".

Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ Mầm non đến Trung học Phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, các khoản thu quy định tại nhóm III là các khoản thu về nuôi giữ trẻ Mầm non, ở bán trú (ăn uống, ngủ nghỉ) của học sinh phổ thông, có tính chất tương tự khoản thu về ở nội trú quy định tại khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC. Các khoản thu quy định tại nhóm IV là các khoản thu hộ, chi hộ hỗ trợ cá nhân học sinh trong quá trình sinh hoạt, học tập, rèn luyện tại trường. Các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện các khoản thu trên nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đảm bảo bù đắp chi phí phải trả cho nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và không phát sinh giá trị gia tăng hay chênh lệch giữa giá mua từ nhà cung cấp với tiền thu từ học sinh.

Thực hiện Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND, các cơ sở giáo dục công lập chỉ được thực hiện mức thu không vượt quá mức tối đa quy định tại Nghị quyết. Do đó, chi phí thuế là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, trong khi hiện nay vấn đề chất lượng bữa ăn, nước uống, nghỉ ngơi của học sinh nhận được sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục, phụ huynh và dư luận xã hội.

Để có cơ sở triển khai cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thuế, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Cục Thuế có ý kiến trao đổi, hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có) đối với các khoản thu quy định tại Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND, đặc biệt là các khoản thu quy định tại nhóm III và nhóm IV.

Theo thước đo của Liên hợp quốc, các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên được coi là xã hội già hóa, trên 14% là “xã hội già,” trong khi trên 20% là “xã hội siêu già." Nguồn: The Korea Times
Hàn Quốc chính thức trở thành xã hội "siêu già"
(Ngày Nay) - Tính đến ngày 23/12, Hàn Quốc có 10,24 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 20% tổng dân số 51,22 triệu người của cả nước, chính thức trở thành xã hội "siêu già theo thước đo của Liên hợp quốc.
Tiết mục xiếc thú vui nhộn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các bạn nhỏ (Ảnh: Vân Hương).
Xiếc Việt nỗ lực chuyển mình trong kỷ nguyên mới
(Ngày Nay) - Những năm gần đây, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã mạnh dạn sáng tạo và tìm tòi những cách thức độc đáo để “làm mới”. Loại hình nghệ thuật này đang dần khẳng định sức hút riêng và trở thành điểm sáng trong bức tranh nghệ thuật nước nhà.