Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, người ta thường tổ chức an táng cho người chết chỉ trong vòng vài ngày, nhưng ở đất nước Ghana, phong tục an táng hết sức phức tạp khi có thể khiến người ta mất vài tháng, thậm chí vài năm để chuẩn bị. Ở một số cộng đồng người, việc an táng nhanh chóng còn bị coi là báng bổ, bởi vậy, thi thể người qua đời ở nước này phải được lưu giữ vài tháng trong phòng lạnh trước khi được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Tục lệ an táng kéo dài ở Ghana được cho là bắt nguồn từ chính quan niệm về gia đình ở các nước châu Phi. Trong cuộc đời một con người, con cái, vợ hay chồng và cha mẹ của họ được cho là những người thân thiết nhất, và gọi là gia đình “nhỏ”... nhưng một khi người này qua đời, thi thể của họ được quyết định là thuộc về một gia đình “lớn” - tức gia đình gốc khi mà họ được sinh ra, bao gồm ông bà, cha mẹ và tất cả những người họ hàng xa của họ.
Trong nhiều trường hợp, gia đình lớn này còn bao gồm nhiều người họ hàng xa của người đã khuất, thậm chí là những người họ hàng mà họ chưa từng gặp gõ hay nói chuyện trong suốt nhiều thập kỷ. Những thành viên thuộc gia đình lớn này sẽ thảo luận về thời gian, địa điểm chôn cất, và nói chuyện về nguyện vọng sau cùng của người đã khuất... sau đó đưa ra những việc cần làm cho gia đình “nhỏ” của người này.
Bà Ohene kể lại rằng bà từng thực hiện tang lễ cho người mẹ 90 tuổi của mình một cách nhanh chóng, và đến giờ người dân trong làng nơi bà sinh ra vẫn coi đó là một hành động thiếu tôn trọng. Nói về tục lệ cổ hủ trong mai táng người chết ở Ghana, bà Ohene chỉ ra một nguyên nhân chính hết sức đơn giản - công nghệ bảo quản lạnh.
Trước đây, nữ nhà báo kiêm chính trị gia của Ghana, bà Elizabeth Ohene, đã từng công khai chỉ trích truyền thống cổ hủ khiến cho thi thể người chết bị lưu giữ quá lâu trong phòng lạnh này - có khi vài tháng, có khi lên tới vài năm - tuy nhiên các nỗ lực của bà đều không mang lại hiệu quả.
Mới tháng trước, các hãng tin quốc gia của Ghana còn đăng tải trường hợp của một vị tù trưởng đã qua đời từ 6 năm trước, và thi thể của ông đến nay vẫn được đông lạnh ở nhà xác do gia đình “lớn” của ông không thể quyết định về một vấn đề tổ chức tang lễ. Vụ việc này không mấy được quan tâm ở Ghana, bởi những trường hợp tương tự xảy ra khá thường xuyên.
Đôi lúc, qua trình tổ chức tang lễ kéo dài do gia đình “lớn” tranh cãi về việc ai sẽ là người chịu tang chính, đôi lúc lại là việc thiết kế quan tài, hay địa điểm chôn cất, hoặc đơn giản là để chờ đợi tất cả người thân trong đại gia đình từ khắp mọi miền - cả trong nước và ở nước ngoài - đổ về chịu tang.
Nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn tang lễ ở Ghana có rất nhiều và đôi khi khá khó hiểu. Bởi vậy, những người có tư tưởng cách tân như bà Ohene tin rằng giải pháp duy nhất chính là để cho gia đình “nhỏ” của một người chịu trách nhiệm lo tang lễ cho người đó.
Thực tế là, theo một cách nào đó, gia đình “nhỏ” vẫn chịu trách nhiệm nhất định trong việc an táng. Phong tục ở Ghana quy định con cái phải chịu mọi khoản chi phí tổ chức tang lễ cho cha mẹ họ, tuy nhiên khi bàn về những vấn đề còn lại, họ không có tiếng nói.
Có một điều đáng buồn trong phong tục truyền thống này là, dù một người vợ chung sống với chồng mình suốt hơn 50 năm, một khi người chồng qua đời, thi thể của ông lại thuộc về gia đình “lớn”, nơi mà ông được sinh ra. Đó là một “cơn ác mộng” đối với nhiều người, và nó chưa thể chấm dứt trong một sớm một chiều.
Tuy nhiên, các vấn đề tranh cãi trong tang lễ mới chỉ là một nửa vấn đề. Đôi lúc, tang lễ bị trì hoãn rất lâu là quá trình chuẩn bị quá sức tỉ mỉ của người dân Ghana. Ngôi nhà của người đã khuất buộc phải qua quá trình tu sửa, hoặc đập đi rôi xây lại trong quá trình tang lễ. Việc liệt kê danh sách những người đến viếng cũng rất mất thời gian, chưa kể viết bản cáo phó. Trong trường hợp gia đình “lớn” đặc biệt muốn một người quan trọng có mặt ở tang lễ, họ phải thỏa thuận về thời điểm mà người nọ có thời gian.
“Tháng trước, tôi đã tới tang lễ của một chính trị gia nổi tiếng, Nana Akenten Appiah-Menka” - bà Ohene viết trong một bài báo đăng tải trên BBC - “Cuốn sách tang lễ của ông dài tới 226 trang, bao gồm các bức ảnh và đóng góp của ông trong suốt 84 năm sinh sống. Điều đó rất tốn thời gian để thực hiện”.
Bà Ohene kể lại rằng bà từng thực hiện tang lễ cho người mẹ 90 tuổi của mình một cách nhanh chóng, và đến giờ người dân trong làng nơi bà sinh ra vẫn coi đó là một hành động thiếu tôn trọng. Nói về tục lệ cổ hủ trong mai táng người chết ở Ghana, bà Ohene chỉ ra một nguyên nhân chính hết sức đơn giản - công nghệ bảo quản lạnh.
“Trước khi nhà xác có phòng lạnh trở nên phổ biến ở đất nước này, chúng tôi chôn cất người chết chỉ trong vòng 2 hay 3 ngày. Giờ khoảng thời gian mai táng thông thường là từ 3 đến 6 tháng” - bà Ohene viết - “Bởi vậy tôi đổ lỗi cho công nghệ bảo quản lạnh. Nếu không có công nghệ đó, chúng tôi sẽ không giữ thi thể người lâu đến vậy”.