Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19, một trong những mức sụt giảm mạnh nhất được dự đoán là lượng kiều hối quốc tế. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán này, báo cáo tháng 5/2021 của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng lượng kiều hối vẫn ổn định, chỉ giảm 1,6% vào năm 2020 so với năm 2019.
Kiều hối đóng vai trò là nguồn tài chính quan trọng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Trong 20 năm qua, dòng kiều hối đã tăng giá trị gấp 5 lần. Hơn 70 quốc gia dựa vào kiều hối (chiếm hơn 4% GDP). Kiều hối là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.
Người lao động nhập cư gửi trung bình 200 - 300 đô la Mỹ về nhà mỗi một hoặc hai tháng. Con số này chỉ chiếm 15% số tiền họ kiếm được. Những gì họ gửi có thể chiếm tới 60% tổng thu nhập của một hộ gia đình và cứu cánh cho hàng triệu gia đình. Cứ bảy người trên thế giới thì có một người (ước tính tổng cộng khoảng 800 triệu người) được hưởng lợi từ những dòng chảy này.
Hơn 50% lượng kiều hối được gửi đến các hộ gia đình ở các vùng nông thôn, nơi 75% người nghèo trên thế giới sinh sống. Các hộ gia đình nông thôn dựa vào các dòng chảy này để cải thiện sinh kế, tăng khả năng phục hồi và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Trên toàn cầu, dòng chảy tích lũy đến khu vực nông thôn trong 5 năm tới sẽ đạt 1 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Khoảng 75% kiều hối được sử dụng cho mục đích xóa đói và trang trải chi phí dịch vụ y tế, học phí hoặc chi phí nhà ở. Trong thời kỳ khủng hoảng, người lao động nhập cư có thể gửi nhiều tiền hơn về nhà để trang trải cho những vụ mất mùa hoặc những trường hợp khẩn cấp của gia đình. Khoảng 25% lượng kiều hối, chiếm hơn 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, có thể được tiết kiệm hoặc đầu tư vào xây dựng tài sản hoặc các hoạt động tạo ra thu nhập, việc làm hay chuyển đổi kinh tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Từ năm 2015 đến năm 2030, ước tính có 8,5 nghìn tỷ đô la Mỹ do người di cư gửi trở lại cộng đồng gốc của mình tại các nước đang phát triển. Trong số đó, hơn 2 tỷ đô la Mỹ sẽ được tiết kiệm hoặc đầu tư.
Người di cư đóng góp một phần vô cùng quan trọng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua hình thức chuyển tiền và đầu tư, góp phần xóa đói giảm nghèo (SDG 1 và 2), đảm bảo sức khỏe tốt (SDG3), giáo dục chất lượng (SDG 4), nước sạch và vệ sinh (SDG 6), tạo thêm việc làm và tăng trưởng kinh tế (SDG 8) và loại bỏ bất bình đẳng (SDG 10). Đóng góp của cộng đồng này cho sự phát triển, thông qua kiều hối và đầu tư, cũng đã được ghi nhận trong Mục tiêu 20 của Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 12/2018.
Một trong những lý do cơ bản được cho là do dòng kiều hối vẫn có thể đi đến chặng đường cuối bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, là việc người lao động nhập cư và gia đình áp dụng công nghệ kỹ thuật số. Số hóa, cả trực tuyến và di động, đã trở thành một chất xúc tác và một yếu tố thúc đẩy dòng chuyển tiền. Đặc biệt, thống kê từ Triển lãm Di động Toàn cầu GSMA năm 2021 cho thấy lượng kiều hối di động tăng 65%, đạt 1,2 tỷ đô la Mỹ cho đến năm 2020. Chi phí giao dịch tương đối tốn kém và đang được đặt mục tiêu giảm xuống dưới 3% vào năm 2030. Việc cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ di động, số hóa và blockchain, đi cùng với thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi hơn cũng được đặc biệt chú trọng.