Xót xa ở lại
Ngày càng ra đời nhiều kênh YouTube núp dưới dạng dành cho trẻ nhỏ, nhưng nội dung thì "người lớn", mang lại hệ lụy khó lường, và những cái chết thương tâm đến bất ngờ.
Ngồi trước mặt người viết là chị Lê Ngọc (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom, Đồng Nai). Chị Ngọc nói, đã suy nghĩ nhiều trước lời đề nghị của tôi khi muốn gặp gỡ, chia sẻ về câu chuyện thương tâm của cậu con trai 8 tuổi đã mất rất thương tâm vào năm 2020. Câu chuyện đau lòng, nhưng chị muốn chia sẻ như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở các bậc phụ huynh lưu ý con mình hơn khi để trẻ xem các kênh YouTube độc hại.
Cháu L. con trai chị Ngọc, năm ngoái khi còn là học sinh lớp 3, bề ngoài phát triển bình thường như bao bạn cùng trang lứa, học lực khá, tính tình hiếu động. L. thường hay mượn điện thoại bố mẹ để xem các kênh YouTube hướng dẫn chơi các trò chơi mạo hiểm hoặc tham gia vào các thử thách theo cách mà video hướng dẫn.
Nhiều lần gia đình, hàng xóm phát hiện cháu thường móc cổ áo đang còn mặc trên người vào cành cây, gờ cửa treo người lủng lẳng hai chân không chạm đất đã kịp thời can ngăn.
Tuy vậy, vào thời điểm cuối năm ngoái, sau bữa cơm tối, L. nói đi tắm, nhưng chờ mãi không thấy cháu quay ra nhà, cả nhà phá cửa nhà tắm vào thì phát hiện con mình đang treo treo cổ sát tường, cổ quấn áo thun màu xanh dương đang mặc trên người, được móc trên móc treo quần áo cố định trong nhà vệ sinh. Một cú sốc đớn đau đến cùng tận về sự ra đi của cháu với gia đình.
Cháu L. được phát hiện trong tư thế cổ quấn áo thun màu xanh dương đang mặc trên người, móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Ảnh: Tư liệu. |
Mới đây, thông tin một bé gái tên D., (5 tuổi ở TP.HCM) tử vong khi dùng khăn quàng buột vào cổ rồi treo lên thành ghế do học xem YouTube . Theo chia sẻ của người thân cháu thì D. là một cháu bé bình thường, luôn vui tươi, được mọi người trong nhà yêu thương, không có bất thường về tâm lý nhưng do thường xem các trò hướng dẫn trên YouTube mà gia đình lại lơ là nên mới xảy ra sự việc đau lòng.
Những cip núp bóng hướng dẫn trẻ em nhưng nội dung vô cùng độc hại và nguy hiểm vẫn cứ tràn lan trên mạng. Ảnh: Cắt từ clip YouTube. |
Trước thực trạng đó, nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ thường xuyên xem YouTube bày tỏ lo lắng: "Do bận rộn và công việc cần thời gian làm ở nhà nên tôi thường để con xem YouTube để làm việc. Thế nhưng ngày càng nhiều video nhảm nhí tác động đến việc hình thành nhân cách, tư duy trẻ nhỏ khiến tôi thật sự lo sợ”. Chị Thanh Xuân (Quận 12, TP.HCM) bất an.
Cùng quan điểm với chị Xuân, anh Hưng (Nhơn Trạch, Đồng Nai) nói: "Mong rằng những người sản xuất nội dung YouTube, đặc biệt là những kênh có lượng theo dõi lớn cần có ý thức, họ cần sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Những hành động tưởng như vô hại, câu view có thể ảnh hưởng rất lớn đến một trẻ em".
Anh Phú Hải, một người đồng nghiệp cũ của người viết kể, có ngày anh đi làm về thấy con gái 6 tuổi đang dùng mũi bút chì để xuyên qua lỗ đeo bông tai, may mắn anh kịp thời ngăn lại. Khi hỏi mới biết, đây là cách con anh học được khi xem một clip hướng dẫn nào đó trên mạng mà cháu không nhớ tên, chỉ biết ai xỏ được hết thanh bút chì từ đầu này sang đầu kia lỗ tai thì là người giỏi nhất.
Cùng quan điểm với chị Xuân, anh Hưng nói: "Mong rằng những người sản xuất nội dung YouTube, đặc biệt là những kênh có lượng theo dõi lớn cần có ý thức, họ cần sống có trách nhiệm hơn với xã hội. Ảnh: NVCC |
Bác sĩ Lê Kim Hoa (Bệnh viện Triều An, TP.HCM) cho rằng: “Những người thực hiện clip lan tràn, tay lăm le điện thoại, máy quay bất chấp thời điểm và hoàn cảnh hiện nay, ngoài mục đích kiếm tiền trên các kênh mạng xã hội ra họ còn có vấn đề về tâm lý, tâm lý muốn được là người nhanh nhất, độc đáo nhất, muốn được nổi tiếng. Họ quên đi mục đích sống thật của mình mà lao vào một công cuộc sống ảo, rồi bắt người khác phải thừa nhận mình hoặc kéo cả người khác ảo theo.”
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường: "Tự do, không có nghĩa là gieo rắc sự phản cảm băng hoại để kiếm tìm danh lợi"
Khi Thơ Nguyễn dạy trẻ con thỉnh bùa Kumanthong, cô ấy đã xâm hại thuần phong mỹ tục và sự hồn nhiên của trẻ thơ. Ê kíp của Thơ Nguyễn hoàn toàn không nhận thức được bùa ngãi là gì. Nên nhớ Momo từng gây nên trào lưu gọt người cho giống con gà quái dị hoặc tự tử.
Khi bạn đã trở thành “tấm gương” hoặc “thần tượng”, biên độ tự do của bạn phải do chính bạn điều chỉnh, có nghĩa là nhận thức của bạn phải được bồi bổ cao lên, tỷ lệ thuận với số tiền bạn gặt hái. Những đứa trẻ, hoàn toàn là những cái máy copy hồn nhiên. Những đứa trẻ coi Thơ Nguyễn là thần tượng sẽ bật chế độ bắt chước tự động.
Thơ Nguyễn cũng như những clip liệt kê bên trên là một biểu trưng của tự do hỗn loạn. Họ đang kiếm tiền dựa trên sự băng hoại của xã hội hoặc vẽ ra sự băng hoại trong xã hội phai tàn giá trị. Nhà nước có luật an ninh mạng, nhưng có vẻ như nó đang nhắm vào hồng tâm là tài khoản cá nhân facebook liên quan chính trị. Địa hạt đời sống, thuần phong và nhất là giáo dục đang bị bỏ ngỏ.
Có hai chủ thể trừng phạt những người lạm dụng tự do, đó là luật pháp và luân lý xã hội. Trong trường hợp Thơ Nguyễn, ngoài biện pháp của nhà nước, người dân cũng có quyền sử dụng quyền lực của mình. Tẩy chay kênh youtube, nhãn hàng tài trợ và ngôi sao là cách làm đơn giản.
Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết - Giám đốc điều hành Hãng Luật Bạch Tuyết: "Các chế tài xử phạt đã đủ nặng nhưng sức hấp dẫn của view, like dường như còn nặng hơn"
Các chế tài xử phạt các hành vi sử dụng trái phép hình ảnh, của người khác để "câu like”, “câu view”, “kiếm tiền" như hiện nay tuy đủ sức răn đe, bởi mức phạt đã tăng lên khá nhiều so với các quy định trước đây nhưng lợi nhuận trước mắt vẫn khiến nhiều người lao vào bất chấp.
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều người bắt đầu kiếm tiền qua mạng bằng cách làm vlog trên youtube. Trên thực tế vì mục đích “câu like”, “câu view”, “kiếm tiền” cũng như do thiếu hiểu biết pháp luật mà các youtuber đã tự ý chụp ảnh, quay lén người khác để sáng tạo nội dung nên các vlog của mình. Sử dụng nội dung chứa hình ảnh của người khác để đăng tải lên youtube mà không có sự đồng ý của người đó được xem là hành vi trái pháp luật do sử dụng trái phép hình ảnh của người khác. Hành vi này có thể bị xem xét xử lý dân sự, hình sự tùy vào tính chất, mức độ của nội dung đó.
Tại Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015 quy định quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý,trường hợp sử dụng với mục đích kinh doanh thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh được sử dụng đó theo thỏa thuận. Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Do đó, mọi hành vi sử dụng hình ảnh, công khai đời sống riêng tư của người khác dưới bất kỳ hình thức nào mà không có sự đồng ý (trừ những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 32) đều là hành vi trái pháp luật.
Tại Điểm e, Khoản 3, Điều 102 nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 10.000.000 – 20.000.000 triệu đồng. Đồng thời, Khoản 2, Điều 101 Nghị định này cũng quy định hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 20.000.000 – 30.000.000 triệu đồng.
- Luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết – Giám đốc điều hành Hãng Luật Bạch Tuyết (TP.HCM). |
Ngoài ra, Tùy theo mức độ vi phạm, người tự ý sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác có thể bị xử lý hình sự theo các tội sau:
1. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự;
2. Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật hình sự;
3. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật hình sự.
Bên cạnh đó, hành vi phát tán, chia sẻ nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc dẫn đến việc trẻ em làm theo và gây hậu quả đáng tiếc sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP“Phạt tiền từ10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.”