Nếu tình trạng này không được giải quyết trong thời gian sớm nhất, thì nguy cơ xuất hiện một làng ung thư là điều có thể xảy ra.
Nước suối đen như mực, bốc mùi hôi thối
Qua đường dây nóng, Ngày Nay Online nhận được thông tin từ người dân tại thôn Đồng Bục (xã An Thượng, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) phản ánh về vụ việc liên quan đến mức độ ô nhiễm trầm trọng của con suối chảy qua thôn này và nhiều nơi khác, chỉ vì sự xuất hiện của một khu chế biến tinh bột sắn từ khoảng 3 tháng nay. Để xác minh thông tin, Pv đã tìm đến tận nơi.
Bà An Thị Huệ lo lắng vì ô nhiễm nguồn nước.
Đúng như phản ánh của người dân, chỉ cần đến đầu thôn Đồng Bục, chúng tôi đã cảm nhận được mùi hôi thối khó chịu. Theo chỉ dẫn của người bản địa, chúng tôi đã tiếp cận con suối, một cảnh tượng “hiếm” có đập vào mắt, đó là màu nước đen như mực, mùi thối nồng nặc xộc lên mũi, nếu đứng lâu nhìn chăm chú vào dòng suối, mắt có thể bị cay xè và liên tục bị hắt hơi.
Mặc dù dưới con suối vẫn còn đó những cánh bèo trôi nổi, nhưng đa số đã biến màu, một số khác thì đang trong tình trạng chết vàng. Ven hai bên bờ suối, những đám cỏ cũng bắt đầu tàn đi. Theo quan sát của chúng tôi, thôn Đồng Bục có quang cảnh khá bắt mắt, với nhiều đồi bát úp bạt ngàn cây cỏ nằm xen kẽ nhau, phía dưới là con suối Đồng Bục chảy êm đềm, nếu như màu nước không bị đen vì ô nhiễm thì đứng xa nhìn vào ngôi làng như một khu sinh thái tuyệt đẹp.
Mặc dù con suối màu đen sì, còn mùi hôi thối vẫn hàng ngày bốc lên, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra, nhưng là diễn ra trong sự lo âu, sợ hãi. Nhất là những gia đình ở sát ngay bên con suối, hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm nguồn nước. Không kể thời gian, thời tiết, mùi khó chịu lúc nào cũng có, nhất là những hôm trời nắng, mùi nước thối càng nặng hơn.
Nguy cơ xuất hiện làng ung thư?
Nguồn nước suối bị ô nhiễm trầm trọng.
Theo phản ánh của người dân thì không những thôn Đồng Bục mà cả thảy trên dưới 10 thôn của xã An Thượng (thôn Đồng Bục, thôn Cầu Đá, thôn Cầu Thầy, thôn Hồng Lĩnh...) đã bị ảnh hưởng trầm trọng từ nguồn nước suối bỗng dưng bị ô nhiễm này. Vậy nguồn nước suối bị ô nhiễm này bắt nguồn từ đâu?
Bà An Thị Huệ (SN 1958, thôn Đồng Bục) bức xúc: “Con suối ô nhiễm bắt nguồn từ chất thải của một khu chế biến tinh bột sắn ở gần đây thuộc thôn Tiến Thịnh, xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế. Đó là xí nghiệp của một gia đình, họ đã để chất thải sản xuất ra đồng ruộng và dẫn xuống con suối Đồng Bục. Chúng tôi đã khiếu kiện lên huyện, và có đại diện huyện về kiểm tra rồi, nhưng lại thấy gia đình họ vẫn cứ tiếp tục sản xuất, hoạt động bình thường như ở chốn không người”.
Theo lời bà Huệ thì khu chế biến ở cách thôn Đồng Bục khoảng hơn 1 km thuộc sở hữu của gia đình ông bà Thọ Ly. Từ ngày khu chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động, gia đình bà phải sống trong cảnh “sống dở chết dở” bởi nguồn nước đã ảnh hưởng đến không khí thở, cũng như tác động xấu lên tất cả sinh hoạt trong gia đình.
Nhà bà Huệ cũng như bao gia đình khác trong thôn Đồng Bục, công việc chính là trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng khoảng 3 tháng nay, gia đình bà phải bỏ ruộng vì không có nước tưới, còn các con vật nuôi thì ốm yếu và chết dần, chết mòn. Nguồn nước suối đen cũng đã ngấm qua đất và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của gia đình bà. “Nhà tôi ở sát ngay bên con suối, trước đây nước suối trong xanh, trẻ con còn xuống tắm, mò cua bắt ốc, người lớn thì thả lưới, câu cá, dùng nước để làm ruộng, tưới rau màu, tắm cho vật nuôi, vậy mà khoảng 3 tháng nay, nguồn nước bỗng nhiên đổi màu đen và bốc mùi, khiến lợn, gà, vịt nhà tôi chết sạch, còn trâu bò thì ngày càng yếu đi”.
Nước giếng cũng đổi thành màu đen.
Cách đây khoảng hơn hai tháng, bỗng nhiên 10 con lợn sề (loại lợ to, đẻ nhiều lứa) nhà bà Huệ lăn ra chết. Khi mổ, trong bụng mỗi con lợn sề có từ khoảng 10-15 lợn con. Do sợ ăn vào sẽ bị bệnh, nên số lợn chết này đều được đem đi chôn. Tính đến nay, số lượng gà vịt nhà bà Huệ cũng đã chết trên dưới 30 con, lúc mổ ra thì thịt đen sì, bốc mùi thối.
“Tôi cho rằng, lợn nhà tôi chết là do ăn bèo dưới con suối bị ô nhiễm, còn gà vịt thì ăn linh tinh và uống nước đó nên mới bị như vậy. Còn trâu bò thì hay có biểu hiện sốt cao, ngày một yếu đi. Đó là chưa nói đến nguồn nước giếng khơi nhà tôi cũng như nhiều hộ khác bỗng nhiên đổi màu. Ba tháng nay, tôi toàn phải đi xin nước ở nơi khác về dùng, có nhà phải mua nước để sinh hoạt. Sắp tới đây là vụ chiêm, chúng tôi không biết lấy nước đâu để làm nữa”, bà Huệ lo lắng.
Còn gia đình bà An Thị Tình (62 tuổi, thôn Đồng Bục), cách đây có 5 ngày đã chết 6 con vịt, khi mổ ra xem thì thấy thịt biến thành màu đen, bốc mùi hôi thối khiến gia đình bà rất lo sợ. Cũng có những bức xúc như bà Huệ, bà Tình, và Diêm Thị Lựu và nhiều hộ dân khác trong thôn Đồng Bục lo sợ nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra mà không được khắc phục kịp thời thì không những ruộng vườn phải bỏ hoang, vật nuôi bị chết mà đến sức khỏe con người cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nguồn nước ô nhiễm đã ảnh hưởng xấu đến đất, đến không khí, đến môi trường xung quanh, ngày nào người dân cũng phải hít vào.
Trong khi đó, đa số người dân đều dùng nước giếng khơi, nên mức độ nguy hiểm đến sức khỏe càng đáng báo động hơn. Và nguy cơ xuất hiện một làng ung thư là điều dễ xảy ra nếu như các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc. Trước tình hình này, ông Phí Triệu Tân (trưởng thôn Đồng Bục) cho biết: “Về vấn đề ô nhiễm nguồn nước suối, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên huyện về cơ sở sản xuất tinh bột sắn của ông bà Thọ Ly. Chúng tôi đã làm đơn hơn 1 tháng nay, cứ cấp nọ đến cấp kia về mà vẫn chưa giải quyết được, bà con rất bức xúc. Ở thôn Đồng Bục có hơn 10 hộ gia đình nằm dọc con suối này là chịu nặng nề nhất. Trâu bò, lợn gà không thể dùng nước này được, kể cả con người”.
Trưởng thôn Đồng Bục cũng xác nhận, ngoài những thôn thuộc xã An Thượng, thôn Tiến Thịnh (xã Tiến Thắng), nơi có cơ sở sản xuất tinh bột sắn đã bị ô nhiễm, thì mức độ ảnh hưởng đã kéo dài đến trên dưới 10 km, lên đến cả tại xã Quang Tiến (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Mặc dù đã có đơn kiến nghị, cũng như đã có tác động của đại diện huyện Yên Thế nhưng cơ sở sản xuất tinh bột sắn Thọ Ly vẫn ngang nhiên hoạt động.
Kỳ 2: Ai đã tiếp tay cho khu chế biến tinh bột sắn ngang nhiên hoạt động?
Vũ Đoàn – Kim Truyền