Số ca mắc bệnh và tử vong tăng cao
Kể từ sau khi dịch COVID-19 khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12-2019, dịch bệnh đã lây lan tại khoảng 20 nước Mỹ Latinh, khiến hơn 10.000 ca nhiễm SARC-CoV-2 với hàng trăm ca tử vong đã được ghi nhận tại khu vực này.
Tại Brazil, tâm dịch của Mỹ Latinh, ngày 4-4, Bộ Y tế Brazil thông báo thêm 73 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên 432 ca. Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh cũng tăng từ mức 9.056 người lên 10.278 người trong vòng 24 giờ qua. Bang Sao Paulo, nơi tập trung đông dân nhất và giàu có nhất Brazil, cũng ghi nhận số ca nhiễm và tử vong vì bệnh COVID-19 cao nhất cả nước, với 4.466 ca nhiễm và 260 ca tử vong. Bộ Y tế Brazil cảnh báo Thủ đô Brasilia và các bang Ceara, Amazonas, Rio de Janeiro và Sao Paulo có thể chuyển từ giai đoạn lây nhiễm cộng đồng sang giai đoạn bùng phát dịch bệnh "mất kiểm soát" vì những vùng này đang có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn cả.
Trước đó, nhằm đối phó với dịch COVID-19, ngày 19-3, Brazil tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ với hầu hết các quốc gia láng giềng trong 15 ngày. Theo đó, Brazil đình chỉ hoạt động nhập cảnh qua đường bộ đối với tất cả các quốc gia láng giềng. Lệnh hạn chế không áp dụng đối với những người nước ngoài thường trú tại Brazil, các nhà ngoại giao và quan chức các tổ chức quốc tế cũng như các xe tải chở hàng hóa.
Ngày 5-4, Chính phủ Haiti thông báo nước này ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19, trong tổng số 21 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia vùng Caribe tới thời điểm hiện nay.
Cùng ngày, Bộ Y tế Cuba thông báo trong 24 giờ qua nước này có thêm 2 trường hợp công dân tử vong và 32 ca mắc COVID-19 mới trên cả nước, trong đó có 1 trường hợp là cụ bà 101 tuổi, người cao tuổi nhất Cuba được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. Tính tới nay đảo quốc Caribe đã có tổng cộng 320 người dương tính với virus SARS-CoV-2 và 8 người tử vong.
Tại Argentina ghi nhận thêm 103 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 1.554 người, trong đó có 45 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm, 695 ca là những người trở về từ nước ngoài, 536 trường hợp do tiếp xúc trực tiếp với các ca dương tính được xác định trước đó, 148 ca lây lan trong cộng đồng và số còn lại chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 5-4, Bộ trưởng Y tế Argentina Gines Gonzalez một lần nữa nhấn mạnh biện pháp cách ly xã hội bắt buộc mà chính phủ ban hành đang hạn chế được sự bùng phát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, đồng thời giúp cho cơ quan y tế khoanh vùng được các ca nhiễm bệnh và các đối tượng tiếp xúc liên quan để có hướng xử lý phù hợp. Cùng ngày, Tổng thống nước này Alberto Fernandez ký sắc lệnh cho phép chính quyền các địa phương áp dụng luật bảo vệ cạnh tranh và thực hiện quyền kiểm soát đối với giá cả các mặt hàng nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ và đẩy giá hàng hóa trong giai đoạn dịch COVID-19 đang hoành hành hiện nay.
Cũng trong ngày 5-4, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc bệnh COVID-19 do virus SARV-CoV-2 đã lên đến 2.143 người, trong đó 94 ca tử vong, và 5.209 người nghi ngờ nhiễm bệnh. Cơ quan y tế Mexico cảnh báo số ca tử vong có thể sẽ tăng mạnh do tỉ lệ người dân Mexico về thừa cân và béo phì ở mức cao chiếm trên 70% tổng dân số. Thừa cân và béo phì là cơ sở của các bệnh nền như tiểu đường và tim mạch. Trước tình hình dịch bệnh ngày một lan rộng, Bộ Y tế dự báo dịch bệnnh COVID-19 sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) ở Mexico trong vòng 3 tuần tới. Cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết. Hiện một số thành phố của Mexico đã hủy hoặc hoãn tất cả các sự kiện công cộng.
Tại Ecuador, tính tới thời điểm hiện tại, quốc gia Mỹ Latinh này đã ghi nhận chính thức 180 người chết do COVID-19. Trong khi đó, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Ecuador đã lên tới 3.646 người với Guayaquil là thành phố chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch. Ngày 5-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Ecuador Ernesto Carrasco cho biết có khoảng hơn 1.600 nhân viên y tế của nước này có thể đã mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-Cov-2) gây ra. Theo ông Carrasco, tới nay đã xác định chính thức có 10 trường hợp tử vong do làm việc trong hệ thống y tế công cộng, và các bệnh nhân tử vong, còn lại là do lây nhiễm cộng đồng. Trước đó, Chính phủ Ecuador đã ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đồng thời đóng cửa trường học, cấm tất cả các chuyến bay để phòng ngừa dịch bệnh lây lan.
Trong khi đó, tại các nước Mỹ Latinh khác tình hình dịch COVID-19 cũng diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể tại Colombia, hiện nước này có tổng cộng 231 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Chính phủ Colombia đã ra lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh bằng đường hàng không đối với các công dân nước ngoài.
Tại Venezuela, tính đến thời điểm này, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 là 107 người. Trước đó, ngay sau khi phát hiện ca đầu tiên nhiễm COVID-19 vào ngày 26-3, Chính phủ Venezuela đã sớm ban bố lệnh cách ly trên phạm vi toàn quốc, hạn chế các hoạt động làm việc trừ các lĩnh vực thiết yếu như y tế và lương thực thực phẩm. Chính phủ cũng tiến hành ra soát tất cả những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao để giám sát y tế.
Với hơn 1.600 ca nhiễm và 5 ca tử vong, chính phủ Chile đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh phòng chống dịch COVID-19, như đóng cửa trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, rạp chiếu phim... Chính phủ Chile cũng quyết định ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, cụ thể từ 22h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Ngoài biện pháp trên, tất cả những người nhập cảnh Chile đều phải bắt buộc cách ly trong 14 ngày. Nhà chức trách Chile đã thiết lập các trạm kiểm soát y tế và an ninh giữa các vùng và địa phương trên cả nước, trong đó thị trấn cảng Puerto Williams bị cách ly hoàn toàn vì bị xác định là một ổ dịch và chỉ cho phép các xe vận chuyển đồ tiếp tế và dược phẩm đi qua.
Còn tại Costa Rica, theo số liệu của Bộ Y tế Costa Rica, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đến nay đã tăng lên 69 ca và 1 trường hợp tử vong kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào ngày 6-3 vừa qua. Kể từ ngày 16-3, Chính phủ Costa Rica đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng các nguồn lực đối phó với COVID-19, đồng thời ra lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh từ ngày 19-3, đóng cửa tất cả các quán bar, sàn nhảy và sòng bài. Các quán ăn, rạp chiếu phim, nhà hát và trung tâm thương mại chỉ được mở cửa 50% và áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt.
Tại Paraguay, dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp với 27 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca tử vong. Chính phủ nước này đã phải đóng cửa một phần các cửa khẩu biên giới với Brazil và Argentina, cũng như hạn chế người dân đi lại vào ban đêm. Bên cạnh đó, tạm ngừng các hoạt động thường ngày, ngoại trừ dịch vụ y tế, cứu hộ, ngân hàng, sản xuất và phân phối sản phẩm. Trong khi đó, Bộ Y tế Cộng hòa Dominicana xác nhận nước này có tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 là 5 người.
Tới thời điểm hiện tại, ngoài các nước trên, tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe các nước Peru, Uruguay, Paraguay, Panama, Bolivia, Honduras và Jamaica cũng đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ các nước này đã triển khai hàng loạt các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, El Salvador, nước chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 tới thời điểm này, đã tuyên bố ngăn chặn dòng người di cư từ Honduras đi qua lãnh thổ nước này để tìm đường tới Mỹ, bất chấp thỏa thuận ký kết giữa các quốc gia Trung Mỹ về tự do đi lại của công dân. Guatemala cũng cấm toàn bộ công dân châu Âu nhập cảnh vào nước này để phòng ngừa sự lây lan của SARS-CoV-2.
Kinh tế rơi vào suy thoái sâu
Do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Liên hợp quốc dự báo kinh tế Mỹ Latinh có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái sâu. Ngày 5-4, Giám đốc Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc, bà Alicia Bárcena cho biết Mỹ Latinh đang tiến tới đợt suy thoái sâu trong năm nay, với GDP khu vực được dự báo sẽ giảm 1,8%-4% do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giá trị xuất khẩu của khu vực có thể cũng rơi xuống mức âm 10,7%, qua đó có thể khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tới 25,3 triệu lao động trên toàn bộ dân số lao động 313 triệu người của khu vực. Số lượng người nghèo cũng có thể tăng từ 186 triệu lên tới 220 triệu, trong khi số người trong diện nghèo cùng cực sẽ tăng từ 67,5 triệu lên 90,8 triệu.
Theo bà Bárcena, khủng hoảng kinh tế liên quan tới đại dịch COVID-19 sẽ tác động tới khu vực qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm sự sụt giảm trong giao thương với các đối tác thương mại và những nhà nhập khẩu chính của khu vực như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu; nguồn thu từ du lịch được dự báo giảm tới 25% và các nước Caribe sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất; sự gián đoạn của các chuỗi giá trị toàn cầu khiến sản xuất bị đình trệ đặc biệt tại Mexico và Brazil do 2 nền kinh tế đứng đầu khu vực phụ thuộc vào nguyên liệu và sản phẩm trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc; giá sản phẩm cơ bản giảm tác động xấu tới các nước xuất khẩu nguyên liệu ở Nam Mỹ; và đầu tư nước ngoài trực tiếp giảm do rủi ro trong bối cảnh dịch tăng cao. LHQ dự báo GDP của Mexico sẽ tăng trưởng âm 4%-7% trong năm 2020 do dịch COVID-19 tác động mạnh tới nhu cầu các sản phẩm của nước này.
Bà Bárcena khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực tăng cường các biện pháp kinh tế, tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm tăng chi tiêu xã hội, giảm lãi suất, đình chỉ thu nợ ngân hàng, cung cấp hạn mức tín dụng để thanh toán tiền lương của công ty và tránh tình trạng thiếu hàng cơ bản. Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất khỏi cuộc khủng hoảng, đặc biệt là người già, khu vực thu nhập thấp, người nghèo và phụ nữ do vai trò kép của họ vừa là người lao động và người chăm sóc gia đình.
Giám đốc CEPAL Bárcena cũng kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và các biện pháp bao vây cấm vận đơn phương khiến cho người dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ và hàng hóa cần thiết.
Có thể thấy, vốn từng ví như "ngôi sao đang lên" của thế giới trong giai đoạn "phát triển vàng" 2003-2013, Mỹ Latinh giờ đây đang chật vật giải quyết những khó khăn kinh tế. Năm ngoái, tăng trưởng khu vực này chỉ đạt 0,1%. Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các thị trường chứng khoán chính của Mỹ Latinh đã chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19 bùng phát, với giá trị một số tiền tệ lao dốc so với đồng USD. Những biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, sự sụt giảm giá nguyên liệu thô và ngành du lịch điêu đứng do đại dịch đã khiến triển vọng kinh tế khu vực càng ảm đạm.
Hiện các quốc gia trong khu vực vẫn đang thực thi các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế. Peru đã cam kết cung cấp các khoản vay mới với giá trị 8,5 tỷ USD cho 350.000 doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ trả lương cho nhân viên và nhà cung cấp. Trong khi đó, Chính phủ Venezuela thông báo về một "kế hoạch đặc biệt" nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu do dịch bệnh bùng phát và các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã thông qua khoản tín dụng trí giá 245 triệu USD cho một số nước Mỹ Latinh để giúp các quốc gia này mua trang thiết bị, vật tư y tế. Thông báo của WB cho biết, các nước Ecuador, Bolivia và Paraguay sẽ nhận được 20 triệu USD mỗi nước, còn Argentina sẽ nhận 35 triệu USD và Cộng hòa Dominicana được hưởng một gói 150 triệu USD.
Trong khi đó, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cũng cảnh báo có tới 85 triệu trẻ em trong độ tuổi đi học đang được hưởng các chương trình bữa ăn học đường trên toàn khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng sau khi nhiều trường học đóng cửa do dịch COVID-19. Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với việc đảm bảo an ninh lương thực và chế độ dinh dưỡng cho nhóm đối tượng dễ tổn thương này./.